Các kịch bản / version cho quy hoạch các trường ĐH


Chà, chủ đề của Loan hấp dẫn quá cơ. Không thể không buông vài lời vớ vẩn.
…..
Ý kiến của em Loan đây:
Noda Campus là một trong 4 campus của ĐH Khoa học Tokyo (Tokyo University of Sciences), nằm cách trung tâm Tokyo chừng 1 tiếng rưỡi đi tàu (mình ước tính chắc khoảng cách chừng 50 - 60km). TUS là một trường đại học tư rất có uy tín về khoa học, lấy hoạt động nghiên cứu là đầu tàu cho hoạt động giảng dạy và đào tạo. Đương nhiên mối liên hệ giữa các phòng nghiên cứu, các khoa, viện thuộc trường với Chính phủ và khu vực tư nhân rất khăng khít, chặt chẽ, hiệu quả. Nhờ có như vậy TUS mới có đủ các nguồn kinh phí để vận hành… Ở Noda Campus này có nhiều cơ sở nghiên cứu, trong đó có Khoa CN sinh học và hóa dược và Trung tâm nghiên cứu an toàn hỏa hoạn quốc tế (nơi sở hữu 1 phòng thí nghiệm về hỏa hoạn tiên tiến số 1 thế giới…). 
Well…
Nhưng điều mình muốn nói là … những cái second, third, fourth campusé này … ở TUS hay ở Todai, hay ở khá nhiều trường đại học khác … đều có vấn đề cần suy ngẫm. Ở đây có phòng nghiên cứu tối tân, có công trình kiến trúc hiện đại, có sân vườn bãi cỏ rộng rãi, cảnh quan đẹp mắt … nhưng đó không phải là những thứ duy nhất và số 1 các nhà khoa học họ cần … Đây là mô hình các khu nghiên cứu tập trung (kiểu vườn ươm công nghệ đời 2, hoặc đời 3 là cùng). Version 1 là các cơ sở cũ, lịch sử, nằm trong trung tâm đô thị. Version 2 là chuyển ra bên ngoài với đất đai, không gian và cơ sở vật chất rộng rãi, biệt lập. Version 3 là sự kết hợp mọi công năng nghiên cứu, ở, nghỉ, giải trí, thư giãn kiểu resort, cũng biệt lập và bên ngoài đô thị. Đời 3 đương nhiêu cao cấp hơn đời 2 với hy vọng sẽ là nơi hoàn hảo miễn chê cho các nhà khoa học, các giáo sư, nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Nhưng đây cũng vẫn không phải là thứ họ cần.Tại sao vậy???
Mọi người thấy không, trong những bức hình tôi chụp không có lấy một bóng người. Tôi không biết chụp gì ngoài công trình và cảnh quan thiên nhiên. Hai thứ đó đều tỏ ra rất tuyệt... Nhưng không có một bóng người trừ mấy đứa Việt Nam lơ ngơ lăng quăng nghiêng nghiêng ngó ngó. Mọi người thấy đấy, Noda campus rất tuyệt nhưng ai cũng thấy buồn và có cảm giác như đang bị 'nhốt'.
Ở đây không có các tương tác xã hội, hay nói chính xác hơn là các tương tác xã hội không đủ đậm đặc để tạo nên một môi trường xã hội, một môi trường mang tính chất đô thị, có sự trao đổi, chia sẻ, tiếp nhận và lan tỏa… Các nhà khoa học cũng là con người của xã hội. Nếu hỏi họ có muốn đến làm việc và sống ở những môi trường biệt lập này không, hẳn họ cũng trả lời là KHÔNG nhưng vẫn phải đến vì phòng NC của họ ở đây. MUỐN đến và PHẢI đến là hai điều hoàn toàn khác nhau đấy nhé… Liệu bạn sẽ sáng tạo hơn ở môi trường bạn muốn đến hay ở môi trường bạn phải đến??? Ngược lại, mọi người cứ đến Kagurazaka campus của TUS, hay Hongo campus của Todai, là các campus lịch sử, các Version 1 chật chội cũ kỹ mà xem… tuyệt vời luôn… Đó là những trung tâm trí tuệ và sáng tạo, là nhân tố tạo thị của các một khu vực đô thị rộng lớn; xung quanh các khu trường này là hàng loạt các dịch vụ và hoạt động phụ trợ vô cùng sầm uất và náo nhiệt. Trường đại học, viện nghiên cứu … cũng không kém gì các trung tâm thương mại dịch vụ, chính là những nhân tố tạo thị quan trọng
Cũng mới gần đây, từ những thực tiễn không mấy thành công của các version 2, 3, nên Version 4 của các 'innovative environment' là lại quay về với đô thị, quay về trung tâm thành phố (có thể bằng cách chuyển đổi công năng các khu đất cũ như nhà máy, kho bãi … thành các phòng nghiên cứu…). Người ta cũng nhận thấy những môi trường dồi dào tương tác xã hội sẽ tạo điều kiện và khích thích sáng tạo.
