Mấy điều về Đà Nẵng

Những lần đi đến ĐN đều để lại những ấn tượng tốt. ĐN đã được gọi là “thành phố đáng sống”. Cả Tây cả ta đều thích ĐN. Người từ HN, từ HCMC đã kéo đến sống ở HN.
Tuy nhiên, có thời gian lê la ở vỉa hè ĐN cũng đã nhận ra những điểm yếu của ĐN. Điểm yếu để đạt được “Phát triển Bền vững”. Tôi cảm thấy băn khoăn. Liệu mình có nhìn nhầm không khi mà tất cả đều ca ngợi ĐN thì tôi lại lo lắng. Đem điều băn khoăn trao đổi với các chuyên gia nước ngoài thì hóa ra họ cũng có cùng nhận xét như vậy. Họ cũng đã nhìn ra những vấn đề của ĐN. Và cái câu họ nói khiến tôi thật sự lo lắng, thật sự suy nghĩ. Họ bảo: “cái cách của ĐN giống cách của Trung Quốc”. Tôi hỏi: giống TQ nghĩa là gì? Họ bảo: ừm, … đại loại là họ dùng công quyền đề ép người dân phải theo, và… họ hô hào để đám đông tin, tự hào về quá khứ, về dân tộc. Và các bạn Tây cười bảo: cái tự hào này giống bọn Mỹ. (hi hi, các bạn í là người Canada). Tôi thì nghĩ, các nước lớn (Tàu, Mỹ, Nga) thì thích Sô vanh, còn nước nhỏ thì thích AQ.
Tôi cứ suy nghĩ mãi, nghĩ mãi để tìm ra cái gì khiến tôi cảm thấy không yên lòng về sự thành công của ĐN. Tôi đã trao đổi với nhiều người, những người yêu ĐN. Và tôi nhận ra cái điều mình e ngại. Đó là cách mà chính quyền ĐN quản lý xã hội. Đó là cách mà họ kiểm soát. Quản lý thì cần phải có kiểm soát. Nhưng kiểm soát không phải là cách duy nhất để quản lý. Tôi chỉ quan sát thôi, không hiểu những người dân của ĐN có thấy thế không? Quan sát của tôi có đúng không? Người ĐN không có nhiều lựa chọn. Có ai đó đã chọn sẵn cho họ rồi. Và họ hài lòng với sự lựa chọn sáng suốt đó. Có một số ít không hài lòng, nhưng không hài lòng cũng không sao, họ sẽ bị “bỏ rơi”.
Ở ĐN các ý kiến không đa chiều. Không có trái chiều. Nói chuyện với bà bán bánh đa vỉa hè, với anh xe ôm, với em phụ bàn quán ăn vỉa hè… Ai cũng ca ngợi ông Bá Thanh. Ông đã đem đến sự phát triển, đổi đời cho ĐN. Ông đã đem đến nề nếp, trật tự (không ăn xin, không ăn cắp…). Ngồi tỉ tê nói chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay. Lại ra nhiều thứ.
Ngày xưa chỗ này toàn là bãi cát. Hàng ngày trồng rau ở đây, nắng rát. Bây giờ thành đường phố to rộng. Cả dãy phố này toàn khách sạn, nhà hàng. Toàn người giàu. Còn dân ở đây thì ai ở mặt đường thì mất đất, đi nơi khác sống lam lũ. Ai ở trong ngõ thì ở lại. Ngõ nhỏ, 2 xe máy tránh nhau được, nhưng đất còn rộng lắm, cô có mua không? Mới có điện, có nước mấy tháng nay. Trước chỉ có nhà mặt đường có nước, có điện thôi. Đây này, nhà bà chị của bà… ở Quốc hội mua ngàn mét trong ngõ đấy. Cô mua đi, mua giờ còn rẻ, ít nữa lại đắt lên. - Bán đất đi thì bà ở đâu? Tôi ở cái nhà của tôi 12m2 là được rồi. 2 mẹ con, thằng con đi xe ôm suốt ngày, tôi bán hàng suốt ngày, tối về ngủ, 12m2 là đủ rồi. - Nhà bà có điện không? Có chớ. Nhưng