Thoát Hán hay là Thoát “hòa bình kiểu Trung Hoa” (Pax Sinica)

Thoát Hán hay là Thoát “hòa bình kiểu Trung Hoa” (Pax Sinica)

Bài viết nói đến nguy cơ “Phần Lan hóa” hay “hòa bình kiểu Trung Hoa” (Pax Sinica) cho ta những cái nhìn cảnh tỉnh. (xin đọc bài trên trang Ba Sàm)

http://basamnews.info/2014/05/25/2266-viet-nam-doi-mat-voi-viec-phan-lan-hoa-tu-trung-quoc/

Những bài học từ lịch sử  cho thấy nguy cơ hiện tại về một nước nhỏ bị thao túng bởi nước lớn. Nước nhỏ làm chư hầu, nhằm một sự đảm bảo sự ổn định và lệ thuộc. “hòa bình kiểu Trung Hoa” thì trong lịch sử ta đã thấy quá rõ. Thiên triều cai trị những nước chư hầu, và giữ tất cả trong sự ổn định “bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng”. Đó là cái cách của Trung Hoa. Còn trong thời hiện đại, thế giới đang nói đến một cách “hòa bình kiểu Trung Hoa” đối với vùng Trung Á, và Đông Nam Á.

Cũng cùng một học thuyết về cai trị, Liên Xô đã áp dụng cách của họ đối với Phần Lan, và nó đã thành “thương hiệu” mà thế giới gọi là “Phần Lan hóa” để chỉ về cách mà một nước lớn chi phối chính sách của nước nhỏ. Về câu chuyện các nước Bắc Âu, có lẽ chúng ta cũng sẽ học được rất nhiều từ kinh nghiệm của họ. Trong khi Phần Lan chọn cách đối đầu với LX trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi ngay trước chiến tranh thế giới thứ II. Để kết cục là Phần Lan giữ được độc lập với điều kiện mất một phần đất đai (mà cho đến nay vẫn chưa đòi lại được) với một cam kết không liên kết chống lại LX,  và trở thành nước bị LX thao túng trong suốt thời chiến tranh lạnh. Cùng thời gian đó, 3 nước Bắc Âu khác (Estonia, Latvia, Litva) đã có lựa chọn khác là đầu hàng vô điều kiện ngay vào ngày đầu chiến tranh TGII, và trở thành những nước thuộc Liên Bang Xô Viết. Sau mấy chục năm, đến khi LX tan rã thì họ giành độc lập. Kết quả họ được gì? Giữ được toàn vẹn lãnh thổ; kinh tế, xã hội kém phát triển trong suốt mấy chục năm; một lượng lớn người Nga sống trên đất họ. Quay trở lại câu chuyện “Phần Lan hóa”, người Phần Lan đã kiên trì đi theo sự lựa chọn can đảm của họ. Họ dám đương đầu trong cuộc chiến ngắn ngủi. Họ chịu sự thao túng nhà nước và chính sách. Nhưng họ vẫn phát triển được đất nước. Nhưng họ cũng trở thành tên của 1 học thuyết, cũng giống như Việt Nam trở thành tên của 1 học thuyết “Việt Nam hóa chiến tranh” vậy.

Vậy chúng ta phải làm gì?

Nếu Việt Nam  không có 1 chiến lược lâu dài có tên là “thoát Hán” thì không thể tồn tại ổn định và càng không thể phát triển thành rồng, thành hổ được. TQ chắc chắn không bao giờ muốn có 1 Việt Nam hùng mạnh. Thế thì chúng ta sánh vai với các cường quốc Lào, Campuchia chắc.

Chúng ta đã từng thể hiện trong Hiến Pháp về kẻ thù truyền kiếp. chúng ta cũng đã từng 4 tốt, 16 chữ vàng. Sau khi có kinh nghiệm với việc chuyển từ thái cực nọ sang thái cực kia như thế có lẽ chúng ta đã nhận thấy không phải là giải pháp hay. Có lẽ bây giờ người Việt hiểu rằng ta phải chơi khôn ngoan hơn trên con đường Thoát Hán. Trong thời đại toàn cầu hóa, chuyện đối đầu là không thể, đặc biệt đối đầu về quân sự là ngu ngốc (chúng ta biết quá rõ lợi ích của chiến tranh rồi mà. Sau chiến tranh Việt Nam đã tụt lùi đến đáy của sự phát triển rồi). Và chuyện hợp tác là đương nhiên, là quy luật. Và hợp tác với Trung Quốc là điều đương nhiên. Điều này thì cánh doanh nhân hiểu hơn ai hết. Cái khó là làm sao chúng ta có thể giữ được vị thế, và giành về cho ta một chút lợi, chứ không phải là thiệt hại, trong kinh doanh. Nếu chúng ta biết lớn mạnh trong cuộc chơi kinh tế thì mới nói được chuyện “thoát Hán”.

Có lẽ cũng phải học hỏi kinh nghiệm Thoát Hán của 2 người bạn Đông Á: Nhật Bản, và Hàn Quốc. Ít ra đó cũng là nơi có thể có gợi ý cho chiến lược Thoát Hán. Ngoài ra, đó cũng có thể là một sự hỗ trợ cả về kinh tế, văn hóa, chính trị… cho công cuộc Thoát Hán.

Ôn lại lịch sử 1 tí.


Các thời kỳ “Pax sinica” trong lịch sử bao gồm Hán - The Han (206 BC-AD 220); Đường - The Tang Dynasty (618-907 AD); Tống - The early Song Dynasty (late 10th and early 11th century AD); Minh - The Ming Dynasty (1368-1644); và Thanh - the early Qing Dynasty (17th and early 18th century AD). Những triều đại này đều quá đỗi quen thuộc với mỗi người Việt Nam (cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương). Điều này thể hiện: 1) thời nào Trung Hoa cũng đem quân sang cai trị Việt Nam. 2) thời nào người Việt Nam cũng đứng lên giành độc lập. Nếu nhìn theo chiều lịch sử thì thế giới đều thừa nhận rằng Trung Hoa ngày càng lớn mạnh. Và cứ sau mỗi giai đoạn hỗn loạn thì Trung Hoa đều hùng mạnh lên. Đó là phía Trung Hoa. Còn Việt Nam, nhìn vào những triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh thì ta cũng tự hào mà nói rằng Việt Nam ngày càng hùng mạnh trước Trung Hoa. Cứ sau mỗi lần bị đô hộ, người Việt Nam mình lại hùng mạnh thêm. Và đến trận cuối cùng (cuối cùng trong các triều đại kể trên thôi nhé) thì Vua Quang Trung đã ghi vào lịch sử một trận vẻ vang. Còn đến thời đại ngày nay. Chúng ta cũng phải tự hào mà nói rằng, chúng ta cũng không hổ thẹn với câu “mỗi bên hùng cứ một phương”. Và chúng ta tin rằng cái quy luật “cứ sau mỗi giai đoạn hỗn loạn, sau mỗi lần bị đô hộ thì Việt Nam lại càng hùng mạnh”.



HN 26/5/2014

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?