Văn hóa của người HN và người nhập cư
Những điều nói về người HN đã được nói rất rất rất
nhiều. Và những điều nói ở bài “Xin lỗi HN” thêm một lần nói… đúng. Là một người
HN tôi lại nghĩ thế này.
Có một điều mà mọi người có thể cảm nhận được rõ
ràng và dễ dàng đó là những cảm nhận khi đi ra đường, khi vào các hàng quán, đi
chợ, đi dạo các cửa hàng ngoài phố… Ta có thể thấy sự khác biệt trong cách những
người đi đường, những người hàng phố đối xử với nhau. Sự khác biệt giữa vùng
trong phố và vùng ngoại vi HN. sự khác biệt giữa nơi nhiều chất HN gốc với nơi
nhạt chất gốc hơn. Ví dụ thế này: khi va chạm, hoặc chưa va chạm mà chỉ là tạt
đầu xe nhau ở ngoài đường. Nếu ở ngoại vi HN ta sẽ thấy cảnh thường gặp là mắng,
chửi, quát nạt… (ngu à, thằng điên, hoặc đm. mày…). Ở trong phố thì cảnh đó ít
hơn, và có nhiều hơn những cảnh nhường nhau (lùi lại đi, nhích lên một chút đi),
hoặc người ta trách nhẹ nhau, hoặc thậm chí là xin lỗi nhau. Ở ngoài chợ thì người
trên phố sẽ ít cảnh bún mắng, cháo chửi hơn. Khi trách thì người ta chỉ nói “sao
lại đi thế”, hoặc “đi thế đấy”. không phải là “đi thế à” mà lại là “đi thế đấy”.
Mức độ chê trách sẽ được đo bằng độ dài của từ “thế” trong câu nói đó. Ở đây
người ta chê trách chứ không phải là chửi nhau. Hành vi của mình để người khác
phải chê trách đã là điều mình cảm thấy áy náy rồi. Có một lần ở ngã tư Cầu Giấy,
có vụ 2 xe máy tạt đầu nhau. Người thanh niên thì vội vàng tránh và phóng vụt
đi. Người phụ nữ, chỉ nhẹ nhàng nói: “sao lại đi thế”. Lúc đó chẳng ai để ý đến
câu nói đó. Nhưng tôi đã ngạc nhiên vì trong khung cảnh nhộn nhạo, xô bồ ở đây,
câu nói đó bị rơi tõm. Người phụ nữ đó hẳn là ở một thế giới khác, chỉ tình cờ
đi ngang qua khu này. Đó là chuyện ngoài đường, ngoài chợ ai cũng có thể chứng
kiến được. Còn những ứng xử trong gia đình, trong dòng họ thì người ngoài không
chứng kiến được, mà chỉ có người HN duy trì với nhau. Và trong những gia đình lớn,
nhiều thế hệ, việc giữ gìn những giá trị văn hóa này nhiều khi cũng rất khắt
khe.
Tôi vẫn tin rằng “ăn 1 đời, mặc 2 đời và chơi 3
đời”. Người giàu có thì sau 1 đời sẽ biết ăn ngon, nhưng phải sau 2 đời mới biết
mặc đẹp, và phải đến đời cháu mới biết đến những thú vui, chơi tao nhã. Và dần
dần tôi hiểu rằng, chuyện “mặc”, chuyện “chơi” là những giá trị văn hóa. Nó phải
do tích lũy thời gian lâu mà có. Nó đòi hỏi thời gian rất lâu, tính bằng đời
người mới có được. Nhưng với thời buổi @, thời buổi thế giới phẳng, người ta học
các thứ cũng nhanh lắm. Hệ thống giáo dục cho dù vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của xã
hội nhưng cùng với những mạng lưới xã hội và những công nghệ Hi-Tech hỗ trợ thì
tốc độ sẽ nhanh hơn, thời gian sẽ rút ngắn lại. Hay nói cách khác, tốc độ đồng
hóa văn hóa sẽ nhanh hơn nhiều.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế, như bài
viết dưới đây đã nói đến, đó là những người di cư, hay những người nơi khác đến.
Theo những nghiên cứu trên thế giới, thì mọi thành phố đều có tỷ lệ lớn người
nhập cư. Đó là quy luật của sự phát triển. Nếu thành phố không có người nhập cư
tức là thành phố đã dừng lại, không phát triển, hoặc là thành phố chết. Bởi vì
khi đó thành phố đã không còn sức hấp dẫn và người ta không còn muốn đến đó để
sống nữa. Theo thống kê, trung bình người dân gốc của thành phố chỉ chiếm 1/3
hoặc ¼ dân số. Vì vậy, hỡi những người dân gốc chúng ta muốn nói gì khi chúng
ta là người thiểu số.
Sức sống của thành phố chính là ở sức hút của
nó. Nó hút người nhập cư. Chính người nhập cư tạo nên tương lai của thành phố,
dù muốn hay không muốn. Như vậy sự hợp tác giữa người dân gốc và người nhập cư
sẽ tạo nên bản sắc văn hóa mới của thành phố. Tạo nên bản sắc mới thì chắc chắn
rồi, nhưng cái bản sắc đó như thế nào mới là chuyện đáng nói. Bản sắc của Đây
thực sự là một việc khó. Sẽ tạo nên “bún mắng, cháo chửi”, và “con sâu gặm tiền”
hay là sẽ tạo nên cái gì khiến cho người dân thấy hài lòng, thoải mái? Đó là điều
khó thực sự.
Đến đây thì tôi hiểu ra là văn hóa là thứ biến động.
