Lòng yêu nước thơ ngây và mù quáng

Lòng yêu nước là gì? Chắc rồi sẽ ngày càng nhiều người đặt câu hỏi này. Chắc rồi sẽ ngày càng nhiều người có những câu trả lời riêng, khác với cách hiểu truyền thống. Những người Việt sống ở ngoài VN, họ nghĩ lòng yêu nước là gì? Những người sống trên Biển Hồ Căm Pu chia, những người làm ở các công ty bên Hàn, Mã... những người ở bển - xứ Mỹ, xứ Âu... Những gia đình mà chồng Tàu - vợ Việt sống ở Canada ... họ nghĩ gì về lòng yêu nước? Rồi sẽ có nhiều người hiểu rõ hơn, phân biệt rõ hơn lòng yêu nước và tự do, dân chủ, quyền con người. Chắc sẽ có nhiều người vỡ mộng. Cùng với việc nhiều người suy nghĩ lại về CNXH, CNCS, cũng sẽ có nhiều suy nghĩ lại về lòng yêu nước.
*** Nhân chuyện “KHAI SILK” nói về “LÒNG ÁI QUỐC” - Osin Huy Đức
Người dân lao động rất ít ai trở thành nạn nhân của những thương hiệu như "Khai Silk". Lòng yêu nước của họ không dùng để mua hàng. Họ có thể từng cầm súng, con cái họ có thể đang nằm lại trên Vị Xuyên hay Bình Độ 400... Nhưng khi ra chợ thì chỉ có túi tiền mới buộc họ ưu tiên cân nhắc. Họ mua điện thoại Xiaomi vì nó giúp họ nói chuyện với con cái ở xa; Họ mua chiếc xe Wave Tàu vì nó giúp họ kịp đưa dăm, bảy cân cam ra chợ...
Gần 4 năm ở Campuchia, gặp gỡ rất nhiều gia đình người Việt sinh sống theo triền sông Mekong. Vốn tiếng Việt và tiếng Khmer của họ đều ít như nhau, chỉ vừa để bán cân cá, mua mớ rau, đủ sống. Càng về sau nhìn lại, càng thấy chính những người dân này đã "toàn cầu hóa" hàng trăm, hàng nghìn năm trước khi Thế giới được coi là "phẳng".
Hôm qua đọc được trên tường một người bạn câu quote của Mark Twain, "Patriotism is supporting your country all the time, and your government when it deserves it." Chợt nhớ tới những người Việt sống ven bờ Mekong, nghĩ, tình yêu đối với quốc gia cũng không hẳn là vô điều kiện như Mark Twain từng nói. Đối với các thường dân, dòng Mekong là "net", nó đã xóa nhòa các khái niệm trong họ về ranh giới quốc gia. Tiến trình toàn cầu hóa của họ không mấy thành công chỉ vì họ luôn là nạn nhân của những kẻ tranh giành quyền lực, nhân danh quốc gia, dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc luôn dễ dàng trở thành ngọn cờ tập hợp dân chúng. Hàng triệu người đã ngã xuống vì biên giới quốc gia, phần lớn trong số họ là sẵn sàng hy sinh bởi lòng yêu nước. Lòng yêu nước, thương thay, lại thường được các nhà độc tài khai thác. Chính những người dân từng xả thân chống thực dân về sau lại chấp nhận sống trong một không gian ít tự do hơn dưới thời thực dân chỉ vì bộ máy "cai trị" được cầm bởi "người trong một nước".
Đồng ý với Mark Twain là chỉ nên sử dụng lòng yêu nước để ủng hộ một chính quyền khi nó xứng đáng, khi nó bảo vệ được các quyền căn bản của chúng ta. Và các nhà trí thức cũng nên học cách sử dụng lòng yêu nước của những người nông dân: sẵn sàng xả thân chống những kẻ xâm lăng, nhưng khi đôi bên đã buông súng thì không phân biệt Huda hay Vạn Lực. Lòng yêu nước không bao giờ nên để bị lợi dụng củng cố quyền lực cho các nhà độc tài; lòng yêu nước cũng không nên trở thành đặc sản giúp những đại gia như Khai Silk vỗ béo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?