Một cách làm luật mới

Vừa rồi tôi được dự một cuộc thi về tinh thần pháp lý của sinh viên các trường luật. Nhờ đó mà tôi biết rằng hiện nay ngành luật đang có 1 xu hướng làm luật mới, khác với trước đây.
Làm luật kiểu “Tư duy vã”
Trước đây và cho đến gần đây không chỉ người dân mà ngay cả chính dân làm luật cũng nói rằng cách làm luật chỉ là trên trời. Theo một chuyên gia cao cấp của ngành luật thì việc làm luật ở Việt Nam thường được làm theo cách là. Trước hết, chính phủ có yêu cầu làm một luật, quy định nào đó và giao xuống cho các cục, vụ. Các sếp tại các cục, vụ đó lại giao xuống các phòng, ban. Các sếp của các phòng, ban đó đều bận và giao xuống cho các nhân viên. Các nhân viên trong phòng, đặc biệt là các chuyên viên cao cấp đều bận, nên cuối cùng việc biên soạn các luật, các quy định đương nhiên được giao cho những người ít bận hơn. Đó là những người mới ra trường, mới đi làm, hoặc còn ít kinh nghiệm. Đó chính là kiểu mà bên KHXH vẫn gọi là kiểu “tư duy vã”. Tức là những người ít có kinh nghiệm thực tế, và làm luật không dựa nhiều trên những vấn đề thực tế. Càng không có ý kiến của các bên có lợi ích khác nhau. Đơn giản là theo chỉ đạo từ cấp trên. Rồi những văn bản đó sẽ được góp ý qua từng cấp: phòng, ban rồi lên cục, vụ, rồi lên bộ, ngành, rồi trình lên Thủ tướng hoặc Quốc hội nếu là loại văn bản luật cao. Thế là chẳng có những bằng chứng từ khảo sát thực tế. Chẳng có lấy ý kiến trái chiều từ các bên liên quan. Chẳng có trao đổi, thương thảo với những bên có lợi ích khác nhau, thậm chí lợi ích đối ngược nhau.
Tất nhiên, gần đây cách làm luật đã bắt đầu có chút ít thay đổi.
ROCCIPI và RIA - Thay đổi về mặt nhận thức, và phương pháp
Hiện nay trong ngành luật, tại các trường luật đã thấy nói đến và có giảng dạy về những cách thức làm luật khoa học hơn. Đó là ROCCIPI và RIA
ROCCIPI (R =Rule: quy tắc; O = Opportunity: cơ hội; C = Capacity: năng lực; C= Communication: truyền thông; I = Interest: lợi ích; P = Process: quy trình; I = Ideology: ý thức hệ)
RIA (Regulatory Impact Assessment)
Lâu nay ở Việt Nam khá quen với khái niệm Đánh giá tác động môi trường (EIA – Environment Impact Assessment), và bây giờ là khái niệm mới: Đánh giá tác động của chính sách.
Theo cách hiểu của EU thì RIA là[1]
Đánh giá tác động của chính sách là một công cụ hỗ trợ việc ra quyết định. Mục tiêu của RIA là xác định được lựa chọn tốt nhất để đạt được mục tiêu của hoạt động xây dựng chính sách trong khi giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm ẩn. Nó bao gồm một loạt năm bước logic của quá trình phân tích: xác định vấn đề, xác định mục tiêu, đưa ra những phương án, phân tích tác động và so sánh các phương án. Bằng cách cung cấp các phân tích minh bạch và dựa trên bằng chứng về các ưu điểm và nhược điểm của các phương án liên quan đến các mục tiêu đã xác định, sẽ giúp các nhà ra quyết định và các bên liên quan đưa ra một khung tham chiếu vững chắc để thảo luận và đưa ra các quyết định dựa trên bằng chứng và thông tin. Do đó, phát triển RIA là một quá trình được tích hợp với quy trình xây dựng chính sách. Các nhóm xây dựng chính sách có thể tiến hành tư vấn các bên liên quan và các chuyên gia trong toàn bộ quá trình. Mức độ và phạm vi đánh giá tác động được xác định bởi mức độ ​tác động dự kiến của chính sách mới. Đây là nguyên tắc được gọi là phân tích tỷ lệ thuận. Nói chung, tất cả các đề xuất mới áp dụng cho một khu vực chính sách mới hoặc giới thiệu một cách tiếp cận mới ảnh hưởng đến một số lượng lớn người đều cần được phân tích tác động đầy đủ chi tiết. Các thay đổi chính sách trong một khu vực nhỏ hơn, thì chỉ yêu cầu đánh giá tác động trong khu vực ảnh hưởng hạn chế.
Ví dụ khi đưa ra 1 chính sách mới của ngân hàng thì cần phải thực hiện đánh giá về: 1) Phân tích rủi ro và ảnh hưởng tới cạnh tranh và thị trường; và 2) Phân tích chi phí lợi ích
Thay đổi trong những quy định về quy trình
Ở Việt Nam đã có những thay đổi được thể hiện trong các quy định. Chẳng hạn, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (chắc còn có nhiều luật, và chính sách khác cũng có quy định về đánh giá tác động). Điều 35. Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh
1. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiến hành đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Đại biểu Quốc hội tự mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan đề xuất chính sách đó có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách.
2. Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh, giá tác động thủ tục hành chính; tác động về giới (nếu có).
3. Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội khi đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm nghiên cứu, soạn thảo dự thảo báo cáo đánh giá tác động; lấy ý kiến góp ý, phản biện dự thảo báo cáo; tiếp thu, chỉnh lý dự thảo báo cáo.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Thay đổi trong thực tế
Những thay đổi trên thực tế đã diễn ra như thế nào thì chắc phải có các chuyên gia trong ngành luật làm tổng quan đánh giá. Qua những gì ta có thể quan sát thấy thì đã có những thay đổi. Chẳng hạn Quốc hội trong những năm gần đây thường có những đợt khảo sát chính sách. Đó là những thực hành do chính Quốc hội thực hiện. Bên cạnh đó, những chính sách mới cũng đã và đang được xây dựng dựa trên những nghiên cứu bài bản. Chẳng hạn như dự án “Xây dựng chiến lược phát triển đô thị Việt Nam” đang được thực hiện trong đó Bộ Xây dựng cùng với các chuyên gia tư vấn trong nước, quốc tế cùng phối hợp để xây dựng chiến lược. Đây chính là hoạt động nghiên cứu để xây dựng chính sách.
Vấn đề là để có thể thực hiện ROCCIPI và RIA phía Việt Nam cần một đội ngũ đông đảo những tổ chức nghiên cứu, những chuyên gia nghiên cứu trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế để huy động những chuyên gia đó trong những nghiên cứu có sự phối hợp giữa chuyên gia, giữa tổ chức nghiên cứu với các cơ quan lập pháp, các có quan ra chính sách.
Chúng ta cùng quan sát, và chờ đợi sự lớn mạnh của đội ngũ nghiên cứu, và chờ đợi sự phối hợp tư vấn ngày càng chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu với các cơ quan ra chính sách.
HN 25/4/2018

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Nạo thai hay không nạo thai?