Nhớ Thầy Văn Tâm

 

Tôi học khối A, thi khối A, và học khoa Toán, Đại học Kinh tế quốc dân, Nhưng trong suốt cuộc đời đi học, cả phổ thông và sau này, và có lẽ cả cuộc đời tôi, người để lại ấn tượng sâu sắc nhất, ngưỡng mộ nhất và kính trọng nhất đó là Văn Tâm. Tôi không hể biết ông nổi tiếng, giỏi giang thế nào (giống ông Bọ Lập - tác giả bài viết dưới đây) tôi không ngưỡng mộ về sự uyên bác, điều đó là đương nhiên rồi, mà là nhân cách, là Chất Nhân Văn cao cả, và cả sự lịch lãm, và Hào Hoa nữa.

Nhớ có lần nhân ngày 20 tháng 11 thầy có giờ đầu tiên ở lớp. Trước giờ học nào thì học sinh cũng nhốn nháo, ồn ào. Lại là ngày 20/11 nữa thì lại càng nhốn nháo. Khi thầy bước chân vào lớp thì cả thầy và trò đều ngạc nhiên khi nhận ra trên bàn thầy là 1 cành … hoa sữa. Một cành hoa to như một bó hoa. Đến lúc đó bọn học sinh mới ngửi thấy mùi hoa. Có thằng con trai còn nhướn lên hít hít mũi ngửi. Thầy vui lắm. Thầy bảo thầy rất xúc động. Cành hoa sữa này tràn đầy tình cảm, hơn hẳn những bó hoa bình thường. Chắc hẳn ai đó đã trèo lên cây hái nó từ sáng sớm để mang đến trường. Thầy thắc mắc ai biết thầy thích hoa sữa mà mang tặng.Thầy lại hỏi ai đã tặng thầy. Cả lớp lúc đó mới ngớ ra, không biết ai nhỉ. Thầy bảo thầy biết các em muốn thầy bất ngờ, nhưng thầy muốn biết người tặng, và thầy muốn biết tình cảm của người đó. Nhưng cả lớp vẫn nhìn nhau và ngớ ra. Có ai đó nói chắc không phải lớp em. Nhìn vẻ ngơ ngác của cả lớp, thầy cũng nghĩ chắc là lớp khác. Thầy hơi chùng xuống. Chắc thầy nghĩ, cành hoa lại đến từ những học sinh mà thầy không dạy.

Ấn tượng nhất là bài giảng về Chí Phèo. Trên cả tuyệt vời. Không phải vì chuyện kể nghèo, kể khổ. Không phải là phê phán chế độ cũ. Mà là về thân phận con người trong một xã hội mà con người sinh ra vốn tốt nhưng không có cơ hội phát triển thành người tốt. Lần đầu tiên tôi biết khái niệm về Tha Hóa. Và cũng lần đầu tiên biết thế nào là Nhân Văn.