Cái văn hóa của người HN, như mọi người vẫn nói đến, đó là thứ trong quá khứ,
hoặc nó chỉ tồn tại trong một nhóm nhỏ chỉ chiếm ¼ dân số. Còn văn hóa thực tại,
và của thành phố nói chung lại là tổng cộng của những thứ rất đa dạng mà hợp
thành. Nếu cái tốt, cái đẹp có đủ sức mạnh để áp đảo cái tồi tệ, cái thô bạo
thì nhiều người sẽ cảm thấy hài lòng. Còn ngược lại, người ở trong thì muốn ra,
người ở ngoài không muốn vào thành phố nữa. Nói cách khác nếu văn hóa gốc đủ mạnh
thì nó sẽ đồng hóa văn hóa ngoại lai của những người mới đến. Ngược lại, văn
hóa ngoại lai mạnh hơn sẽ đồng hóa văn hóa gốc. Như cách người ta hay nói văn
hóa Tàu, văn hóa Tây, và bây giờ là văn hóa Hàn, Nhật (là thứ ngoại lai) đã từng,
và đang có nguy cơ đồng hóa văn hóa Việt.
Một điều nữa tôi hiểu ra rằng văn hóa của người
HN là do những người nhập cư tạo ra. Dù muốn hay không, hàng ngày họ vẫn đang
phô diễn cái văn hóa của họ. Cái văn hóa họ mang từ nơi khác đến, nhưng không phải
là nguyên vẹn, mà nó đã được điều chỉnh cho phù hợp, và thích nghi với điều kiện
sống mới. Chính đó là chứ văn hóa họ đang tạo ra cho HN. Vậy những người nhập
cư ơi, hãy tự tin mà tạo ra cái văn hóa cho nó đàng hoàng nhé. Vì chính mình sẽ
phải sống với cái văn hóa đó đấy, các bạn biết không.
Mọi người biết không, những ngày lễ truyền thống,
đặc biệt là ngày Tết chính là lúc những giá trị văn hóa gốc thể hiện nhiều nhất.
Đó là vì người nhập cư đã về quê họ để ăn Tết. Người HN lại trình diễn những
thói quen cũ trong cách ăn Tết của họ. Mỗi nơi, mỗi vùng miền có những cách ăn
Tết thú vị riêng. Giá mà được đi ăn Tết nhiều nơi thì cũng hay. Nhưng điều đó khó,
vì ngày Tết người ta ai cũng ăn Tết ở nhà mình. Nhưng gần đây, những thế hệ
thanh niên HN đã bắt đầu ăn Tết thì đi du lịch. Đó cũng là một nét văn hóa mới.
HN 16/9/2016
Xin lỗi Hà Nội!
Tôi đã sống và làm việc ở Hà Nội hơn 40 năm. Đã
làm việc, tiếp xúc với khá nhiều người Hà Nội gốc. Vậy mà bây giờ tôi mới thực
sự nhận ra mình vẫn là anh nhà quê, bắt đầu giác ngộ về Hà Nội.
Tôi thấy quá thương mến và cảm phục những người
Hà Nội gốc. Trước sự ngang nhiên, ào ạt, nhập cư của những người nhà quê chúng
tôi, người Hà Nội chỉ phản ứng một cách yếu ớt, tế nhị, kín đáo.
Người nhà quê rất tự tin, hùng hổ đảo lộn cả Hà
Nội, ngày càng nắm quyễn lãnh đạo từ phường cho đến quận, rồi cả thành phố và
các cơ quan trung ương đóng tại Hà Nội. Người Hà Nội gốc thành thiểu số, họ co
cụm lại và bền bỉ, khéo léo bảo vệ những giá trị của mình... Người Hà Nội khó
có thể làm lãnh đạo, quản lý được trong bối cảnh xã hội mới, vì họ biết rộng,
làm gì cũng cân nhắc cẩn trọng; họ quá nhạy cảm, tế nhị, ngại va chạm, sợ làm tổn
thương người khác và rất sợ bị tổn thương...
Với sự lịch lãm, tài hoa, tâm hồn phong phú,
tinh tế của mình, họ thường sáng tạo được những giá trị cao trong các lĩnh vực
khoa học, âm nhạc, hội họa, văn học... Còn lãnh đạo thời nay đòi hỏi phải biết
mưu mẹo và đấu tranh, "dám nghĩ, dám làm" mọi chuyện, phải "dấy
lên phong trào", "Quyết tâm phấn đấu", "Đồng loạt ra
quân", "Chỉ đạo quyết liệt", "Quyết tâm đột phá"... Những
thứ đó đều xa lạ với tư duy và cách ứng xử của người Hà Nội.
Thế là người nhà quê chúng tôi được thể vừa nắm
quyền, vừa làm giàu ào ạt trước con mắt ngỡ ngàng của người Hà Nội. Và chúng
tôi đương nhiên thành người Hà Nội mới, đem lại cho Hà Nội một sức sống mới...
kiểu nhà quê! ("Hà Nội của cả nước"... mà!).
Ông cha ta nói đúng quá: giàu có thể một đời, còn sang phải ba đời. Cơ sự nó là như thế, mong được cảm thông và thành thật xin lỗi Hà Nội.
Ông cha ta nói đúng quá: giàu có thể một đời, còn sang phải ba đời. Cơ sự nó là như thế, mong được cảm thông và thành thật xin lỗi Hà Nội.
(Trích Xin lỗi Hà Nội - Mạc Văn Trang)
Nhận xét
Đăng nhận xét