Nhà ngoại giao hiến kế xóa nạn tắc đường Hà Nội
Sau ba tiếng đi theo con
đường độc đạo từ Zurich lên đỉnh Davos nơi Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh
tế Thế giới (WEF), ngập tuyết và xe đều phải lắp lốp mùa đông có quấn thêm xích
sắt chống trượt để đi băng tuyết, hoàn toàn không bị tắc đường, thì tôi có đủ
thời gian để tập hợp các ý tưởng xoá bỏ nạn tắc đường ở Hà Nội với sáu nhóm
giải pháp và "rinh" về 200 ngàn đô la.
Đó là những chia sẻ của ông Vũ Quang Minh, công tác
tại Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao, từng là đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại
Anh về vấn đề đang gây sốt: Hà Nội đang treo thưởng 200.000 USD cho ai tìm ra
giải phắp chống tắc đường. Dưới đây là những giải pháp cụ thể ông Vũ Quang Minh
đưa ra:
Có thể thấy rõ, Hà Nội và các thành phố lớn khác
như Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cần nhiều thời gian và một giải pháp tổng thể
tương tự London để giải quyết tận gốc tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên, theo kinh
nghiệm của London và nhiều thành phố lớn khác trên thế giới như New York,
Washington DC, Tokyo, Bangkok… có một số biện pháp đơn giản, không tốn kém và
có thể áp dụng ngay để cải thiện tình hình.
1. Đảm bảo dòng xe chảy thông suốt
Không cho phép bất cứ vật cản nào trên các tuyến
đường huyết mạch, các tuyến đường chính, ít nhất là trong giờ cao điểm (có biển
báo quy định rõ giờ cấm): cấm ô tô, xe rác, xe máy, xe công nông, xe cưới, xe
đám ma, xe đạp, kể cả taxi đón thả khách… tóm lại mọi thứ phương tiện giao
thông đỗ quá 15 giây trên các tuyến đường như Nguyễn Thái Học, Trần Duy Hưng,
Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ, Đội Cấn... Mức phạt đủ cao để răn đe và một lần bị
phạt nhớ suốt đời, bao gồm cả phạt tiền mặt và phạt lôi xe đi giam. Ở
Washington DC bạn nào đã bị kéo xe một lần là nhớ đến đầu bạc răng long. Ở một
số thành phố như London, Washington… các tuyến đường này được sơn kẻ một vạch
đỏ dọc theo hai bên mép đường sát hè để chỉ quy định là cấm đỗ xe, hai vạch đỏ
là tuyệt đối cấm dừng. Bạn nào học vật lý chất lỏng chất khí thì hiểu rõ các
quy luật khí động học - khi có vật cản tạo thắt cổ chai sẽ ngăn cản lưu lượng
như thế nào.
Cảnh tượng tắc đường ở thủ đô Hà Nội thường xuyên xảy ra
Cấm tuyệt đối đỗ hoặc dừng thả học sinh đón học
sinh trước cổng trường nếu trường học nằm ở trục giao thông huyết mạch hoặc ở
điểm dễ ùn tắc, mà yêu cầu các phương tiện đưa đón học sinh ở các ngách phố nhỏ
xung quanh trường. Phạt thật nặng. Ngoài tiền phạt và giam xe thì bắt phụ huynh
vi phạm đi học lại tiểu học và làm đầy đủ bài tập trong một tháng, hoặc nặng
hơn thì buộc theo học khoá giáo dục công dân. Khi ở London, khi đến trường của
cháu tôi toàn phải lái xe lòng vòng tìm chỗ đỗ ở các phố nhỏ xung quanh trường.
Sau đó có cơ hội đi bộ tập thể dục đến trường của các cháu.
Tương tự, cấm tuyệt đối xe du lịch chở khách thăm
quan các điểm du lịch tiếp cận quá gần các điểm du lịch để đón và thả khách.
