30/4 – Khát vọng Hòa bình, Hòa giải - Không phân biệt đối xử

Mấy ngày hôm nay dư luận rất nhiều ý kiến xung quanh 1 triển lãm tranh “kiểu mới” ở HCMC nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4. Những bức ảnh chiến tranh xưa kia, nay được gắn thêm những bông hoa sặc sỡ. Bông hoa nở ra từ họng súng, từ ngọn lửa… Người lính ôm súng và ôm cả hoa.

Tôi hiểu triển lãm này là 1 cách kỷ niệm ngày 30/4. Hơn nữa đó là cách thể hiện cái nhìn mới về Hòa bình, về ngày kết thúc chiến tranh. Chiến tranh đã kết thúc 40 năm rồi. Nếu cứ theo đuổi cách làm cũ, cứ triển lãm những bức ảnh mà ai cũng đã thấy nó rất nhiều lần. Vẫn những cảnh súng đạn, chết chóc. Để làm gì? Để gợi lại ký ức chiến tranh ư. Thế cũng được. Nhưng chúng ta đã gợi về ký ức đó 39 lần rồi. Đây ít ra cũng là một cách làm khác. Không phải chúng ta quên chiến tranh (Giá mà quên được thì chắc nhiều người cũng muốn quên).

Tôi nghĩ khơi lại ký ức cũ, chi bằng thể hiện khát vọng Hòa Bình. Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, ai chẳng thèm muốn Hòa Bình. Giá mà đừng có cuộc chiến 20 năm đó. Giá mà đừng có đau thương, giết chóc. Giá mà những thèm khát hòa bình mà đong đo được, và tích tụ lại được thì chắc nó có đủ trọng lượng để ngăn cuộc chiến. Nói thế nhưng nếu ta nhìn lại những ngày chiến tranh đó. Trong Nam thì tôi không biết, nhưng ở ngoài Bắc, nếu ai biểu thị thái độ chán ghét chiến tranh, sợ chiến tranh thì sẽ bị coi là hèn nhát. Và chưa biết chừng còn bị quy kết này nọ. Sau 40 năm chúng ta vẫn còn “lên gân” với những bức hình bom đạn, chết chóc đó chăng? Thiết nghĩ đã đến lúc chết chóc nên nhường chỗ cho những bức hình của những bông hoa Hòa Bình. Đến bao giờ thì 30/4 chỉ còn là ngày Kết Thúc Chiến Tranh, Thiết Lập Hòa Bình.

Thêm nữa đây là một cách nhìn mới về hòa giải về không phân biệt đối xử. Chúng ta nói nhiều về Hòa Giải. Nhưng Hòa Giải sẽ không thể có được nếu có sự phân biệt đối xử. Nếu Hòa Giải mà vẫn luôn luôn phân định bên thắng – bên thua, luôn phân định địch – ta, luôn phân định chính – ngụy… thì liệu có Hòa Giải được chăng? Nếu Hòa Giải mà vẫn thường xuyên Vinh quang (hạ nhục), Chiến Thắng (bạn trận), Ca khúc khải hoàn (buồn hận) thì Hòa Giải thế nào? Nếu Hòa Giải mà năm nào cũng lôi chuyện cũ ra để kể, để khơi lại những nỗi đau, những bất hòa, những tội ác… liệu có thể Hòa Giải chăng? Chúng ta không quên quá khứ (có muốn quên cũng khó mà xóa cho nó quên được). Nhưng mang quá khứ ra để “hỏi tội” nhau thì giải quyết được gì? Chừng nào chúng ta vẫn còn muốn trả thù kẻ đã gây tội thì sẽ chẳng có được Hòa Giải. Nói đúng hơn là nếu vẫn còn muốn trả thù tức là chúng ta chưa muốn xây dựng Tương Lai. Nếu mục tiêu trước mắt là xây dựng một cuộc sống tốt đẹp cho mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng mình và cho đất nước mình thì chúng ta đã chẳng quan tâm đến hận thù quá khứ. Miễn sao đối tác muốn hợp tác làm ăn chân chính và hòa bình. Việc này ai trong chúng ta cũng đều biết chúng ta đã làm được. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi làng, mỗi phố ở Việt Nam đã làm được Hòa Giải từ ngay sau ngày 30/4. Nhưng sao, một cách chính thống ở tầm vĩ mô lại vẫn còn ngần ngại? Đó là vì ở cấp cá nhân, gia đình, dòng họ, và cộng đồng nhỏ, chúng ta đã không còn sự phân biệt đối xử nào kể từ sau ngày kết thúc chiến tranh. Vậy thì, hãy cho cấp cao hơn, hãy cho xã hội một cơ hội nhìn về quá khứ một cách Không Phân Biệt Bên Nào. Và những họng súng, những ngọn lửa, dù là từ bên nào, cũng chỉ còn là những bông hoa.

Đến bao giờ thì 30/4 chỉ còn là ngày Kết Thúc Chiến Tranh, Thiết Lập Hòa Bình.

HN 24/4/2015


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?