Câu chuyện từ thiện hỗ trợ phẫu thuật tim trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và Triết lý từ thiện


Phong trào từ thiện ở Việt Nam đang phát triển rầm rộ. Phong trào hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em cũng đang phát triển nhanh chóng. Đó là thể hiện tính nhân văn và lòng nhân ái. Hoạt động này đã hỗ trợ rất nhiều cho các ca phẫu thuật. Đóng vai trò quyết định để số lượng trẻ được phẫu thuật tăng lên. Tuy nhiên, hiện trạng hoạt động từ thiện này, cũng như hoạt động từ thiện nói chung ở Việt Nam đang đặt ra những vấn đề. Một mặt đó là quan niệm vế từ thiện, quan niệm về xin cho, về bao cấp. Mặt khác, đó là những vấn đề về quản trị. Cụ thể là tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Quả thực thị trường này khá hỗn loạn. Và rất nhiều nước mắt của trẻ em và gia đình nghèo.

Con đường tìm kiếm thông tin hay tính Công khai và minh bạch

Hiện nay số lượng trẻ bị tim bẩm sinh là khá nhiều. Trong số đó nhiều gia đình rất nghèo. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cha mẹ không biết thông tin về các quỹ hỗ trợ. Nhiều trường hợp có được thông tin là từ những bệnh nhân ở bệnh viện thông tin cho nhau, hoặc bác sỹ ở bệnh viện thông tin cho. Nhiều khi bác sỹ biết nhưng không dám nói cho bệnh nhân, mà chỉ đưa thông tin một cách mập mờ, và bệnh nhân phải tự đi tìm. Có bác sỹ còn bảo: đừng nói là tôi cho chị biết. chị cứ bảo là nghe người ta nói thế. Các bệnh nhân không muốn nói rõ họ biết thông tin về quỹ từ dâu. Lý do vì đâu mà các thông tin từ thiện lại khó đến được với bệnh nhân? Lý do vì đâu mà bác sỹ không dám thông tin cho bệnh nhân?
Đa số các trường hợp bệnh nhân biết thông tin về hỗ trợ và nộp đơn xin hỗ trợ là từ bệnh viện. Vì sao người dân chỉ biết thông tin từ bệnh viện mà không phải từ các nguồn khác?
Việc xét hỗ trợ cho bệnh nhân là tùy thuộc hoàn toàn vào quy định của mỗi đơn vị tài trợ. Đa số bệnh nhân nghèo là từ vùng sâu, vùng xa, do vậy việc quyết định hỗ trợ chỉ dựa vào những thông tin từ chính bệnh nhân cung cấp và từ đại diện địa phương cung cấp. Về nguyên tắc, việc quyết định như vậy là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Tuy nhiên, đôi khi cũng nảy sinh những sự thiếu minh bạch.

Từ thiện khác với trách nhiệm bao cấp

Việc làm từ thiện là tùy vào khả năng của mỗi tổ chức từ thiện. Đó không phải là trách nhiệm bao cấp. Vì thế, thường mỗi tổ chức từ thiện chỉ có thể hỗ trợ một số lượng nhất định. Điều này khác hoàn toàn với trách nhiệm bao cấp là phải hỗ trợ tất cả các cháu bị bệnh. Cho đến nay, vẫn nhiều người dân chưa nhận thức rõ được điều này, nên nhiều người vẫn có tâm lý đòi hỏi sự hỗ trợ. Hoặc đôi khi họ vẫn kêu ca phàn nàn rằng sao hỗ trợ người này mà không hỗ trợ người kia. Có vẻ vì e ngại bị người dân kêu ca, hoặc đòi hỏi hỗ trợ nên các tổ chức từ thiện có xu hướng không công khai thông tin từ đầu.
Các tổ chức từ thiện thường giúp đỡ với mục tiêu là hỗ trợ người khó khăn, và cũng đồng thời là quảng bá hình ảnh của mình. Điều này khiến họ có xu hướng chọn những trường hợp đảm bảo thành công. Đồng thời họ cũng không muốn bị kêu ca, chẳng hạn giúp trường hợp này, không giúp trường hợp khác, vì thế họ thường lặng lẽ tìm kiếm người nhận, mà không công khai thông tin rộng rãi từ đầu. Chỉ sau khi đã hoàn thành, họ mới quảng bá hình ảnh.