Một kỷ niệm cũng không bao giờ quên. Những học sinh dốt văn thường chỉ dựa vào kiểm tra miệng để gỡ điểm. Vào những dịp như thế thì đám học sinh cứ bám theo sau thày và thi nhau trình bày hoàn cảnh. Em thưa thầy… Em xin thầy… Và thầy cứ thủng thẳng đi trước thản nhiên càng làm cho lũ học sinh dốt văn lo cuống vó. Nhưng thái độ của thầy lúc nào cũng là ân cần và khuyến khích. Thầy bảo cố mà học. Trong những bài thơ, bài văn đó có nhiều tình cảm và nhân văn đấy. Nó là cuộc sống. Đám học sinh cứ kể lể là khó học thuộc lắm. Em học mãi mà không vào… vv… Có lần tôi bảo thầy. Nếu bảo em đọc Kiều, đọc Chinh phụ ngâm thì em thuộc cả nửa truyện. Nhưng bài thơ thì sao nó vào lắm. Thầy bảo cái nào cũng có giá trị hết em ạ. Thuộc được nhiều cũng tốt. Rồi, đến lượt tôi lên bảng. Thật là một câu chuyện ly kỳ. Thoạt đầu, như các bạn khác, thầy bảo tôi đọc một bài nào đó (trong danh sách thầy đã cho trước học thuộc để thầy kiểm tra). Tôi hào hứng đọc trôi chảy mấy câu đầu rồi tịt. Cả lớp nín thở. Thầy lại nói tên 1 bài khác bảo tôi đọc. Cũng giống như bài trước, và tịt. Thầy bảo: lại không thuộc. Cả lớp van xin: ôi thưa thầy… Thầy bảo: vậy em tự đọc một bài mà em thuộc. Cả lớp xuýt xoa. Tôi hăm hở đọc và cũng giống như các bài trước, lại tịt. Cả lớp xụt xùi: ôi thưa thầy… Thầy lại bảo: còn bài nào thuộc nữa không? Tôi lại đọc một bài, mà tôi nghĩ rằng tôi thuộc lòng. Nhưng không hiểu sao, lại tịt. Thầy bảo: không bài nào thuộc hết. Đến khi đi thi thì cố nhớ những đoạn em đã thuộc nhé. Cả lớp lại van xin: ôi thưa thầy… Ai cũng nghĩ chắc là điểm kém rồi. Thế thì không đạt trên trung bình rồi… Tôi cũng cố thuyết phục: thơ Tố Hữu khó lắm thầy ạ. Thầy bảo: thơ Tố Hữu là dễ chứ. Và… thầy cho điểm… Một vài đứa đã đứng lên như trời chồng vì lo sợ. Thầy bảo: 5 điểm. Những tiếng kêu, tiếng la của bọn học sinh. Chúng nó ngạc nhiên. Có đứa bất bình. Không thuộc mà cũng được 5. Thầy biết, nhưng thầy chẳng nói gì. Thầy tiếp tục nhìn vào sổ gọi đứa tiếp theo lên bảng.

Khoảng 20 năm sau ngày ra trường, một lần tình cờ gặp thầy trong 1 đám tang. Đó là vợ cụ Vũ Khiêu. Lúc đó tôi thấy một đám đông, vòng trong vòng ngoài. Tò mò tôi nhón chân nhìn vào. Là thầy. Đám đông đang ngày càng đông hơn vì rất nhiều cố chen vào để chào, để nói chuyện vài câu. Nhiều người chen vào chào và hỏi thầy nhớ em không. Nhưng thầy chỉ cười, không nhớ ra. Tôi đã định đi qua. Nhưng, tôi rất muốn chào thầy. Chỉ là để tỏ cái tình cảm của mình thôi. Tôi len vào giữa đám đông, giữa những tiếng nói nhao nhao: thầy nhớ em không, thầy nhớ em không. Chen vào đám đông thật ngại quá, nhưng tôi đã vào. Tôi bảo: thầy không nhớ em đâu. Em chỉ muốn chào thầy một câu thôi. Em chào thầy. Và tôi quay đi. Nhưng, thầy lại bảo: nhớ chứ. Tôi đáp luôn: thầy lịch sự mà nói thế thôi. Thầy đáp: là Hương. Tôi đáp trả: ối ngưới tên là Hương. Thầy nói thêm: Quỳnh Hương. Tôi ối một phát. Thầy bảo: học sinh trường Nguyễn Trãi. Ôi, em cám ơn thầy. Thầy giải thích: cô không khác gì.  – Phải già đi chứ thầy. – Tất nhiên ai cũng phải già đi, nhưng khuôn mặt cô không thay đổi, chỉ già đi chút thôi. – Cám ơn thầy đã nhớ em, một học sinh dốt. - Cô có khuôn mặt rất bình thường, rất giống số đông, nhưng lại khiến người ta nhớ.

