Những hiện tượng sáng trong khí quyển

Hồi bé trong tủ sách ở nhà có 1 quyển sách rất hay có tên là “những hiện tượng sáng trong khí quyển”. Đó là 1 quyển sách khoa học thường thức dich từ tiếng Nga. Trong đó kể về những hiện tượng sáng trong khí quyển đặc biệt đã từng xảy ra ở Liên xô. Có rất rất nhiều hiện tượng sáng kỳ lạ được mô tả và giải thích khoa học. Chẳng hạn, cầu vồng đúp với 2 cầu vồng lồng vào nhau, cầu vồng trăng. 2 hiện tượng này tôi đã có lần được nhìn thấy. Cầu vồng đúp là cùng lúc, trong và sau cơn mưa, ta nhìn thấy 2 cầu vồng lồng vào nhau, rất rực rỡ, màu sắc rõ nét. Trông hết sức lộng lẫy. Còn cầu vồng trăng là trong những đêm mưa và trăng sáng, ta có thể nhìn thấy vệt cầu vồng, sáng trắng. Vệt sáng chỉ là màu trắng thôi chứ không có nhiều màu sắc như cầu vồng mặt trời. Trong đêm hè, dưới trời mưa, màu cầu vồng trắng nhìn vô cùng mát dịu.
Sách còn nói về rất nhiều hiện tượng sáng xuất hiện khi thời thiết rất lạnh, với băng tuyết. Có nhiều hiện tượng với sự xuất hiện của mặt trời giả. Và tôi đã 1 lần được chứng kiến.
Đó là vào khoảng tháng 7 năm 1973. Bình thường đó sẽ là thời gian nghi hè. Nhưng năm đó do chiến tranh Nixon, trẻ con sau hiệp định Parí trở về HN đi học muộn nên năm học đó học cả mùa hè. Lúc đó là vào khoảng 2 giờ chiều. trời nắng chang chang. Mấy chị em chúng tôi đi học sáng, trưa về ăn cơm, ngủ 1 giấc và dậy đi ra ngoài chơi. Tình cờ, nhìn xuống dưới cống, nước phản chiếu bầu trời, tôi phát hiện ra hiện tượng mặt trời giả. Vì đã được đọc trong sách nên tôi đã nhận ra ngay và gọi các em ra cùng quan sát.
Trên bầu trời có 1 quầng sáng rộng, tựa như quầng sáng của đêm trăng. Nhưng quầng sáng của trăng thì mặt trăng ở giữa và quầng sáng bao xung quanh. Còn trường hợp với mặt trời này thì lại khác hẳn. Cùng lúc có 2 mặt trời nằm đối nhau ở trên cái quầng sáng rực rỡ đó. Nếu dùng 1 đường thẳng nối 2 mặt trời đó thì đường thẳng đó sẽ đi qua tâm quầng sáng. Như vậy cùng lúc ta nhìn thấy 2 mặt trời. Và theo sách nói trong đó là 1 mặt trời giả. Nhưng ta quan sát thì không thể phân biệt được đâu là giả. Hiện tượng sáng đó hóa ra là kéo dài khá lâu. Khoảng 3 giờ chiều chị em chúng tôi kéo nhau ra xem mà mặt trời vẫn còn. Vì không thể đứng mãi dưới trời nắng gay gắt, chúng tôi chỉ thỉnh thoảng chạy ra xem. Chỉ quán sát từ dưới cống, chứ nhìn trực tiếp thì rất chói mắt. Đôi lúc ngước lên để thấy vẻ rực rỡ của quầng sáng và mặt trời. Đến khoảng 4 giờ chiều thì bầu trời lại trở lại bình thường.
Có lẽ những hiện tượng sáng trong khí quyển vẫn diễn ra, chỉ có điều ngày nay chúng ta ít ngửa mặt lên trời để quan sát. Và hơn nữa, nếu không đọc trước những quyển sách thì khi nhìn thấy hiện tượng sáng, chúng ta, đặc biệt là trẻ em, cũng không nhận ra hiện tượng sáng đó.

HN 24/12/2016

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?