Bàn về Việt Nam- phản biện xã hội

Kính gửi anh Tô Văn Trường,

Trước hết xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ vì lòng nhiệt huyết, và vì sự đấu tranh kiên trì, không khoan nhượng của anh. Tôi cũng xin bày tỏ một số quan điểm ủng hộ với anh.

Thứ nhất, tôi nghĩ, chúng ta có thể khẳng định rằng những người tử tế, đặc biệt là trí thức tử tế vẫn còn. Và những người này sẽ tiếp tục đấu tranh cho những điều tốt đẹp nói chung, và sự phát triển của đất nước nói riêng. Tuy nhiên, phải nói rằng, lực lượng trí thức này, trong tương quan lực lượng với phía đối diện thì hiện còn đang ít về số lượng, và cũng yếu về khả năng đấu tranh trực diện. Có lẽ điều quan trọng hiện nay là tạo ra được một vị thế chính thức cho giới trí thức. Với những gì hiện nay đang bàn tới, là vai trò của các tầng lớp, giai cấp ở Việt Nam, thì vai trò của trí thức có lẽ cần được bàn tới, và cần được khẳng định. Vai trò dẫn dắt, định hướng cho xã hội cần được thừa nhận. Tuy nhiên, trong trường hợp đó cũng cần xác định rõ lại thế nào là trí thức. Không có nghĩa là những người mua bằng cấp, hoặc bằng cấp chỉ là vật trang trí cũng được kể là trí thức.

Thứ hai, đội ngũ đảng viên hiện nay đã gần như bị tha hóa hoàn toàn. Lực lượng ko có nhiều tri thức chiếm nhiều, và điều đặc biệt nguy hiểm là động cơ trục lợi, cơ hội, mục tiêu lợi ích cá nhân. Thật khó có thể có một chất lượng cao cho sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong vòng 5-10 năm tới với đội ngũ đảng viên như vậy. Nếu cứ tiếp tục với vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, quả thực, khó có thể gánh vác vai trò lãnh đạo. Điều tất yếu sẽ là dẫn đất nước đi vào suy thoái. Vì vậy, có lẽ điều quan trọng là làm sao giảm bớt vai trò tối quan trọng của Đảng, tăng cường vai trò của các lực lượng tiên tiến trong xã hội.

Thứ ba, hệ quả của những điều nêu trên sẽ là tạo ra nền dân chủ thực sự. Trên nền dân chủ, giới trí thức chân chính, và lực lượng tiên tiến có thể có những đóng góp tích cực nhằm đẩy lùi sự thao túng, lũng đoạn của lực lượng trục lợi cá nhân. Thực ra cũng chỉ là đặt nền tảng, duy trì, nuôi dưỡng nền dân chủ, để từ đó dân chủ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Chứ ngay một lúc, khó có thể có được một bước tiến dài trên bình diện dân chủ. Tuy nhiên, dân chủ là điều kiện sống còn để phát triển. Chính dân chủ sẽ tạo điều kiện, nuôi dưỡng, phát triển những lực lượng tiên tiến thúc đẩy xã hội trong cuộc đấu tranh với lực lượng trục lợi, cơ hội. Và tôi hiểu rằng, chính các anh, những người trí thức chân chính, với uy tín và trình độ nhận thức của mình sẽ không chỉ đóng vai trò khơi gợi sự quan tâm của xã hội, của giới trí thức, mà có lẽ điều có giá trị hơn nhiều, là tạo ra một platform để mọi người, bằng mọi hình thức, có thể tham gia vào phản biện xã hội, xây dựng xã hội ngày càng trong sạch hơn.

Không ngờ rằng kinh tế thị trường cho chúng ta cơ hội chứng kiến sự lớn mạnh với tốc độ khủng khiếp của những lực lượng trục lợi, tư lợi. Đúng như Mác nói, vì lợi nhuận, họ có thể giết cả bố mình. Mà thực ra thì họ có thể bán cả Tổ Quốc.