Những bài học của thầy về lẽ sống ở đời, về nhân văn, về cách đối xử với cuộc đời ngay cả khi nó không đối xử công bằng với mình … nó theo tôi suốt cuộc đời. Hơn thế, nó là chỗ dựa cho tôi những khi gặp khó khăn, sóng gió trong cuộc đời. Nó cho tôi niềm tin vào những điều tốt đẹp ở cõi đời này. Bởi vì thầy tin, niềm tin mãnh liệt vào những gì tốt đẹp, những gì đáng trân trọng ở đời.

 

HN 19/6/2011

 

Nhớ Thầy Văn Tâm

đăng 23:30 06-06-2011    [ đã cập nhật 23:34 06-06-2011 ]
Mình quen Văn Tâm từ năm 87, mãi đến năm 92, 93 gì đó Bảo Ninh mới rủ đến nhà anh chơi, từ đó qua lại nhà anh nhiều lần, được anh đối xử rất trân trọng, quí mến. Nói thật trước đó mình chẳng biết Văn Tâm là ai, đọc bài anh viết về truyện ngắn Nguyn Huy Thiệp rất thích nhưng cũng chẳng cố công tìm hiểu tác giả. Đôi khi ngồi nhậu, nghe mấy anh nhà văn lớp trước nói Văn Tâm nói thế này, Văn Tâm nói thế kia cũng không để ý. Một hôm mình đến báo Văn Nghệ lấy nhuận bút cái truyện ngắn, đi ra cửa  súyt va vào anh đang dắt xe đạp đi vào. Anh nhìn mình, nói Nguyễn Quang Lập phải không? Mình vâng. Anh bắt tay mình rất chặt, nói vừa đọc cái Chớp Ri của cậu xong. Rồi anh đảo xe ra cửa, nói mình đi đâu ngồi chút đi.
 Anh nói chuyện không nồng nhiệt cho lắm nhưng ấm áp và thân thiện. Anh nghe nhiều hơn nói, nghe rất chăm chú nói rất kiệm lời, hình như nói ra câu nào là câu đó anh đã nghĩ ngợi kĩ càng lắm rồi, có lẽ đó là tác phong của ông giáo suốt đời phải đối diện với đám học sinh giỏi. Sau mới biết anh thuộc lớp sinh viên khoa văn sư phm đầu tiên ở miền Bắc, cùng với Ninh Viết Giao, Cao Xuân Hạo, Phạm Hoàng Gia… được học với các thầy cực nổi tiếng Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường… Kinh. Chỉ cần học với một trong các thầy đó cũng đủ giỏi rồi, đằng này anh học hết các thầy, lại là học trò yêu của họ, mới biết anh giỏi thế nào.
 Chuyện đó mình nghe anh Phê (Nguyễn Khắc Phê) kể chứ anh chẳng bao giờ kể. Anh thuộc típ thầy giáo ghét mấy ông thầy hễ lên lớp là ngày xưa tôi thế này, ngày xưa tôi thế kia. Khinh nữa, khinh ra mặt. Mình nhớ có lần đang đứng với anh ở vỉa hè trước cửa nhà anh, một bác nhà thơ khá nổi tiếng từ bên kia đường dắt xe đạp chạy sang bắt tay anh vẻ nồng nhiệt lắm. Anh bắt tay hờ hững, nói mấy câu nhàn nhạt rồi kiếm cớ kéo mình lên nhà. Mình hỏi ai đó anh. Anh cười nhạt, nói một ông thầy “ dốt hay nói chữ”. Thì ra ông này xưa là đồng nghiệp dạy văn cấp III với anh, cái ông nghiện nói “Ngày xưa tôi…”.
