Mùa thu và tản mạn về “cuộc đời êm ấm”

Mùa thu và tản mạn về “cuộc đời êm ấm”
TV đang vang lên bài hát “suối mơ, bên dòng thu vắng…” Bài hát “truyền thống” mỗi khi thu về. Bỗng những suy nghĩ lan man, vẩn vơ tràn đến.

Chắc ngày đó, cách đây khoảng 70 năm, Văn Cao cũng giống như những nhạc sỹ tài hoa cùng thời không thể nghĩ được rằng đất nước mình sẽ trải qua những giai đoạn lịch sử chiến tranh, tao loạn khốc liệt như vậy. Ngày đó, những bài hát toàn hoa lá, trăng sao, và các thiếu nữ yểu điệu, thướt tha. Ngày đó trong mắt những nhạc sỹ trẻ cuộc đời tuy không toàn màu hồng, nhưng những khổ đau của họ cũng chỉ là hoa tàn và tà áo nhàu. Nào có ai đâu ngờ trước mắt họ là cả một thời kỳ khốc liệt. Nào có ai ngờ những năm tháng tiếp theo của cuộc đời họ là những năm tháng gian chuân.

Trên TV lại vang lên giai điệu “ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm… Từ đây người biết yêu người”. Văn Cao đã ngơ ngác với những giai điệu con nai vàng, nhưng rồi sau mấy chục năm, khi tóc đã bạc trắng ông lại một lần nữa ngơ ngác, cả tin rằng “người biết yêu người”, rằng “cuộc đời êm ấm”.

Từ năm 75 đến nay, với đất nước, vẫn chưa ngơi tiếng súng. Vẫn còn tiếng súng trên biên giới phía Bắc, phía Nam, và cả trên biển, với Gạc Ma, và bây giờ vẫn còn nhiều gian nguy xung đột trên biển.
TV vừa đưa tin chương trình của MC Thu Uyên “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Đã có bao nhiêu  người suy nghĩ về cái tên của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”? Mọi người nghĩ gì, cảm thấy gì khi nghe tên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”?

Nếu nói đến “chia ly” tự nhiên ta cảm thấy buồn. Một nỗi buồn không xác định của cuộc chia lìa. Nếu đó là chia lìa sinh tử, thì thật buồn. Nhưng nếu đó là người đã đem lại đau khổ cho mình thì chưa chắc đã là quá buồn, có khi lại là kết thúc của sự đau khổ về thể xác, về tinh thần.

Vừa đọc câu chuyện của người bạn mới kết bạn trên facebook. Anh là bộ đội phục viên sau chiến tranh, bươn chải nhiều nhưng vợ con ở quê vẫn khổ. Rồi anh được cho đi xuất khẩu lao động. Và anh đã ở Đức từ đó đến nay. Tôi vẫn không hiểu sao từng ấy năm mà anh không đưa vợ con sang đoàn tụ gia đình. Chợt một nỗi buồn cho thân phận con người. Anh đã chịu nhiều gian khó trong thời quân ngũ. Khi hòa bình về nhưng cuộc sống vẫn rất gian chuân, chứ không có được “cuộc đời êm ấm”. Và rồi phải chia ly gia đình, đi kiếm ăn nơi đất khách. Khi chia tay ra đi, chắc họ không hoàn toàn buồn, thậm chí là vui vì có tương lai ở phía trước. Khi kinh tế vững vàng hơn thì mái đầu đã ngả bạc. Thế là gần hết một kiếp người sống đơn côi, xa vợ con, xa gia đình. Với anh chia ly là mục đích.

Không biết Thu Uyên có nghĩ đến không, nhưng tôi còn nghĩ đến những cuộc chia ly nữa, những cuộc chia ly của hàng triệu người Việt Nam. Chia ly của những người ra đi năm 1954. Những người rời quê hương Miền Bắc để đi vào Nam sinh sống. Có nhiều bài viết kể về nỗi gian chuân của họ trên con đường ra đi. Có nhiều bài hát, bài thơ viết về nỗi nhớ quê hương mà họ không còn cơ hội gặp lại. Họ đã nghĩ gì, cảm thấy gì về “cuộc chia ly” của họ? Cuộc chia ly của những người Việt Nam đi xuất khẩu lao động và định cư ở các nước Đông Âu. Họ ra đi vì thúc ép về kinh tế. Họ thường đi đơn độc. Gia đình, vợ/ chồng ở lại Việt Nam. Họ nghĩ gì, cảm thấy gì về “cuộc chia ly”? Những người di tản, những “thuyền nhân”  ra đi sau 75. Nỗi gian khổ của họ đã được kể lại là quá sức tưởng tượng. Họ nghĩ gì, cảm thấy gì về “cuộc chia ly” và bỏ lại đằng sau nơi quê hương không có dịp gặp lại?

Một mùa thu nữa lại đến. Một lần nữa “giọt mưa thu” lại rơi. Ở đâu đó Văn Cao và các nghệ sỹ thời ông nghĩ gì về cuộc đời thăng trầm? Thế hệ của ông đã vậy. Thế hệ của những người như con ông cũng vẫn là những cuộc “chia ly”. Liệu rằng thế hệ cháu ông có khá hơn chăng? Ngày nay đã có nhiều những cuộc “chia ly” của những thế hệ thanh niên đi du học, đi xuất khẩu lao động, và đi lấy chồng. Dù sao thì sự ra đi của những người này cũng là có lựa chọn, chứ không phải là “không có lựa chọn nào khác”. Và đường ra đi của họ không đến nỗi gian chuân.

Hơn 7 chục năm sau những bài hát thơ mộng của Văn Cao và các nghệ sỹ thời ông, những gì diễn ra trên đất nước này không hể mơ mộng. Nghe những bài của Trịnh Công Sơn mới thấy tiếng kêu, tiếng than, tiếng đau của những kiếp người. Bảo vì sao nhạc Trịnh vẫn còn được yêu mến cho dù nó chẳng được tôn vinh là “những ca khúc” này, nọ.

Ngày trước nếu nói đến di cư vào Nam thì giống như là phản bội. Nói đến di tản thì giống như là tội phạm bị bắt giam. Ngay cả những người đi lao động ở Đông Âu nếu trốn ở lại cũng là tội phạm bị bắt giam. Nhưng… thời gian đã lùi xa, chiến tranh đã lùi xa. Đến Đế Quốc Mỹ bây giờ cũng là bạn. Vậy thì những con người, những thân phận con người Việt Nam thì sao mà phải e ngại khi chia sẻ. Trong chúng ta ai mà chẳng có bà con, họ hàng, bạn bè, người quen đã ra đi trong những chuyến “ly hương” đó. Nói đến những cuộc đó là nói đến bà con, họ hàng, bạn bè, người thân của ta đó. Nếu ta không thương xót thì quả là ta không có lòng trắc ẩn. Nếu ta không chia sẻ với họ thì khi nói đến 5 điều Bác Hồ dạy “yêu tổ quốc, yêu đồng bào” thì ta chưa yêu thật lòng.

Tất cả những suy nghĩ lan man này chỉ nhằm một mong muốn. Một mong muốn ước sao “cuộc đời êm ấm” “người biết yêu người”. Ước mong sao lại trở lại cái thời mộng mơ “suối mơ, bên dòng thu vắng”. Ước mơ người Việt Nam mình ai cũng được sống một cuộc đời bình yên với “suối mơ, bên dòng thu vắng” của mình.
HN 30/9/2014


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?