Chẳng hạn ở khu vực Lăng Bác. Tất cả các xe du lịch, kể cả xe đưa cán bộ thăm
quan viếng Bác đều phải đỗ thả khách ở các tuyến đường lẻ gần đó theo quy
hoạch, rồi khách đi bộ ra điểm tham quan. Vừa tốt cho sức khoẻ khách, vừa thăm
quan được khung cảnh xung quanh, mua sắm. Ở Vatican, Roma, bạn nào đã đi tua
thì thấy ngay là các xe du lịch sẽ thả các bạn ở rất xa Vatican, còn đường dẫn
đến Vatican thì đầy nhà hàng và cửa hàng lưu niệm.
Phân luồng để không cho phép xe đi vào các địa điểm
họp hành cắt ngang và làm ắc tách cả dòng xe đi dọc theo con đường mà có địa
điểm họp/sự kiện đó. Chẳng hạn cửa vào Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Lê Hồng
Phong. Sáng nào có hội nghị thì là ác mộng.
2. Ưu tiên cao nhất các phương tiện chở khách công
cộng như buýt nhanh, buýt thường và TAXI
Việc đưa buýt nhanh vào hoạt động là một giải pháp
tuyệt vời. Thực chất, đây là nguyên tắc phổ thông: ưu tiên xe buýt và các
phương tiện công cộng. Tuy nhiên cần cho phép tất cả các hình thức buýt đi vào
đường ưu tiên này, không chỉ buýt nhanh, và cho phép cả xe taxi. Đến nay, chúng
ta đối xử với taxi hơi tệ. Taxi cần được vinh danh và ưu tiên hơn cả xe công vụ
biển xanh xét về mặt vận tải công cộng. Ở nhiều nước, taxi được đi vào đường ưu
tiên mà mọi xe con khác không được phép.
Tắc đường trở thành vấn nạn ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ảnh: TL
Mặt khác, cũng cần quy định giờ ưu tiên xe buýt
nhanh và các phương tiện vận tải hành khách công cộng, chứ không quy định ưu
tiên cả 24/7 như hiện nay, hơi phí phạm không gian giao thông. Chẳng hạn chỉ ưu
tiên giờ cao điểm hoặc giờ đi làm, đi học các ngày trong tuần, còn ngoài giờ đó
mọi phương tiện đều được sử dụng làn đường ưu tiên đó. Chủ nhật và ngày lễ quốc
gia thì thả rông luôn. Đây cũng là chính sách ở nhiều thành phố lớn khác trên
thế giới như London và Washington DC.
3. Không cho phép các phương tiện giao thông làm ắc
tách các điểm giao như ngã tư, ngã ba, vòng xuyến
Quan sát các điểm Hà Nội ùn tắc có thể thấy rõ một
vấn đề cơ bản là xe cộ không tuân thủ đèn giao thông lao lên tranh giành quyền
đi và đứng tắc "nhìn nhau mến thương" ở giữa ngã tư, ngã ba đường,
làm đông cứng toàn bộ các dòng chảy xe các chiều. Chỉ cần giải quyết được tình
trạng này là cải thiện được rất nhiều, vì nếu đông xe thì có thể dòng chảy
chậm, nhưng không bao giờ bị dừng lại.
Ở London, tại các điểm giao nhau, các ngã ba, ngã
tư và điểm vào vòng xuyến mặt đường được kẻ chéo hình quả trám tương tự hình kẻ
ta đang có ở Hà Nội để chỉ làn phải rẽ phải. Các hình kẻ trám ở London sơn màu
vàng thì có nghĩa là bất cứ thời điểm nào, vì bất cứ lý do nào, bạn cũng không
được phép để bánh xe hay mũi xe đít xe bạn đè lên phần kẻ trám này quá 10 giây,
nếu không muốn bị móc túi 180 Bảng - khoảng hơn 250 đô la tỷ giá trước Brexit.
