Tuổi thơ thời chiến bơ vơ


Những năm đầu chiến tranh chống Mỹ, ngày đó vẫn gọi là chiến tranh Giôn xơn, với tôi là những năm tháng của bơ vơ, của di chuyển.
Bố tôi là bác sỹ, mẹ là dược sỹ, nên tuổi thơ của tôi gắn liền với các bệnh viện. Nói đúng ra là tôi lớn lên trong các bệnh viện.
Ông bà nội, ngoại tôi sống ở Hà Nội. Bố mẹ tôi đi làm thì được phân công về các tỉnh. Thời kỳ sinh tôi thì bố mẹ ở Phủ Lý. Tôi lớn lên ở Phủ Lý cho đến khi đi sơ tán.

Khi chiến tranh nổ ra, mọi người đi sơ tán toán loạn. Nhà tôi lúc đó có 3 chị em, tôi là lớn. Bố mẹ cứ gửi mỗi đứa 1 nơi. Tôi còn nhớ có giai đoạn tôi đi với bố. Ký ức chỉ còn cảnh sống trên xe com măng ca. Suốt ngày trên xe. Rong ruổi trên các con đường. Những phong cảnh lướt qua con mắt của đứa trẻ 5 tuổi. Những cánh đồng dưới nắng vàng. Những con đường chạy sát vào chân núi, xung quanh là cây cối, che hết cả ánh mặt trời. Cảnh xe dừng lại dưới chân một trái núi, một trái núi ở giữa đồng bằng. Nghe người lớn nói là ở Chi Nê. Chỉ đọng lại một cảm giác buồn man mác, buồn mơ hồ. Cái cảm giác này còn lại mãi trong cuộc đời tôi. Sau này, hễ đi đến đâu có phong cảnh thế này là tôi lại nhớ đến cảnh “Chi Nê” của tôi ngày bé. Và cảm giác buồn xâm chiếm, không thể cưỡng được.

Có thời kỳ bệnh viện làm một dãy nhà trông trẻ con. Một dãy nhà 12 gian, tranh tre nứa lá. Một lũ trẻ con sống ở đó với các cô trông trẻ. Trẻ con của các gia đình thường có mấy anh chị em. Nhà tôi là 3 chị em. Bố mẹ gửi con ở đó luôn dặn: chị phải trông em. Chị em phải đùm bọc nhau. Đặc biệt ngày đó bố mẹ rất sợ bị lạc con, nên những đứa trẻ luôn phải học thuộc lòng tên bố, mẹ, và tên của anh chị em để nếu lạc nhau thì còn tìm. Không chỉ học thuộc tên chị em nhà mình mà còn học thuộc tên chị em nhà chơi thâm với mình để đề phòng lạc. Đến bây giờ, sau 5 chục năm, tôi vẫn còn thuộc tên của 3 chị em của gia đình mà tôi chơi thân. Buối tối, và buối sáng tôi luôn phải tìm cho đủ em của mình. Lúc nào cũng sợ bị lạc em. Sống trong trại trẻ ngoài nỗi lo bị lạc, còn nhiều nỗi lo. Lo bảo vệ em khỏi bị bắt nạt. Trong trại trẻ, có những đứa trẻ từ mấy tháng tuổi, còn ăn sữa, ăn bột, cho đến những đứa lớn học cấp II, cấp III. Trong cái đám hỗn độn đó chuyện đánh lộn, bắt nạt luôn luôn xảy ra. Rồi lại lo chuyện ăn, uống, tắm giặt. Đến bữa, lo lấy được cơm về cho em và mình ăn. Nếu không nhanh tay, nhanh chân thì chỉ còn bát không. Mà tôi lại là đứa chậm, nên việc đi lấy cơm mỗi bữa ăn là một nỗi lo sợ. Chiều đến phải mang em đi tắm. Những đứa trẻ lên 5, lên 3 lo tắm cho em lên 2, lên 1. Lo cả cho em đi đái, đi ị. Em ị xong, chị phải lo chùi đít, thay quần cho em. Chiều đến phải lo cất quần áo. Nếu không cất giữ, hôm sau không còn cái gì mặc. Còn một nỗi lo nữa là khi có báo động máy bay thì phải đưa em xuống hầm. Lúc đó, trẻ con khóc như ri. Những đứa lớn, đã hiểu biết thì bảo: nếu chết ở đây thì bố mẹ chẳng biết đâu mà tìm. Có đứa lại nói: nếu bố mẹ bị chết rồi thì không quay lại tìm con được nữa. Như thế sẽ ở trại cả đời. Tôi hồi đó chẳng hiểu chết là gì, nhưng nghe giọng điệu của nó thì đã đủ sợ lắm rồi. Thời gian ở trại trẻ cũng ngắn. vì đó chỉ là cái trại tạm. Sau đó bố mẹ tìm được chỗ khác thì quay lại đưa con đi. Trại trẻ cứ vơi dần, vơi dần. Nhìn những đứa có bố mẹ đến đón thì những đứa ở lại khóc rống lên thảm thiết. Một cảm giác lo sợ khủng khiếp. Lo sợ bị bỏ rơi. Lo sợ bố mẹ không quay lại đón. Lo sợ bố mẹ bị chết. Và nỗi lo này cứ theo tôi suốt đời.

