Thay đổi nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền

Nhân câu hỏi của bạn “Thay đổi nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền”, tôi xin có một vài chia sẻ.
Trước hết xin chia sẻ một note mà tôi vừa post xong
Khà khà, các CSO đang cực kỳ bận rộn với các dự án, chương trình góp ý, vận động cho xây dựng, sửa đổi các luật. Đủ các loại lĩnh vực. Nào là Cải cách thể chế kinh tế thị trường; Thúc đẩy khu vực tư nhân. Nào là luật về hội, luật tiếp cận thông tin… Đi đâu cũng thấy nói luật. VN đang thay đổi thật sự rồi. Chỉ cách đây mấy năm thôi, chẳng ai có thể tin rằng dân thường Việt Nam chẳng có chức vụ, chắc trách gì mà lại cứ tham gia góp ý với xây dựng luật. Có nói cũng chẳng ai nghe. Đường còn xa, nhưng đã có tia sáng ở phía chân trời.
Hiệu quả công việc - Hoàn thành chuyển gia công nghệ
Mấy hôm nay thấy vui ghê. Vui ơi là vui. Những công việc, hoạt động mà mình làm từ trên chục năm, hoặc trên hai chục năm trước đến nay, bỗng dưng lại thấy có kết quả. Có ai thấy được hiệu quả công việc mà mình đã tin tưởng vào nó, làm việc vì nó, mong mỏi nó trở thành hiện thực không? mà lại sau từng ấy năm. Thật sự ngày đó tôi cũng ko tin rằng có ngày mình nhìn thấy hiệu quả, mặc dù mình luôn tin tưởng. 
Ngày đó tôi có mong muốn là không phải tôi, không phải những chuyên gia xã hội, mà là chính những chuyên gia kỹ thuật sẽ đi làm dự án về Giới. Và hôm nay một dự án như thế được khởi đầu.
Ngày đó tôi đã mong muốn rằng không phải tôi, không phải những chuyên gia xã hội mà chính các chuyên gia kỹ thuật đi làm tham vấn cộng đồng. Và hôm nay, một chuyên gia kỹ thuật đã viết tham luận về tham vấn dựa vào cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước. Mà họ lại còn trưng ra cái quyển Hướng dẫn tham vấn cộng đồng mà tôi đã làm từ mười mấy năm trước chứ. 
Ôi, từ nay mình không phải làm những việc như thế nữa rồi. Đã chuyển giao được công nghệ rồi. Zui quá xá.
Chuyển giao công nghể về kỹ thuật thì nhanh, chứ chuyển giao công nghệ về xã hội thì lâu, về quản lý thì lại càng lâu. Cụ Hồ thật chí lý " 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa..."
Nhưng muốn xã hội thay đổi, phát triển thì vẫn phải cặm cụi, kỳ cạch làm những công việc tốn thời gian, công sức và lâu thấy hiệu quả như thế. Và bây giờ kết thúc một việc đã chuyển giao, các chuyên gia xh lại tiếp tục những công việc mới để cho sự phát triển đất nước.
Rất muốn gặp lại những người cùng làm ngày đó để chia sẻ niềm vui.
Quay lại câu chuyện chính. Đứng trước hiện trạng đất nước như hiện nay, nhiều người muốn thay đổi. Nhưng hóa ra là không phải mọi người đều muốn sự thay đổi giống nhau. Có thể có ít nhất 2 kịch bản mà mọi người muốn thay đổi. Hoặc là lật chế độ này đi, thay bằng chế độ khác, hoàn toàn mới. Hoặc là vẫn giữ chế độ này, giữ ổn định xã hội, và thay đổi cách quản lý, điều hành đất nước.