Từ thiện khác với xin cho

Hoàn cảnh của những gia đình nghèo, lại có con bị tim bẩm sinh là rất khó khăn. Việc phẫu thuật tim hoàn toàn nhờ vào sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện. Đây là việc hết sức cần thiết và thể hiện tính nhân văn, thể hiện sự tương trợ trong xã hội. Tuy nhiên, trong các cuộc hỗ trợ thường thể hiện sự xin cho. Nhiều khi bên hỗ trợ tiếp cận bên nhận một cách kín đáo. Và bên nhận cũng “phối hợp” với bên hỗ trợ bằng cách không công khai, quảng bá thông tin ngay từ đầu. Đôi khi còn có cả những cách “truyền thống” như “cám ơn”, “lại quả”. Đành rằng, chúng ta đã trải qua thời gian quá dài của chế độ xin cho. Vì vậy tâm lý xin cho là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để lấy được lòng tin của xã hội thì dần dẫn cũng nên chú ý thay đổi điều này. Cần thay đổi cách hỗ trợ (cách cho), và thay đổi cách tiếp nhận (cách xin). Bên hỗ trợ cần tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Bên nhận cũng cần tăng cường tính chủ động của mình, cũng như cố gắng thực thi tính công khai, minh bạch.

Mức hỗ trợ hay Khả năng tiếp cận

Trên thực tế có khá nhiều tổ chức hỗ trợ phẫu thuật tim. Tuy nhiên, đa số chỉ muốn hỗ trợ những ca có khả năng thành công chắc chắn, vì họ muốn quảng bá hình ảnh. Có một số rất ít tổ chức chấp nhận hỗ trợ những ca nặng, ít khả năng thành công.
Bệnh tim bẩm sinh rất đa dạng và phức tạp. Tùy vào từng loại hình của bệnh mà việc phẫu thuật có thể diễn ra đơn giản hay phức tạp. Việc phẫu thuật tim nhiều khi phải mổ nhiều lần, kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Chi phí cho mỗi lần mổ vì thế cũng sẽ rất khác nhau. Việc hỗ trợ cũng vì thế mà rất đa dạng. Có tổ chức chỉ hỗ trợ ấn định ở mức nào đó (30 triệu, 50triệu), hoặc ấn định một tỷ lệ nào đó (70%, 80% chi phí ca mổ). Trong trường hợp đó, bệnh nhân phải hoặc là tự trang trải phần chi phí còn lại, hoặc phải đi tìm thêm nguồn tài trợ khác. Hoặc có tổ chức chỉ hỗ trợ 1 lần. Với trường hợp phải phẫu thuật nhiều lần thì những lần sau bệnh nhân phải đi tìm nơi tài trợ khác.
Tất cả những điều này, cộng thêm với việc thông tin không công khai đã khiến cho hành trình đi tìm hỗ trợ của bệnh nhân trở nên rất khó khăn.

Giám sát, Đánh giá và Trách nhiệm giải trình

Phong trào từ thiện ở Việt Nam hiện nay phát triển rất nhanh. Xuất phát từ lòng tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn. Đồng thời, xã hội cũng đánh giá cao những đơn vị, tổ chức, có những hoạt động này, nên nhiều nơi đã chọn từ thiện như một cách quảng bá thương hiệu. Đó là điều hoàn toàn lành mạnh. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị của ta đều mới chỉ ở bước đầu trong tiến trình quản trị hiện đại, trong đó có hoạt động từ thiện. Vì vậy trong hoạt động quản trị vẫn còn nhiều lỗ hổng. Tức là những hoạt động chưa đảm bảo công khai, minh bạch, và trách nhiệm giải trình.
Các hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị của ta hiện nay đều có giám sát, đánh giá, và hoạt động từ thiện cũng vậy. Tuy nhiên, hoạt động giám sát, đánh giá chưa đảm bảo được tính công khai, minh bạch, và chưa thể hiện trách nhiệm giải trình. Đối với lĩnh vực từ thiện, làm sao để tất cả các bên, từ người nhận, đến người cho, từ bác sỹ, đến bệnh nhân… đều được biết, được bàn, được kiểm tra. Và nếu có sự thắc mắc, nghi vấn nào thì cần được giải trình rõ ràng, và phải có người đứng ra chịu trách nhiệm nếu có sai sót.
Việc làm từ thiện là việc nhân văn, tuy nhiên nếu cách làm không được minh bạch, nó sẽ gây ra tâm lý không thoải mái, thậm chí nghi ngờ. Và trên hết, nó tạo ra một cung cách làm mờ ảo, chỉ nhằm giải ngân, và cũng tạo ra kẽ hở để thất thoát. Đồng thời, tạo ra tâm lý xin cho, chụp giật. Nếu “gặp may”, hoặc nếu “biết cách” thì xin được, không may thì không xin được.


HN 24/11/2015

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?