Thu lại tiền cứu trợ và Tư tưởng cào bằng

Thu lại tiền cứu trợ và Tư tưởng cào bằng
Câu chuyện thu lại tiền cứu trợ và được giải thích rằng đó là việc “trích lại” để “cào bằng”. Quan niệm này là một thực tế khá phổ biến ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Các đoàn làm từ thiện, hoặc làm với cộng đồng cần nắm rõ để có những cách thức xử lý tình huống cho phù hợp.
Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm với một số xã, huyện ở các tỉnh Bắc Miền Trung tương tự như thế này. Ngay cả ở cấp tỉnh, quan niệm cũng tương tự. Tư tưởng cào bằng hay còn gọi là “so bì” rất phổ biến, với nhiều biến thể khác nhau và chi phối mọi hoạt động đời sống ở đây.
Nhân câu chuyện “cào bằng” tiền cứu trợ này mà tôi muốn kể câu chuyện, và cũng là câu hỏi mà tôi rất muốn có lời giải đáp. Quan niệm cào bằng này thể hiện như thế nào trong cuộc sống? Quan niệm cào bằng này có từ bao giờ?
Trước hết, xin kể một ví dụ với người Kinh (xin lưu ý đây là người Kinh, người dân tộc quan niệm có hơi khác nhé). Khi xuống họp với một nhóm người dân, thông thường dự án có tiền thù lao cho những người tham gia họp. Ngay sau cuộc họp, đoàn khảo sát bị dân bao vây. Họ thắc mắc vì sao chỉ mời một số người mà không mời tất cả. Số tiền đó phải được chia đều cho dân. Khi chúng tôi giải thích tiền là chi bồi dưỡng cho những người đã bỏ thời gian dự họp. Người dân rất khó chấp nhận. Họ bảo cả làng chúng tôi đều có thể đi họp, sao lại không mời chúng tôi. Kết quả là đến những buổi họp sau dân lại kéo đến đòi đuổi những người tham gia họp buổi trước để đến lượt những người khác dự họp để có tiền thù lao. Dẫn đến xung đột giữa người dân và những người đi khảo sát. Tuy nhiên, không phải là không có giải pháp. Song song với nhóm đó, có nhiều nhóm khác cũng họp. Ngay ở nhóm bên cạnh, người dân cũng kéo đến đòi “công bằng”, “chia đều”. Những người ở trong nhóm giải thích là những người ở ngoài kia “so bì”. Người điều kiển cuộc họp đã trao đổi với người trong nhóm và người ngoài nhóm để tìm giải pháp. Rằng số tiền chỉ có thế thôi, nếu thay người này ra để người kia vào thì mọi người có chấp nhận không? Cả người ở trong và người ở ngoài đều nói: không. Chúng tôi không thể ăn tranh của nhau như thế, chúng tôi cần cào bằng. Lại giải thích: số người họp không cần đông, chỉ cần ít người thôi. Họ bảo cứ cho tất cả tham gia đi càng tốt. Lại hỏi: nhưng số người họp đông quá thì sẽ mất trật tự, đông quá thì sẽ có người ngồi nói chuyện mà không phát biểu. Họ lại bảo: chúng tôi hứa tham gia tích cực, không mất trật tự. Lại hỏi: vậy bây giờ phải làm thế nào? Cả người ở trong và người ở ngoài đều đồng lòng: tất cả cùng tham gia và chia đều tiền, cho dù số tiền sẽ ít đi. Đó là giải pháp của riêng nhóm này. Khác với nhóm bên kia. Suy ra, họ vì mục đích chia đều tiền, chứ không hiểu rằng cuộc họp không cần đông người như thế. Cào bằng là một điều rất quan trọng đối với họ. Họ sẵn sàng phản kháng nếu ai đó vi phạm. Và ai được chia tiền thì giữ lấy cho mình chứ không chia lại cho