Lần tôi bị phạt khá oan ức. Hôm đó dòng xe chảy rất
chậm, tôi đi họp thường tự lái xe đi, đứng chờ mãi ở đầu ngã tư, hai ba lần đèn
xanh đỏ chuyển màu mà dòng xe quá chậm chạp không qua nổi. Đến lượt đứng sát
ngay vạch vàng chéo - đèn xanh bật lên, và cô thương là dòng xe ở bên kia ngã
tư bắt đầu chuyển bánh với tốc độ khá tốt. Thế là tôi quyết định đi qua ngã tư.
Nhưng đến khi chỉ còn 1/3 xe trong khu vực ngã tư kẻ chéo vàng, thì dòng xe
trước mặt dừng lại. Thế là hôm sau về nhà nhận giấy phạt gửi về. Tôi xót của,
đâm đơn phản đối, và vài hôm sau nhận được cả link video quay tôi đã vi phạm
luật thế nào, với gợi ý nếu còn chưa tâm phục khẩu phục thì có thể ra toà,
nhưng án phí sẽ phải chịu nếu thua. Sở Giao thông không cần biết lý do tại sao
bạn vi phạm. Trách nhiệm của bạn là phải đánh giá đúng tình hình và triển vọng
giao thông để không bị kẹt tại không gian giao điểm giao thông.
Tương tự, nếu bạn đứng ở làn bắt buộc rẽ phải mà
bạn đứng lại hoặc tìm cách đi thẳng, thì bạn cũng sẽ phải bị phạt nặng. Bạn cần
bắt buộc phải rẽ phải nếu chót đứng vào làn đó, rồi quay lại đường mà cần đi
sau.
4. Xử lý đụng chạm giao thông
Khi có hệ thống bảo hiểm tốt, nếu có va chạm không
gây chết người hay thương tật nặng thì chủ phương tiện đỗ lại, bắt tay, trao
đổi số điện thoại và thông tin bảo hiểm, gọi cho công ty bảo hiểm thông báo.
Rồi lại bắt tay và lên xe đi tiếp. Không có to tiếng, đánh nhau. Không có đám
đông xúm lại xem, rồi phán xử tại chỗ và tất nhiên làm tắc nghẽn giao thông.
Về lâu dài cần cải thiện dịch vụ bảo hiểm giao
thông, trước mắt làm ngay được cũng là phạt các cá nhân không có trách nhiệm
xúm đông tại lòng đường gây cản trở giao thông.
5. Trả lại vỉa hè cho người đi bộ:
Tháng trước tôi có thử đi bộ từ cơ quan là Bộ Ngoại
giao về nhà ở Đội Cấn. Mặc dù phải lên hè xuống đường nhiều lần, khu vực này
còn khá dễ chịu với người đi bộ, nhất là đoạn từ Bộ Ngoại giao dọc theo Lê Hồng
Phong đến đầu Đội Cấn - Ngọc Hà, và tôi mất khoảng 20 phút đi thong thả ngắm
cuộc sống đường phố, còn tạt vào mua gói cà phê bột. Tuy vậy, mặc dù đã có kẻ
vôi quy định vị trí được để xe máy hay bày hàng bán, đa số vỉa hè Đội Cấn bị
lấn chiếm còn rất ít chỗ cho người đi bộ đi trên hè. Đi bộ ở Hà Nội trở nên
nguy hiểm hơn đi xe máy hay xe đạp trên đường.
Một việc có thể làm ngay được là thực thi nghiêm
quy định giải phóng vỉa hè, phạt nặng bao gồm cả giam xe máy đỗ/để trên vỉa hè
sai quy định. Tiến tới tuyệt đối cấm để xe máy trên vỉa hè với bất cứ lý do gì.
Chủ xe - chủ nhà nếu trong nhà chật không có chỗ để xe máy thì có hai lựa chọn,
hoặc mang đi đỗ ở các nơi có nhận gửi xe máy (tất nhiên đây là câu chuyện khác
cần giải pháp - nhưng có cầu sẽ có cung dịch vụ này). Xe máy cũng bình đẳng như
ô tô thôi. Mình thích dùng thì mình tìm chỗ đỗ thôi. Và lựa chọn thứ hai là bán
xe máy đi, đi bộ hoặc dùng phương tiện công cộng như xe buýt, taxi, xe ôm...
