Tình hình Iraq sao thấy quen quen

Tình hình Iraq sao thấy quen quen

Nghe TS Đỗ Sơn Hải bình luận trên VTV1 về tình hình Iraq. Sao thấy quen quen.

Một nhà nước man rợ. Họ đánh người, giết người không qua xét xử. Cứ thích thì lôi ra đấu. (Một anh bác sỹ, bị bịt mắt, bị thẩm vấn, anh có muốn sống nhìn thấy vợ con không? ÔI dời, sao quen quen thế). Cứ thích thì lôi ra mà đánh, tra tấn (những người đàn ông bị bắt quỳ xuống trước đám đông, có kẻ dùng roi quất bò quất vào lưng trần. Ôi, dời, sao quen thế). Cứ thích thì dí súng và đòm (một dẫy đàn ông bị quỳ xuống và bị dí súng vào đầu và đòm trong ánh sáng đèn pin.Ôi dời, sao quen thế).

Một nhà nước man rợ. Họ đánh chiếm những vùng đất rộng lớn với đội quân được tổ chức, có vũ trang, và cuồng tín, cực đoan. Họ đặt ra những luật lệ hà khắc, và cuồng tín, trong vùng họ quản lý. Mới có được chút dân chủ do bọn đế quốc đem đến mấy năm nay thì bây giờ lại quay lại những luật lệ của thứ tín ngưỡng hà khắc. ÔI dời, sao quen thế.

Một nhà nước mới thành lập chống lại một nhà nước đang nắm quyền. Nhà nước đang nắm quyền thì yếu kém về quản lý đất nước, tham nhũng hoành hành, không có lòng tin của dân. Một nhà nước được người nước ngoài nuôi dưỡng, hậu thuẫn, nhưng không có đủ năng lực để quản lý đất nước.  Một đất nước xuất khẩu dầu lửa thứ 3 thế giới mà ở thủ đô chỉ có điện 14 tiếng/ một ngày, còn ở vùng vừa xảy ra chiến sự thì chỉ có điện 4 tiếng/ một ngày (có giống Mù Cang Chải không nhể).  Và chỉ trong thời gian ngắn đã bị mất một vùng rộng lớn vào tay nhà nước mới tự xưng.  ÔI, sao quen quen thế.

Một cuộc chiến giữa những người trong cùng một nước. Những người dân trong cùng một nước lại bị lôi kéo vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Khi ra khỏi cuộc chiến thì thân tàn, ma dại. Đất nước bị đẩy lùi mấy chục năm. ÔI, quen quen quá.

Từng đoàn người dân phải sơ tán, phải đi tị nạn, phải bỏ nước mà đi. ÔI, sao quen quen thế.

Một cuộc chiến làm phân tán sự quan tâm của nước Mỹ. Obama tuyên bố không đưa bộ binh vào lại Iraq, nhưng họ sẽ vẫn rất quan tâm đến tình hình Iraq.  TS Đỗ Sơn Hải nói rằng họ đã bỏ 20 ngàn tỷ đô trong 10 năm và hơn 4.500 lính đã chết, thì họ sẽ không bỏ rơi Iraq. Nhưng khi họ quan tâm đến Iraq thì họ sẽ bị phân tán sự quan tâm đến những vùng khác, chẳng hạn chiến lược xoay trục sang châu Á, chẳng hạn sự quan tâm đến vùng châu Âu.  Nghe có thấy quen quen không?! Ai được lợi từ vụ Iraq này đây?!! Và ai đứng sau vụ Iraq này đây?!! Không thấy VTV1 hỏi, và cũng không thấy TS. Đỗ Sơn Hải nói đến. Và có lẽ thế giới cũng chưa nói đến. Nhưng hẳn nhiều người đã có câu hỏi: ai đứng sau vụ này. Bởi vì, như TV đưa tin, nhà nước mới này có tiềm lực về quân sự. Có ai đặt câu hỏi tiềm lực ấy từ đâu không?

Người Mỹ được lợi gì từ những gì họ đã bỏ ra? Lại nhớ lại câu nói của bà Bhutto với Bush cha: con ông là quái thai khi bà nói đến việc Bush đã đẻ ra và nuôi dưỡng Al Qaeda. Đó là cách thức của các nước lớn, luôn nuôi dưỡng xung đột? Người Mỹ được lợi gì từ những gì họ đã bỏ ra? Hay là họ chỉ được lợi từ bán vũ khí? Nếu thế giới không có chiến tranh thì họ biết bán vũ khí cho ai? Nói vậy thôi chứ nếu với 20 ngàn tỷ, với 10 năm công sức, với 4.500 sức người, nếu nước Mỹ vào Iraq bằng con đường hòa bình, dân chủ như họ nói thì có lẽ câu chuyện lịch sử đã có khác chút ít.

Nói chuyện Iraq thế thôi. Họ đánh lạc hướng, nhưng ta vẫn không thể quên Biển Đông được. Nếu người Mỹ quan tâm nhiều hơn đến Iraq và sao lãng Biển Đông, thì liệu người Tàu có thay đổi cách hành xử trên Biển Đông không ta? Liệu có ai đặt câu hỏi này không?



Hình như chiến tranh lạnh chưa kết thúc?!!


HN 15/6/2014

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?