Văn Tâm yêu ghét rõ ràng, thích ai chơi không tiếc thời giờ, ghét ai một phút cũng không tiếp. Ít khi anh chịu bù khú đàn đúm, cao đàm khoát luận ngoài quán xá. Ai thích thì mời về nhà, không thì thôi. Ngồi nói chuyện với anh rất dễ có cảm giác mình rất quan trọng, những ý kiến của mình rất đáng được lắng nghe. Gặp anh một lần rồi cứ muốn gặp mãi, mình hay mò đến nhà anh nhiều cũng vì thế. Anh Quán (Phùng Quán) nói muốn uống rượu ngon đến nhà Văn Tâm, muốn được đón tiếp trọng thị đến nhà Văn Tâm, muốn thật sự đàm đạo văn chương cũng đến nhà Văn Tâm nốt. Anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) thì mê Văn Tâm như điếu đổ, hễ ra Hà Nội là đến nhà anh, bất kể bận rộn thế nào.
Cũng không rõ tai nạn nghề nghiệp của anh đầu những năm 60 là gì, anh không nói, anh Quán  có kể qua nhưng quên mất rồi, hình như anh có dính đến vụ Nhân văn giai phẩm, người ta không cho anh cơ hội dạy đại học, “ mời” anh vê dạy cấp III. Mới ra trường, anh nổi lên như một cây bút sáng giá, một loạt bài về thơ 30-45,  về văn học lãng mạn, vềNhật kí trong tù, về các tác phẩm được coi là “nhạy cảm” của Vũ Trọng Phọng… được dân trong nghề đánh giá rất cao. Anh Quán gọi anh là “ông một- mười”, mình hỏi sao, anh Quán nói Văn Tâm đề ra nguyên tắc muốn viết một phải biết mười, nghe dễ sợ, nể Văn Tâm vô cùng.
 Sau tai nạn nghề nghiệp, anh gác bút mấy chục năm, mãi đến năm 1987 mới viết lại. Cả một thời sung sức nhất của anh đã bị bỏ qua, thật tiếc. Bù lại, đám học sinh lại vớ được ông thầy quá giỏi, họ sung sướng từ thời được học với anh đến bây giờ vẫn sung sướng, tự hào nữa. Một trong số đó là Nguyễn Thanh Sơn, học trò yêu của anh thời anh dạy chuyên văn Hà Nội. Thằng Sơn đạt giải nhất văn toàn quốc điểm 10 tuyệt đối, thầy nào cũng phết điểm 10 đỏ chót cho bài văn của nó, rõ là học trò Văn Tâm.
Chị Cam (vợ anh) kể từ ngày anh mất, hễ khi nào chị lên thăm mộ anh cũng thấy hoa tươi, ba bốn năm nay trên mộ anh luôn hoa tươi như thế. Chắc chắn đó là hoa của học trò yêu mến anh, cả những học trò đã từng yêu trộm nhớ thầm anh nữa, nhiều lắm. Làm thầy được như thế không gì hạnh phúc hơn. Nhưng sinh thời hễ ai khen anh dạy giỏi anh chỉ cười nhạt rồi đánh trống lãng sang chuyện khác. Đôi lần mình có hỏi anh vì sao như thế, anh chỉ mỉm cười không nói. Một lần ngồi nhậu với anh, có ai đó lại khen anh dạy giỏi, anh thở hắt ra, nói ai cũng khen tôi dạy giỏi, nghe phát ngượng. Giỏi giang gì đâu, tôi dạy con tôi còn chả  xong… Anh dừng lại đó không nói gì thêm. Biết tính anh mình không dám hỏi, nhưng hơi lạ, hai đứa con gái của anh đều xinh đẹp giỏi giang thế, sao anh còn thất vọng? Sau này mới biết anh có cậu con trai nữa, đó là họa sĩ Cao Tuấn, thời còn bé nó là một bi kịch giáo dục của anh, hi hi.