Một việc rất quan trọng liên quan vỉa hè là vấn đề
bán hàng trên vỉa hè, bán rong… Đã đến lúc ta có thể chấm dứt cảnh rượt đuổi
hàng rong và hàng vỉa hè, chấm dứt những câu chuyện xúc động của bà má bán rong
“đuổi thì má chạy thôi - đuổi là việc của các chú ấy, chạy là việc của má”.
Nhiều nước định ra các giờ cho phép bán hàng trên vỉa hè - tất nhiên là trong
phạm vi không gian không lấn hết đường đi bộ, chẳng hạn các hàng xôi, bánh mỳ
được bán từ sớm tinh mơ đến trước 06:30 sáng cho người đi làm và học sinh có
nhu cầu mua ăn sáng, sau đó phải làm sạch vỉa hè như chưa từng có xôi bánh.
Buổi tối sau 18:30 lại cho phép các loại bán hàng hành nghề. Việc này có đăng
ký rõ ràng, minh bạch và công bằng. Nếu số người đăng ký nhiều hơn vị trí và
không gian cho phép thì bắt thăm chia ra tham gia theo lượt các ngày trong
tuần. Chẳng hạn bà B bán xôi ba ngày hai tư sáu, ông C bán ba năm bảy… Cho phép
các kiosks chợ đêm như ở Bangkok, Singapore, Viêng Chăn và thủ đô nhiều nước
Châu Á.
Ngay ở Mỹ, thủ đô Washington DC có khu The Mall
trung tâm, có Nhà Trắng, Đồi Capitol Hill nhà Quốc Hội, Bộ Ngoại giao… các xe
lưu động bán hàng lưu niệm và cả đồ ăn nhanh như hotdog - xúc xích khoai tây
rán coca cola vẫn được phép đứng bán. Ngay trước Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ,
cơ quan cơ mật hàng đầu, có một xe của gia đình người gốc Việt, đã bán nhiều năm
và nuôi mấy con ăn học đại học thành tài. Tôi nói chuyện thì được biết họ phải
đăng ký rồi bắt thăm xem được bán những ngày nào và thay đổi lịch theo từng
tháng. Tuần nào được bán thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ là vui lắm.
6. Thực thi luật pháp, camera, xe chính chủ, lương
của công an, ví của dân và ý thức, dân trí:
Tất nhiên như tôi đã viết ở trên, mặc dù tôi tin
những biện pháp này có thể thực hiện được ngay, nhưng để có thể thực hiện hiệu
quả cần nhiều biện pháp hỗ trợ và cải thiện các điều kiện vật chất cũng như
năng lực thực thi pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta không thể viện vào cớ cần có
giải pháp tổng thể đồng bộ để trì hoãn việc thực hiện một số biện pháp có thể
làm ngay.
Dân trí và ý thức người tham gia phương tiện giao
thông: phạt nặng và nghiêm là biện pháp xây dựng ý thức và nâng cao dân trí hữu
hiệu. Ví tiền xẹp xuống là ý thức lên ngay các bạn ạ. Đến bây giờ, 15 năm trôi
qua, tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên bị phạt 100 đô la ở Washington năm 2002
như thế nào, ở đâu, tại sao, và tôi chưa bao giờ lặp lại vi phạm đó. Cũng đừng
nguỵ biện là lực lượng của ta còn ít, không phạt xuể. Chúng ta không cần phạt
TẤT CẢ những ai vi phạm. Bắt gà doạ khỉ. Chẳng hạn cùng lúc có tới 15 xe vượt
đèn đỏ, mà chỉ có mỗi một chú công an, thì chú công an chì cần tóm bạn nào gần
chỗ chú đứng nhất và phạt để tất cả 14 bạn còn lại nhìn thấy là đủ.