ít thắp. Tối về coi TV rồi ngủ sớm. Sáng dậy sớm làm bánh thì thắp đèn dầu. Tôi dùng đèn dầu quen rồi. - Vậy ĐN phát triển lên thế này thì người dân có sướng không? Sướng chớ, đi ra đường phố rộng rãi, khang trang. - Nhưng người như bà thì làm ăn có hơn không? ừm, cũng thế. Trước còn dễ bán, giờ dẹp hết, cũng khó. - Vậy những nhà hàng lớn thì họ làm ăn có dễ không? Họ sướng lắm. Được tạo điều kiện. Giá mà ông Thanh cũng tạo điều kiện cho dân nghèo chúng tôi. - Tạo điều kiện gì? nhà hàng lớn thì họ có mặt đường, họ được công an bảo vệ, chúng tôi thì bị đuổi. Ông Thanh nên cho chúng tôi chỗ để chúng tôi bán hàng. – Giá mà ông Thanh nghe được câu này của bà nhỉ! Cô nói thế chứ tôi có phải nhà giàu đâu mà có người nghe. (câu chuyện đến đây là dừng vì mọi người gọi đi ăn. Rất muốn quay lại ĐN để nói chuyện với bà bánh đa)
Cô đi bảo tàng à? Tôi chở cô đi. Cô đi Bảo tàng Chàm đi. Đẹp lắm, ai đến ĐN cũng đến đây. Cô đi Bảo tàng ĐN làm chi. Mọi người chỉ đi Bảo Tàng Chàm thôi, Bảo tàng ĐN có chi đâu mà đi, chỉ có người du lịch nước ngoài đi thôi. (ủa, sao mình nghe nói người ĐN tự hào về ĐN lắm mà). Chạy xe lòng vòng, ngược xuôi, tìm mãi không ra Bảo tàng ĐN. Lại đúng vào cái đường 1 chiều. Trời nắng như đổ lửa. Hóa ra nó ở ngay dưới chân tòa nhà trụ sở Hành chính ĐN. – Sao nó ở ngay tòa nhà này mà anh không biết? có đến đây đâu mà biết. – Anh có biết tòa nhà này không? Thì biết thôi, chứ không dám đến. – Sao không dám đến? Dân đen như tôi sao dám đến những chỗ này. – Chắc ông Bá Thanh làm việc ở đây? Chắc vậy. – Sao bảo ông ấy yêu dân mà sao anh lại sợ đến chỗ này? Nói yêu thế thôi chứ dân chúng tôi ngại chỗ đó lắm cô ơi.
Xả thịt bãi biển. Chuyện ĐN xả thịt bãi biển thì ai đến ĐN cũng biết. Đi đường là mọi người đã chỉ cho chỗ này, chỗ kia rồi. Chắc ĐN cũng phải có quy hoạch chứ. Khi quy hoạch cũng phải có tham vấn dân chứ. Mà dân thì nhiều tầng lớp, nhiều ngành nghề, chắc phải có những cuộc trao đổi, thương lượng chứ. Không chỉ bãi biển, mà cả dọc 2 bờ sông Hàn cũng là những vị trí đẹp. Những câu chuyện xung quanh những vị trí đẹp này cũng hay ho ra phết. Chiều, tối dân đi chơi đông nghìn nghịt. Ngồi uống nước dưới chân con cá chép phun nước tôi tự hỏi, không biết những người dân đang đi dạo, đang ngồi uống nước kia họ nghĩ gì? Họ có biết rằng dọc 2 bên bờ sông đất rất nhiều không? Họ có quan tâm rồi người ta sẽ xây cái gì bên sông, và ai sẽ xây, ai là chủ không?
Kiểm soát bằng công an, công quyền khác với dùng luật pháp.
Tham vấn Đền bù và Sự tham gia của người dân trong các quá trình ra quyết định.
Khơi dậy lòng tự hào (ăn mày dĩ vãng) khác với khơi dậy tính chủ động, và tự do dân chủ.

Ông Bá Thanh và sùng bái cá nhân

HN 20/10/2015

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Rượu lược vàng chữa nhiệt miệng hiệu nghiệm