Khi rời nhà trẻ tạm, chúng tôi đến ở một nhà trẻ khác. Nhà trẻ này nhỏ hơn, chỉ có vài đứa trẻ bé ở độ tuổi ăn bột, ăn cháo. Hồi đó còn bé quá, chúng tôi chưa tự nấu được cơm. Hàng ngày tôi phải mang cạp lồng đi đến bếp ăn tập thể, lấy cơm mang về cho các em ăn. Không biết quãng đường thế nào chứ với đứa trẻ 5 tuổi thì nó xa lắm. Phải vượt qua một quả đồi đất thì mới vào được khu bếp ăn của bệnh viện.Tôi thường được nhà bếp để phần sẵn cho miếng cháy cơm. Thời đói khát, miếng cháy vàng rộm, và giòn thật là tuyệt. Nhưng quãng đường thì thật là xa. Những hôm trời mưa, đường trơn, đi ngã bẩn hết. Nhiều hôm, lấy cơm về, ngã, cơm đổ hết. Sau này lớn lên, đọc bài thơ chiến sỹ Điện Biện “máu trộn bùn non” thì tôi luôn nhớ đến cái cạp lồng cơm trộn mưa, bùn ngày bé. Những hôm đó chị em bị đói, ngồi khóc với nhau. Những đứa trẻ khác có người lớn thì không sao, vì có người lo cho. Những đứa trẻ nhà quê cũng không sao vì nó có thể kiếm củ khoai, bắp ngô, hoặc cái gì xung quanh mà ăn cho qua cái đói. Còn chúng tôi, cơm đổ hết, đói, rét, ngồi khóc.