Một điều mà có lẽ nghĩ đến bây giờ còn hơi sớm, nhưng nếu cứ theo xu thế hiện nay thì trong tương lai điều đó có thể sẽ xuất hiện, đó là sự xuất hiện trở lại của đảng dân chủ và đảng xã hội. Hiện nay, lực lượng và nhu cầu xã hội đã có. Đã xuất hiện những con người tiên phong, ưu tú, trong sạch, cống hiến vì dân, vì nước. Khi nhu cầu xã hội đã đến mức đòi hỏi thì những lực lượng tiên tiến, lực lượng trí thức chân chính sẽ tham gia đóng góp sức lực của mình cho sự phát triển chung của xã hội với tư cách là một lực lượng độc lập, có vị thế độc lập.

Nói về Đảng (nghe giống Bác Hồ nhỉ), nếu Đảng ko cải tổ về cương lĩnh, về tổ chức thì sẽ ko thể tiếp tục gánh vác sứ mệnh dẫn dắt dân tộc được nữa. Trước đây, những người Cộng Sản đã xả thân vì đất nước, và họ đã làm nên kỳ tích. Non sông, dân tộc biết ơn họ. Nhưng, khi Đảng cho mình vai trò lãnh đạo một cách tự nhiên, ko bàn cãi, thì câu chuyện suy thoái bắt đầu từ đây. Khi Đảng giữ vai trò lãnh đạo có nghĩa là nắm quyền lực. Mà quyền lực là gắn với quyền lợi. Lúc đó thì Đảng là miếng mồi ngon cho những người trục lợi nhắm vào. Ai cũng biết trong thời gian dài người ta vào Đảng để tiến thân, để vinh thân phì gia. Kết quả là Đảng bị tha hóa. Phẩm chất xả thân vì nước ko còn, mà thay vào đó là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Điều này ai cũng nhìn thấy.
Có lẽ để giữ được vị thế lãnh đạo của mình Đảng phải thay đổi. Vị thế lãnh đạo phải do xả thân vì nước mới có được, chứ hoàn toàn ko thể coi là điều đương nhiên, tất yếu. Nếu ko lo cho nước, ko xả thân vì nước thì ko thể giữ vai trò lãnh đạo. Người dân phải được lựa chọn ra người lãnh đạo đất nước là người lo cho dân cho nước, chứ ko phải người lo cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Ngoài ra, để giữ vị thế lãnh đạo của mình, Đảng cần có sự thay đổi về tổ chức. Ko thể kết nạp những kẻ trục lợi vào Đảng được. Thêm nữa, cần kiên quyết thanh lọc những phần tử trục lợi khỏi Đảng. Nhưng có lẽ 2 điều này rất khó thực hiện? Bác Hồ đã nói nhiều lần, nhưng có thực hiện được đâu. Trong cơn lốc kinh tế thị trường thì lại càng khó. Nhưng đó là chuyện của Đảng. Đảng giải quyết thế nào thì chẳng ai can thiệp được. (Từ lúc nào, Đảng tách khỏi dân tộc?) Đảng là một cái gì đó thiêng liêng, gắn bó với dân tộc Việt Nam trong một quãng thời gian dài đấu tranh. Nhìn thấy Đảng ko còn giữ được vị thế thượng phong nữa, chúng ta ko khỏi băn khoăn, lo lắng cho Đảng và cho đất nước. Tôi nghĩ, hơn lúc nào hết, những con người chân chính, những Đảng viên chân chính phải tỏ rõ phẩm chất đấu tranh, phẩm chất xả thân vì nước của mình, đi tiên phong trong việc đấu tranh với lực lượng cơ hội, trục lợi cá nhân trong và ngoài Đảng. Đem lại sự trong sạch và vị thế tiên phong cho Đảng.

Xin lỗi anh vì tôi viết linh tinh, lan man quá. Có điều gì không phải xin anh bỏ quá.

Xin chúc anh sức khỏe, và vững vàng,

Hương
TKY 6/10/2010


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Rượu lược vàng chữa nhiệt miệng hiệu nghiệm