Bây giờ Cao Tuấn là họa sĩ đã thành danh, vợ đẹp con khôn, tranh tre bán được, tới đây nó sẽ có cuộc triển lãm bề thế ở 39 Hàng Bài. Ngày xưa nó được coi như một thảm họa của Văn Tâm. Thực ra anh với nó là hai thế giới văn hóa khác nhau, thậm chí ngược nhau. Trong khi Văn Tâm coi văn là một cái gì vô cùng quan trọng của văn hóa đời sống thì nó chẳng coi văn veo ra cái gì, người ta hoàn toàn sống tốt mà chẳng cần văn.. Đối với nó sách tình báo, sách phản gián mới gọi là sách trong khi Văn Tâm chẳng hề bao giờ mó tới. Mấy món văn veo trong sách giáo khoa làm nó chán ốm, không bao giờ nó mó tới thì Văn Tâm lại quả quyết đó là thứ không thể thiếu nếu nó muốn trở thành người có văn hóa. Tất nhiên người có văn hóa thì nó thích quá rồi, nhưng nuốt trọn cả mớ sách giáo khoa kinh dị kia để trở thành người có văn hóa thì dù có chém chết nó cũng chẳng theo. Văn Tâm bảo thế nào nó cũng chịu nghe, điểm văn của nó chưa bao giờ vượt quá được điểm 5, mấy điểm đó có được cũng chỉ nhờ quay cóp mà thôi.
 Đến kì thi tốt nghiệp lớp 10, anh buộc phải luyện thi môn văn cho nó. Đoán năm đó có thể thi về Truyện Kiều, anh ôm một đống sách vở báo chí về Truyện Kiều về nhà, bảo nó đọc. Thỉnh thoảng anh hỏi nó đã đọc chưa, nó bảo đọc rồi. Anh hỏi đọc kĩ chưa, nó bảo kĩ lắm rồi bố. Anh dạy nó cùng với hai đứa con bạn anh gửi nhờ anh kèm cặp. Một hôm anh bảo mỗi đứa ngâm một hai câu Kiều, hai đứa kia ngâm trót lọt cả, đến lượt nó thì tịt. Anh hỏi sao, nó bảo con không biết ngâm. Anh bảo ừ, thế thì đọc. Đọc nó cũng tịt. Anh trố mắt nhìn nó, nói chả nhẽ con không thuộc câu Trăm năm trong cõi người ta/ chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau, hay sao? Nó trố mắt nhìn anh, nói thế hả bố, hai chữ đó ghét nhau thật à? Mặt anh từ hồng tươi chuyển sang tím bầm. Tu trọn một ca nước để giữ bình tĩnh, anh hỏi nó Truyện Kiều là của ai. Nó câm như hến. Anh ném ấm nước vỡ tan, đập bàn đánh rầm, nói mày có thể không biết bố mày là Văn Tâm, nhưng mày không thể không biết Truyện Kiều là của Nguyn Du, rõ chưa. Hi hi.
Hôm mình đến nhà anh, thăm chị Cam, uống rượu với Cao Tuấn. Nó khen cuốn Kí ức vụn của mình, nói không ngờ Nguyễn Quang Lập viết giỏi thế. Mình cười hì hì, nói tao thật quá vinh dự, mày không biết Nguyn Du là ai lại biết Nguyễn Quang Lập viết giỏi. Nó liếc vội lên bàn thờ anh, nói thôi, anh đừng nhắc đến nữa kẻo bố em buồn. Nó đem bức chân dung tự họa của Bùi Xuân Phái ra khoe, một bức tự họa quá đẹp cụ Phái tặng Văn Tâm. Nó bảo từ bé em mê bức này quá trời, mấy lần xin bố em, lần nào xin bố em cũng cười nhạt không nói gì. Em đoán bố em nghĩ cái thứ văn hóa như mày lại dám giữ bức họa của một đại danh. Trước khi bố em mất năm ngày, em nói của cải bố để lại con chẳng xin gì, chỉ xin bố bức chân dung tự họa của cụ Phái. Bố em ngước nhìn em ứa nước mắt, cầm tay em run run, nói bố cho con tất. Nó kể đến đó rồi ngồi rũ ra, ngước lên bàn thờ anh rưng rưng. Mình cũng ngước lên bàn thờ anh rưng rưng. Ôi Văn Tâm, cho đến những ngày cuối đời, trước khi về trời anh mới nhận ra con trai anh không hề là “một thảm họa”, nó là một chân giá trị giữa đời.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?