Camera và xe chính chủ: Để thực thi luật pháp trong
chế tài các vi phạm giao thông, cần lắp sớm camera trên toàn tuyến giao thông
của thành phố, trước mắt cho toàn bộ các nút giao thông quan trọng, các ngã tư
thất thủ… Sơn vạch quả trám vàng và đưa vào quy định như London. Có phần mềm
kết nối cơ sở dữ liệu xe vi phạm. Kết hợp phạt nóng giết gà doạ khỉ với phạt
nguội gửi hoá đơn tới nhà chủ phương tiện. Tất nhiên cần triệt để thực thi
chính sách xe chính chủ. Đừng sợ dân kêu hay không khả thi. Chúng ta đã có thời
gian ân hạn để nhân dân thực hiện hợp pháp hoá chính chủ. Bây giờ là lúc hành
động. Có thể làm theo London. Nếu trong hạn quy định chủ xe không nộp phạt thì
trước hết tăng gấp đôi số tiền phạt. Sau đó đưa xe vào danh sách đen. Công an
giao thông mang máy quét - scanner (dùng iphone đời cũ là ổn nếu không có máy
chuyên dụng ngay) có kết nối cơ sở dữ liệu xe vi phạm đi lang thang, gặp xe nào
cũng quét ngẫu nhiên. Vớ phải xe đang nợ phạt thì bắt vạ xe luôn, giam xe cho
tới khi trả phạt. Nếu xe không chính chủ, thì cứ ông chủ cũ theo giấy tờ mà gửi
phạt. Còn bắt vạ xe thì không cần quan tâm là của chủ cũ hay chủ mới. Chủ mới
sẽ phải chạy đi xử lý. Quá một hạn nữa thì sung công, bán đưa vào từ thiện.
Việc thu tiền phạt chúng ta cũng có thể học được
kinh nghiệm về tâm lý nộp phạt của các nước như Anh và Mỹ: trên giấy báo tiền
nộp phạt ở London, bạn sẽ đọc được là Ông Bà vi phạm lỗi như thế, sẽ bị phạt
100 Bảng Anh, nhưng nếu Ông Bà nộp sớm trong vòng hai tuần kể từ hôm nay, thì
chúng tôi sẽ giảm cho Ông Bà 50%, chỉ còn có 50 Bảng. Có luôn đường link để nộp
trên mạng. Thế là bạn sẽ vội vàng nộp phạt và có cảm giác hết sức sung sướng vì
được giảm giá tới một nửa. Thay vì thông báo, Ông Bà bị phạt 50 Bảng, hạn là
hai tuần. Nếu muộn hơn ngày đó thì Ông Bà sẽ bị phạt gấp đôi. Thiệt là thông
minh và nhân văn.
Lương và phẩm giá, địa vị xã hội của các cán bộ
thực thi công vụ và luật pháp - công an giao thông:
Một điểm hết sức quan trọng là cần bảo đảm cuộc
sống thật tốt với mức lương xứng đáng cho các cán bộ thực thi pháp luật, trong
đó có công an giao thông. Đây là một công việc cực kỳ vất vả và hết sức quan
trọng đối với cả xã hội. Vì thế, các anh chị công an giao thông xứng đáng được
hưởng mức lương tốt nhất và lòng biết ơn, sự tôn trọng, không phải lo lắng về
thu nhập mà có thể tập trung vào chuyên môn với trách nhiệm và phẩm giá. Ở Mỹ,
mọi tội phạm đều biết thật ngu dại nếu dám động đến lông chân của một cảnh sát.
Bên cạnh lương và đãi ngộ, có thể học kinh nghiệm
quy định công an hay người đi ghi phiếu phạt các vi phạm giao thông được hưởng
tới 75-85% mức tiền phạt (hoặc đội của anh chị ấy cùng hưởng), phần nộp ngân
sách chỉ để bù đắp chi phí hành chính, in ấn hoá đơn, v..v. Như thế chẳng ai
mất thời gian kỳ kèo xin xỏ rồi cưa đôi cưa ba làm gì.
Nhận xét
Đăng nhận xét