Có thời gian tôi phải sống một mình. Thời sơ tán, nhiều đứa trẻ được về quê, hoặc đi trại trẻ chăm sóc đàng hoàng, nhưng tôi lại phải lang thang một mình. Tôi không có quê. Thực ra thì mẹ tôi gốc người làng cổ Cự Đà, nhưng các cụ đã ra Hà Nội từ mấy đời trước nên chẳng còn ai ở quê mà về. Còn bố tôi thì ông bà cũng ra Hà Nội từ mấy chục năm rồi. Sau thời Cải Cách, quan hệ với làng quê chẳng còn gì để mà về. Hồi đó bố tôi đã chuyển công tác lên bệnh viện Việt Đức, chỉ còn mẹ ở lại Phủ Lý. Chẳng hiểu hồi đó 2 đứa em tôi lưu lạc thế nào. Còn tôi thì đi theo cơ quan mẹ. Mẹ tôi ngày đó cũng phải đi liên tục. Chẳng biết sao lại cứ đi liên tục như thế. Vì thế tôi thường phải ở 1 mình. Đúng ra là tôi thường được gửi cho nhà trẻ. Ban ngày thì nhà trẻ có cô và có trẻ con. Ban đêm trẻ con về, và cô cũng về, chỉ còn tôi sống 1 mình trong cái nhà trẻ. Ký ức của tôi là cảnh bố mẹ chở xe đạp, đi trên con đường đê, một bên là cánh đồng, bên kia là đất bãi. Con đê với hàng cây dứa dại, và cỏ may bạt ngàn. Cảm giác lúc đó là buồn tê tái. Sợ hãi vô cùng. Vì tôi biết phía trước là một nơi hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn bơ vơ. Bố mẹ sẽ đem tôi đến gửi cho cô trông trẻ và tôi sẽ còn lại 1 mình. Sau này, những cảnh làng quê đồng bằng Bắc Bộ, với con đê, với cây dứa dại, và cỏ may, với cánh đồng liền với chân đê… lại gợi lên cảm giác buồn tái tê, không chịu đựng được. Ký ức còn lại là cảnh mùa đông lạnh tê, lạnh cóng. Mưa dầm, gió bấc. Đêm đến mái nhà dột, chăn ướt. Lạnh cóng. Sáng hôm sau, cô trông trẻ đến nhìn thấy bảo: ôi, dột ướt hết thế này. Nó lạnh tím thế này. Thế mà nó chưa chết cóng.

Tôi được dạy nấu cơm, nấu canh. Thức ăn thì mẹ nấu để sẵn. Đến bữa tự nấu cơm bằng bếp củi rồi lấy thức ăn sẵn ra mà ăn một mình. Có lần, có một cô đến lục chạn và kêu toáng lên: thiu hết rồi. Thiu thế mà không biết à? Thiu thế mà cháu vẫn ăn à? Rồi cô đó còn rêu rao: thiu mà nó không biết, cả nhà ạ. Cá bống kho là món rất ngon. Nhưng mùi cá bống kho bị thiu thì nó theo tôi suốt đời. Chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy buồn nôn. Không chỉ buồn nôn, mà cái mùi đó còn gợi cảm giác buồn tê tái. Có lần mẹ đi lâu ngày, hết thức ăn, không còn gì ăn. Đi ra đường kêu cháu đói. Những người nông dân ở làng hỏi cháu có gạo không? Có gạo thì nấu cơm lên, rồi ra ngoài vệ đường hái rau rền cơm về nấu canh với muối mà ăn. Họ chỉ cho tôi cây rau rền. Nấu lên sao mà nó ngọt thế. Đó là bữa cơm ngon nhất trong đời tôi. Trên đời này, canh rau rền là ngon nhất.

Tôi ở một mình như thế. Rồi có lần được gặp em gái. Nó đi với mẹ và bị chó cắn. Mẹ phải đưa đi tiêm phòng dại. Nhìn thấy em mà 2 chị em khóc òa lên. Ôm nhau khóc. Nhìn em thương quá. Hồi đó nó còn bị trốc đầu, phải cạo trọc. Bị trẻ con đọc vè trêu: “trọc đầu lông lốc bình vôi, mẹ ngồi mẹ ỉa, mẹ bôi lên đầu”. Nó chẳng hiểu gì, cũng ngồi nghêu ngao: lốc bình vôi. Tôi tức quá, nhưng rồi lại buồn cười vì nó ngô nghê. Rồi hai chị em lại chồm chập nói chuyện. Hỏi chuyện nó, nhưng con bé 3 tuổi chẳng biết kể cái gì. Qua những câu không đầu không cuối chỉ biết là nó được mẹ đưa đi chỗ nọ, đưa đi chỗ kia. Thế là khóc, tị với em, vì nó được đi cùng mẹ, còn mình phải ở một mình. Còn nó thì lại bảo em thích ở với chị, chơi với chị. Rồi lại cười. Rồi lại khóc.