người khác. (Thực ra đây là một lỗi khá nặng trong khảo sát. Đó là lỗi chọn mẫu và lỗi tự nguyện tham gia khảo sát. Tuy nhiên, vào thời điểm khảo sát nhạy cảm này thì khó có thể làm gì hơn. Đó là tháng 5/2016, khi mà dân đang gồng mình gánh chịu hậu quả của Formosa. Cả tỉnh như trong nồi thuốc súng. Những người dân hàng ngày nhìn ra biển mà không biết làm gì, vì biển chẳng còn cá. Nhiều thuyền cố đi ra biển nhưng lại về không vì không có cá, hoặc chỉ có cá bé tí. Thanh niên bỏ làm đi dần.)
Trong khi đó, các cuộc họp tương tự cũng diễn ra ở vùng người dân tộc. Câu chuyện đã diễn ra với khá nhiều tình huống khác nhau. Để tránh tình trạng dân phản ứng khi chia tiền thù lao, đoàn khảo sát đã trao đổi, tham khảo ý kiến của trưởng bản. Có bản thì bảo: để chúng tôi lập danh sách những hộ nghèo hơn ở trong bản để họ tham gia họp và họ có tiền thù lao. Đoàn khảo sát giải thích rằng: chúng tôi sẽ hỏi cả người nghèo và người không nghèo. Trả lời: vậy để chúng tôi họp thôn, bình bầu ra những hộ sẽ tham gia họp. (Ái chà, lại phải bình bầu. Ai đã đi khảo sát sẽ cười vào mũi những người khảo sát vì cái sai này. Một lỗi về sai lệch khi chọn mẫu, tham gia không tự nguyện. Tuy nhiên, trong tình huống này thì … đành. Nếu bạn không muốn bị dân phản đối, có thể phá vỡ cả cuộc khảo sát. Thực ra với các chuyên gia đi khảo sát thì tình huống này có thể giải quyết được. Sẽ phải được xử lý khéo bằng cách tư vấn, giải thích kỹ với người dân trước khi chọn mẫu. Như vậy sẽ mất thời gian hơn, và đòi hỏi kỹ năng thuyết phục.). Kết quả đoàn khảo sát có được những nhóm dân đã được lựa chọn, và không ai còn phản đối. Tuy nhiên, những ngày sau đó, cho dù không có dân phản đối, khiếu kiện, nhưng thường xuyên có những người đứng ở ngoài, đi lại xung quanh, với thái độ thèm muốn, ghen tị, mặc dù họ không nói ra. Những người dự họp ở trong cũng tham dự với một vẻ vừa hãnh diện, vừa ái ngại. Hãnh diện vì đã được cả bản chọn. Ái ngại trước sự so bì, ghen tị của những người khác trong bản.
Tôi đã trao đổi với 1 chị nói tiếng Kinh sõi nhất trong nhóm:
Hỏi: - cái đứa kia nó cũng muốn vào họp đúng không?
-       Nó muốn đấy, nhưng kệ nó, nó không được bản bầu.
-       Nhưng nó muốn họp để có tiền.
-       Kệ nó, nó muốn đấy, nhưng nó không được vì nó không được họp.
-       Thế thì nó sẽ buồn.
-       ừ, nó buồn đấy… (ngập ngừng một chút rồi chị này lấy bánh kẹo ở trong nhóm họp ra chia cho những chị đứng ngoài. Những phụ nữ khác trong nhóm cũng làm theo chị ta)
Câu chuyện ở 1 bản khác lại diễn ra khác hẳn. Những người được nhận tiền thù lao thì đều đưa lại cho trưởng bản.
Hỏi: sao lại thế? Đây là tiền của mọi người mà.
-       chúng tôi đưa lại để trưởng bản chia.
-       Chia gì? sao lại chia?
Trưởng bản giải thích: - chia đều cho các hộ khác trong bản. Ở đây chúng tôi quen thế. Ai có cái gì, được cho cái gì… cũng chia cho cả bản. Của mình thì cũng là của cả bản. (cán bộ khảo sát cười, và để họ tự quyết định)

HN 27/10/2016

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?