Tính ăn cắp của người Việt và giá trị xã hội

Bài viết nêu lại những câu chuyện về đức tính ăn cắp của người Việt. Xã hội ta, thể chế của ta đang dung dưỡng cho tính ăn cắp. Trung thực không còn là một giá trị quan trọng. Nhân phẩm càng không phải là một giá trị quan trọng.

Dựng lại người,
Hôm 21.6 rồi, nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan có qua báo tôi thăm, chúc mừng anh em. Bà kể một chuyện mà tôi cứ nghĩ mãi:
-Có một ông người Nhật, là doanh nhân nói với tôi: Sau 20 năm tôi trở lại Việt Nam, thấy người VN khác quá. Người Nhật thì mấy chục năm họ vẫn vậy. Nhưng người VN sau 20 năm tôi trở lại rất khác: Họ ăn cắp của tôi từng giọt xăng. Từng giọt xăng đấy !
Câu chuyện như trên cũng không phải lần đầu nghe. Có nhiều chuyện từa tựa đã từng nghe rồi, cũng từ những người Nhật đã từng ở VN-người Nhật thì họ nhạy cảm với phẩm chất- bởi dân Nhật là dân tộc nổi tiếng về sự trung thực, phẩm giá.
Mới đây cũng đã có câu chuyện của doanh nhân người Nhật kể về chuyện một tay lái taxi chở ông ta đi lòng vòng rất nhiều để lấy thêm tiền.
Trước đây thì có chuyện một giám đốc DN FDI của Nhật khác kể: Ông biết hết các chuyện ma mãnh của công nhân VN, ăn cắp đủ thứ...nhưng ông kệ mọi chuyện này diễn ra và thay vì lẽ ra họ được tăng lương mức rất tốt thì mức lương của những người này vẫn vậy.
"Họ tưởng lừa được tôi, tưởng tôi ngu nhưng thực ra tôi biết hết",- > ông nói: phần tăng lương lẽ ra của họ, nhưng tôi ko tăng. chính là khoản tiền mà những người công nhân VN, các nhân viên của ông đã ăn cắp: nguyên vật liệu nhà máy, xăng xe chở ông đi sân bay, thời gian làm việc ...
Chuyện trộm cắp thì có lẽ không chỉ ở trong nước, ở nước ngoài: Sing, Đài Loan, Nhật ...tính ăn cắp của người Việt đã trở thành phổ biến đến nỗi, hàng loạt siêu thị, cửa hàng ở các nước nay treo biển cảnh báo bằng tiếng Việt, rằng ăn trộm sẽ bị bỏ tù.
Nhưng có lẽ không chỉ là ăn cắp. Ngày nay, có vẻ như phẩm giá của một "bộ phận không nhỏ" trong người dân VN thực sự là tệ hại. Quá hám lợi, ở mọi cấp, mọi lĩnh vực.
Câu chuyện nhà báo Duy Phong của Giáo dục VN được cho là vừa bị bắt quả tang hôm qua vì nghi án tống tiền một doanh nghiệp tuy vẫn đang gây tranh cãi nhất định nhưng cũng nhiều người tin rằng, đó là một hành vi tham lam, tống tiền điển hình của một lớp nhà báo, phóng viên chỉ muốn làm giàu thật nhanh, cướp của thiên hạ thật nhanh mà không phải bằng lao động chân chính. Duy Phong không phải là duy nhất. Những vụ tống tiền và bị bắt như vậy trong giới báo chí đã dày đặc hơn trong những năm gần đây. Có vẻ như nhiều người không biết sợ tù tội, vì lợi quá lớn, vì làm giàu quá nhanh ?
Nhưng cũng đừng chỉ nói ở lĩnh vực báo chí, nhiều ngành nghề khác, sự xuống cấp, tha hoá về phẩm chất con người chúng ta đọc báo cũng đều thấy cả. Không loại trừ cả những lĩnh vực mà người ta tưởng rằng, đạo đức là quan trọng nhất: ngành y, nghề giáo....
Hôm qua các báo đều đã đăng tải các câu chuyện nhà sư bán cả chuông chùa để ăn hút, chuyện một nhà sư khác nghiện thuốc phiện...
Tôi cảm thấy giật mình khi một ngôi làng của Bắc Ninh mới đây, làng Đông Cốc, dân làng nhất trí bán cả 1 cây sưa lớn - như một biểu tượng về cội rễ để lấy tiền chia nhau.
Chúng ta còn thấy sự tha hoá, đến bệnh hoạn ở cả những người có quyền, có rất nhiều tiền...Như Trần Lê Nhật Quân, như Cao Toàn Mỹ- kẻ đang dùng tiền để đẩy một người phụ nữ yếu thế, từng chung chăn gối với anh ta vào vòng tù tội.
Giờ nhìn đâu cũng thấy tip người láu cá, lừa lọc, bợ đỡ, xảo trá...
Tất cả vì sao nhỉ ? Tôi rất thích câu mà anh Đoàn Khắc Xuyên hay nói: Dựng lại người.
Vâng, đúng thế. Việt Nam rất cần phải: dựng lại người ....

HN 24/6/2017

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?