Hồi chưa có chiến tranh, sống trong bệnh viện, tôi thường thấy bố đi mổ cho người bị trâu húc. Chẳng hiểu sao ở làng quê hay có người bị trâu húc. Thường là trẻ con, nhưng đôi khi có người lớn bị húc. Còn một điều kỳ quặc nữa là hồi bé, chắc là có người lớn trêu, là con thỏ nó húc. Vì thế khi đi sơ tán cứ nhìn thấy trâu, bò, và thỏ là tôi sợ bị húc. Vì sống một mình nên tôi phải tự đi học. Nhưng cứ hễ đi ra đường gặp trâu, bò là đứng lại. Chờ khi nào có người đi qua thì đi cùng. Nếu không có ai thì đi về. Khi ở lâu, có bạn quen thì đi học có bạn đi cùng.

Trẻ con nông thôn rất hay bắt nạt. Con trai thường xuyên bắt nạt con gái. Đứa lớn bắt nạt đứa bé. Trẻ nông thôn bắt nạt trẻ sơ tán. Rồi bố nghĩ ra một cách là cho quà để chúng nó khỏi bắt nạt. tôi thường thủ sẵn các thứ trong túi. Bố cứ cho các loại polivitamine để hối lộ bạn. Những khi hết “poli” thì có những viên thuốc muối dạ dày Bicacbônat, hoặc mẹ cho mấy lát cam thảo. Thế mà trẻ nhà quê cũng thích mê.

Hồi đó các bệnh viện thường xuyên phải di chuyển. Những năm học thời sơ tán Giôn Xơn tôi thường xuyên phải chuyển trường. Chỉ ở mỗi nơi 2-3 tháng là lại đi. Một năm học tôi thường học ở 3-4 nơi. Kiến thức của tôi vì thế mà rất lõm bõm. Cũng vì thế mà tôi có khả năng tự học. Khi không đến trường thì tôi tự dở sách ra và tự đọc, tự học một mình, tự làm bài tập. Khi nào có mẹ về thì mẹ chữa bài. Ký ức vẫn còn lại là trong những đêm đông, nằm trong chăn, đang đêm thì mẹ về. Mẹ ôm tôi một tí rồi mẹ lại dậy. Mẹ vào bếp chuẩn bị đồ ăn cho tôi. Rồi mẹ kiểm tra bài vở. Cảnh mẹ ngồi đầu giường bên ngọn đèn dầu, mẹ ngồi sửa bài. Được ngủ có mẹ ngồi bên cạnh thật là sung sướng làm sao. Sáng hôm sau dậy thì mẹ đã đi. Vào bếp tìm thì thấy thức ăn. Dở vở ra thì thấy chữ mẹ phê. Và tôi nhớ mẹ, nhớ em, khóc một mình. Rồi gạt nước mắt đi đến trường.

Bên cạnh nỗi sợ bơ vơ một mình, còn nỗi sợ máy bay. Hôm nào trước khi ra về các cô trông trẻ cũng dặn: đêm ngủ nếu có máy bay thì nhớ ra hầm nhé. Không được ngủ quên đấy nhé. Nhỡ nó ném bom thì nguy đấy. Rồi dặn: Đêm đừng cài cửa chặt quá nhé. Nhỡ nhà bị bom thì còn chạy ra ngoài được. Nếu không ra ngoại kịp thì chết cháy trong nhà đấy. Thế là tôi cứ chạy máy bay một mình. Xuống hầm một mình. Hết máy bay thì lại lên nhà ngủ một mình. Ngày đó trẻ con đi học đều có mũ rơm, nùn rơm, và đeo túi thuốc cá nhân. Có lần đang đi học thì có máy bay, lúc đó đang đi ngoài cánh đồng, đường vắng tanh, chẳng có ai. Trẻ con chẳng biết gì. Cứ thế nép vào bờ ruộng, lấy mũ rơm che người. Bình thường trong làng thì có kẻng báo động, báo yên. Nhưng ngoài đồng thì chẳng có kẻng. Khi máy bay bay đi rồi, nhưng không có kẻng báo yên nên tôi chẳng biết thế nào. Sợ đi tiếp nhỡ máy bay đến. Thế là cứ ngồi im ở đó. Rất lâu. Một mình. Cánh đồng vắng lặng. Chỉ có những cánh cò trắng, và tiếng gió, trên rặng muồng muồng (chẳng hiểu sao hồi đó người ta trồng nhiều muồng muồng thế. Trẻ con cứ ăn hạt muồng muồng, chẳng biết để làm gì). Ngồi chờ hồi lâu, rồi tôi hoảng sợ, không biết thế nào. Và rồi đi về.