Với kịch bản 1, mọi người có hình dung là với cái chế độ mới đó, cứ cho rằng nó hoàn toàn có ý tưởng tiên tiến, văn minh, thì mất bao lâu nó mới đi vào hoạt động và đạt được điều mà mọi người mong muốn. Bởi vì, tất cả những con người trong bộ máy mới đó vẫn là những con người cũ (các ĐV sau cuộc “đảo chính” này họ chạy đi đâu? Tôi nghi là họ lại vẫn tìm cách giữ được những vị trí quan trọng trong bộ máy. ĐV họ có nghề chui luồn giỏi lắm.). Bởi vì gọi là bộ máy mới nhưng cái bộ máy đó vẫn cần có thời gian xây dựng: các luật, các quy chế, và quy định… Để xây dựng xong những thứ đó, giả định với toàn người có thiện chí, nhưng không có năng lực (họ toàn là người cũ) thì thời gian sẽ là bao lâu? 5 – 10, 15 năm? Và với điều kiện quốc tế hoàn toàn ủng hộ? Cứ nhìn gương các nước Đông Âu, họ có nền tảng con người tốt hơn mình vạn lần, và thời gian của họ thế nào? Tóm lại, ý tôi là cách này cũng sẽ cần thời gian dài, và kèm theo một cuộc chiến ghê gớm (những người bị mất ghế họ chẳng vừa đâu). Tóm lại, chúng ta xây dựng chế độ mới trong điều kiện xung đột xã hội cực kỳ lớn (thay chế độ cơ mà). Xây dựng chế độ trong hoàn cảnh bất ổn xã hội không phải là chuyện đơn giản.
Kịch bản 2. Quay lại cái note bên trên của tôi về tham vấn cộng đồng và về hoạt động của CSO. Đó là cách Việt Nam đang áp dụng. Đó là cách mà “Thay đổi nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền”. Nhưng “tầm kiểm soát của chính quyền” hôm nay khác với chính quyền của năm ngoái, khác với chính quyền 2011, và hoàn toàn khác với chính quyền cách đây 20 năm. Chính quyền vẫn là những con người đó, vẫn là các ĐV, vẫn là ĐCS, nhưng quyền lực đã có sự chia sẻ với CSO, với cộng đồng. Và quyền lực đã được giới hạn, quy định và chịu sự kiểm soát của luật pháp (các loại luật đang được xây dựng và hoàn thiện). Một chính quyền có màu sắc khác, mới, cho dù cái vỏ vẫn là CS. Trong đó vai trò của xã hội dân sự được đề cao. Đó không biết có gọi là “cách mạng nhung” hay không, nhưng hiện tại đó là cách mà giới cầm quyền và đa số người dân mong muốn, và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Giới cầm quyền thích cách này vì nó “câu giờ”, kéo dài thời gian tồn tại để “chấm mút”, “kiếm chác”. Người dân thì muốn yên ổn để làm ăn. Suy cho cùng, mọi cuộc chiến, mọi cuộc thay đổi đều vô nghĩa nếu kinh tế không phát triển, nếu xã hội không phát triển. Thật sự, những người trải qua chiến tranh, hết cuộc đời vẫn tay trắng. Gánh nặng đè lên vai thế hệ con cháu phải nuôi dưỡng các cụ. Nói như vậy không phải là bất nghĩa với thế hệ trước đâu. Nhưng đó là “hiệu quả” của chiến tranh, của bất ổn. Và đất nước thì cứ nghèo hoàn nghèo. Và nghèo thì phải lụi bất cứ thằng nào. Đó là cái vòng luẩn quẩn.
Có thể có những kịch bản thứ 3,.. thứ n nữa, nhưng chắc nó nằm đâu đó giữa 2 cực số 1 và 2.
Để có sự thay đổi, đã và đang có rất nhiều người âm thầm hoặc sôi động tham gia vào những hoạt động thay đổi. Tôi nghĩ, dù ai, dù làm việc gì thì đều có ích. Nó như những cái ốc vít nhỏ làm thay đổi cả một cỗ máy lớn. Và mỗi ốc vít đều rất có giá trị.
HN 24/6/2015


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?