Tôi thường phải di chuyển. Thường xuyên chuyển trường và phải đi xin học. Hồi khoảng năm 66-67, ở vùng nông thôn ven Phủ Lý, hoặc ven Nam Định. Có lần mẹ bận, mẹ không đi xin học được. Mẹ nhờ một người bạn cũ của mẹ là chú Kim Ngọc đi xin giúp. Thế là chú Kim Ngọc chở tôi đi. Ký ức của tôi là một vùng nông thôn nghèo. Trời nắng trang trang. Nắng như đổ lửa. Đi trên con đê. Vào một khu cơ quan, có đông người. Những người cán bộ. Họ cứ hồ hởi bắt tay, hồ hởi chuyện trò. Rồi lại sang phòng khác, lại hồ hởi bắt tay, lại hồ hởi chuyện trò. Cứ thế. Đứa trẻ con lẽo đẽo đi theo những con người hồ hởi. Rồi người lớn chia tay đi. Đến gần trưa, chú Kim Ngọc băn khoăn bàn giao tôi cho một chú khác, vì chú bận không trông được tôi nữa. Thế là tôi đi theo chú Nguyễn Bính. Chú Nguyễn Bính đi xe đạp Thống Nhất, đeo túi dết, trông như ông cán bộ xã đi lên huyện họp. Chú Nguyễn Bính lại đi qua các phòng, lại bắt tay, lại chuyện trò. Rồi cũng kết thúc việc bắt tay và chuyện trò. Chú chở tôi đi ra phía đê. Chú lại gặp người quen. Lần này thì dừng ở một quán nước dưới gốc đa, ở chân đê. Một cái quán nghèo. Trời nắng đổ lửa. Ngồi chờ. Bụng đói. Một lúc, bà chủ quán nhắc: này, cháu nó đói rồi, cho nó về đi thôi, trông nó có vẻ say nắng đấy. Chú Nguyễn Bính cho tôi uống nước chè và ăn thứ quả gì đó của quán nước mà tôi chẳng biết là quả gì, nó chua chua, sật sật. Mãi rồi cũng đi về. Kết quả là bị cảm nắng, ốm mất mấy hôm. Cái cảm giác cảm nắng, say nước chè vì đói còn mãi suốt đời. (hai cái tên Kim Ngọc và Nguyễn Bính nghe có vẻ ấn tượng. Nhưng tôi chẳng biết họ là ai. Về sau hỏi mẹ thì mẹ bảo mẹ có chú bạn tên là Kim Ngọc, nhưng lâu lắm rồi không biết chú ấy ở đâu nữa. Còn chú Nguyễn Bính thì mẹ không biết).

Đến thời Giôn Xơn ngừng ném bom, được trở về thành phố. Đó là thời kỳ sung sướng, vui vẻ. Tuy rằng xa bố, và mẹ thường xuyên vắng nhà. Nhưng ít ra còn có chị em, có bạn bè. Rồi Giôn Xơn ném bom trở lại. Lại đi sơ tán. Nhưng lần này đỡ hơn nhiều. Lần này mẹ làm ở xí nghiệp dược. Mẹ là lãnh đạo nên mẹ có tiêu chuẩn. Mẹ không ở nhà dân mà xí nghiệp làm cho mẹ 1 cái nhà riêng, ở ngoài làng. Cái nhà tranh tre. Tệ hại nhất là kiểu ở riêng này. Mẹ thường xuyên vắng nhà. Nhà chỉ có 3 đứa trẻ con ở với nhau. Tự nấu ăn, tự giặt giũ, tự trông nhau. Nếu ở cùng nhà dân thì còn có người lớn, dù sao cũng có người chỉ bảo, trông nom. Đằng này, lại chỉ có 3 đứa trẻ con với nhau. Bơ vơ, trơ trọi. Thỉnh thoảng bố ở Hà Nội về thăm nơi sơ tán. Ký ức vẫn là bố về ban đêm. Hồi đó phải đi đêm để tránh máy bay. Sáng ra thấy bố ở nhà, vui như Tết. Có lần rằm trung thu, bố mua đèn ông sao, đèn xếp, đầu sư tử. Bị máy bay phải xuống hầm. Lúc về đến nhà tất cả đã rách nát hết. Hôm sau bố phải làm lại. Bố có nhiều quyển tạp chí y học tiếng nước ngoài. Giấy dầy và có hình ảnh, màu sắc. Bố cắt tạp chí ra lấy hồ dán, bồi lên đầu sư tử. Được cái đầu sư tử đẹp nhất làng. Nó chỉ có dáng đầu sư tử thôi, còn toàn bộ phần bên ngoài không là giấy đỏ, mỏng manh như những cái đầu sư tử thông thường, mà nó là giấy họa báo, dầy dặn, cứng cáp, với những hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc sặc sỡ. Trẻ con ở làng rất thích, cứ mang ra chơi mãi. Mãi đến bây giờ tôi vẫn ước ao trẻ con có được cái đầu sư tử với màu sắc, họa tiết phong phú, đa dạng chứ không phải sản xuất hàng loạt giống nhau.
Có lần bão. Nhà bị tốc mái. Ba đứa trẻ con ôm nhau ngồi trong nhà, chẳng biết gì. Mưa tuôn, gió giật. Một lúc sau thì có người đến đưa đi sơ tán sang ngôi nhà xây. Một ngôi nhà cổ, to, xây rất đẹp. Hôm sau bão tan, các vườn chuối trong làng bị đổ hết. Toàn chuối ngự. Thế là chuối phơi ngoài sân, phơi trên nóc nhà. Trẻ con ăn chuối, rồi ăn chuối khô đến phát ngán.

Đây là khoảng thời gian khá vui vẻ. Vì ít phải di chuyển. Năm học đó tôi chỉ phải di chuyển 2 lần. Ở lâu nên tôi có bạn. Lớn rồi nên cũng biết chơi. Cùng đi cấy, cùng đi gặt, bị đỉa cắn đầy chân. Đi bắt cá ngoài ruộng, xiên cá vào que, nướng ăn. Đi mót khoai, nướng ăn. Đi xếp ải ruộng trồng đỗ. Nhưng tôi không đi chăn trâu, không leo lên lưng trâu. Nỗi sợ trâu húc vẫn còn. Chạy chơi các vườn trong làng. Lần đầu tiên được ăn quả trứng gà chín cây. Đó là quả ngon nhất trên đời. Vui nhất là đi hôi tát ao. Cả đám đông lội xuống cái ao chỉ còn bùn. Bùn từ đầu đến chân. Dùng chân dẫm. Thò tay bắt. Được con nào thì lận vào cạp quần. Lúc đầy cạp quần thì chạy về nhà. Đứng giữa sân tụt quần xuống. Cá, cua rơi ra sân. Nhặt cho vào rổ. Lại chạy ra hôi tiếp.

Theo trẻ con làng đi xem lên đồng. Cứ thấy trẻ con thì thầm, rồi chạy lom khom, là tôi chạy theo. Đoán là có cái gì hay hay. Cứ chạy luồn từ hàng rào nhà này, sang hàng rào nhà khác. Chui qua cổng, chui qua khe. Rồi nấp ở ngoài nhìn vào xem người ta nhảy múa, hát văn. Trên đời này, hay nhất là hát chầu văn. Bọn trẻ bảo cấm đấy. Lộ ra công an bắt. Tôi cứ thắc mắc mãi. Hay thế sao lại bị cấm. Không dám hỏi ai. Sợ lộ ra chúng nó không cho đi theo nữa. Về sau hỏi mẹ, mẹ bảo, trẻ con không hiểu được đâu. Thế là vẫn còn một câu hỏi lớn, không lời giải đáp cho đến hàng hai chục năm sau.
Theo trẻ con ra sông bơi. Tôi không biết rằng bơi phải tập. Thấy trẻ con nhảy xuống sông thì tôi cũng nhảy theo. Chìm nghỉm. Chúng nó túm tóc lôi lên. Khua chân, khua tay một lúc là bơi được. Bơi thật là thích. Và mùa hè chúng tôi suốt ngày ở dưới sông. Sau này về lại thành phố, nỗi thèm bơi ngoài sông là nỗi niềm khắc khoải suốt cuộc đời. Rồi trèo lên thuyền của người đánh cá. Có những người thuyền chài, họ bắt cá dọc con sông. Bọn trẻ con bên bờ đều quen họ. Lên thuyền học bơi chèo. Họ còn dạy bơi chèo bằng chân. Nằm dài ra trên thuyền và dùng chân chèo thuyền. Mùa đông, những hôm rét, nước sông bốc hơi nghi ngút như nồi nước sôi. Sáng ra đi học, rét căm căm. Chân phải bấm xuống đường để khỏi trơn ngã. Nhìn xuống sông khói nghi ngút, cứ muốn nhảy xuống đó cho ấm.
Cái làng gắn với những kỷ niệm vui đó chính là làng Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân. Cái làng nằm dọc theo con sông. Đó là một làng đẹp. Với tôi, là một làng đẹp nhất. Đó là làng quê của tôi. Sau này được biết đó là quê của nhà văn Nam Cao.

Đó là chuyện thời Giôn Xơn. Đến thời Nic Xơn còn nhiều chuyện nữa.

Dấu ấn của thời chiến tranh bơ vơ có lẽ là những nỗi sợ hãi vô cớ. Sau này, khi về Hà Nội rồi tôi thường bị cảm giác sợ hãi xâm chiếm. Bỗng dưng một cảm giác sợ hãi, sợ hãi vô cùng. Sợ không được gặp lại bố mẹ, không được gặp lại các em, không được gặp lại người thân. Thế là, dù đang trong giờ học, tôi cũng bỏ về. Trên đường, chạy thục mạng. Về đến nhà, nhìn thấy mọi người, lại yên tâm quay lại trường. Nếu là tiết cuối thì thôi, bỏ luôn. Hồi đó tôi học tốt, nhưng luôn bị các bạn khép vào cá biệt vì tội hay trốn tiết. Vì thế, mặc dù tôi là học sinh giỏi nhưng lại chơi thân với bọn học sinh cá biệt hay trốn tiết. Nhưng, trốn tiết vui lắm. Những lần trốn về nhà, và quay lại trường, nhập hội với chúng nó chơi ngoài cổng trường, ngoài sân trường, hoặc ăn quà, thấy vui ghê. Sau này đọc thấy bảo lính Mỹ bị hội chứng chiến tranh. Tôi nghĩ, rất nhiều người Việt Nam bị hội chứng chiến tranh. Như nỗi lo sợ của tôi chẳng hạn. Sau này thi đại học, đủ điểm đi học nước ngoài, nhưng tôi giấu kín, không đi nước ngoài mà học trong nước, vì sợ cha bố mẹ, xa gia đình. Đến khi vào học trong trường, dần dần tôi cũng phát hiện ra có mấy chị cũng đủ điểm nhưng không đi học nước ngoài. Và tất cả đều giấu kín không cho ai biết. Chỉ những người có hoàn cảnh giống nhau biết với nhau thôi. Các chị ấy cũng bị hội chứng chiến tranh.

HN 21/12/2014


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Rượu lược vàng chữa nhiệt miệng hiệu nghiệm