Cho nên trong rất nhiều trường hợp "planning is to solve one problem by creating another…". Và chúng ta đừng quá dựa vào những tín điều cũ kỹ trong nghề nghiệp một cách máy móc và lười biếng. Điều này cũng không có nghĩa là không nên làm gì và không giải quyết gì, mà chúng ta cần hiểu rằng 'hiểu biết là một vòng xoáy ốc hướng lên trên …' và quá trình nhìn nhận lại, kiểm tra lại, phản biện lại cách nghĩ, cách làm trước, tiếp tục hoàn thiện và cải tiến cái đã có là điều luôn luôn cần thiết ...
Việt Nam chúng ta hiện nay đang nỗ lực triển khai đời thứ 2 (đưa các trường ĐH, viện nghiên cứu ra xa thành phố, tại các môi trường biệt lập). Cũng chẳng cần đi tắt đón đầu vì chúng ta thường đã hài lòng khi chỉ cần nhìn được xa hơn cánh tay mình… Kế hoạch trên chưa mấy thành công… nhưng có lẽ thế lại may …

………
Chắc không chỉ những người làm kiến trúc, quy hoạch có cái cảm giác này khi đi trong những trường ĐH của nước ngoài. Một cảm giác đan xen: hạnh phúc, hả hê với khung cảnh xung quanh hiện đại và cây xanh; say mê với môi trường kiến trúc khoa học kiến trúc đẹp, quy hoạch hợp lý hài hòa; thèm muốn được sống ở đây, thèm muốn được bê cái trường đó về đặt ở Việt Nam; và tiếc nuối, xót xa…
Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều khi mà những cảm giác đan xen kia cứ giằng xé trong lòng. Tệ hơn là nó cứ giằng xé rất lâu. (chính vì thế khi thấy Loan vừa ời cái là tôi phải lên tiếng ngay).
Tôi không biết version mấy tốt, tôi cũng không biết nhiều về các trường có quy hoạch tốt. Nhưng tôi có một số quan sát và tôi thấy ý kiến cho rằng “môi trường dồi dào tương tác xã hội” là có cơ sở. Khi tôi đến trường ĐH ChiangMai Thái Lan, tôi và những người trong đoàn đã rất trầm trồ về vẻ đẹp hấp dẫn của trường. Những giáo của trường đã rất thích thú nói về trường. Đặc biệt họ nhấn mạnh rằng trường không chỉ là 1 trường ĐH mà nó còn là 1 đô thị, 1 đô thị đặc biệt dành cho môi trường đại học. Lúc đó tôi đã không hiểu hết ý của họ. Tôi đã không đánh giá hết được giá trị quan điểm của họ khi họ đã so sánh trường của họ với một vài trường khác trên đất Thái. Họ nói rằng những trường khác hoặc là tạo ra một môi trường đóng, hoàn toàn biệt lập thì sẽ gây ra sự cô độc, hoặc lại để cho đô thị lấn át nhiều quá, tạo ra sự xô bồ, lộn xộn.  
Khi đến trường ĐH Tsukuba, một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp tuyệt vời, cuốn hút. Lúc này tôi đã ý thức được hơn về môi trường ĐH và đô thị. Dự định chỉ đến rồi quay về, nhưng rồi tôi đã phải bỏ ra cả ngày để lang thang trong trường, đến tận tối mịt mới quay được về Hongo. Trong 1 ngày lang thang tôi đã nói chuyện với các bạn sinh viên, và với người dân. Quả thật là người dân ở đây thật dễ chịu và thân thiện. Họ đặc biệt khác với dân ở Tokyo, Kyoto. Còn sinh viên thì ai cũng happy, ai cũng hài lòng với môi trường. Tôi đã hỏi họ vì sao thì chính sinh viên và người dân đã cho tôi biết rằng chính môi trường mở của trường ĐH đã tạo cho trường 1 cuộc sống rất đô thị, và đời thường. Cả người dân, và sinh viên đều không phân biệt đâu là trường, đâu là đô thị.
Tuy nhiên, việc quản lý một khu trường và đô thị là một việc vô cùng khó. Cái version quay vào khu trung tâm thì tôi nghi ngờ tính khả thi. Nếu có khu đất nào trong nội đô thì hoặc sẽ thành Vincom, Roal city, hoặc sẽ thành như “quân khu Bách Khoa” mà thôi.
Vừa rồi, ở Hà nội, có một nghiên cứu tôi thấy rất hay và có liên quan đến chủ đề về “môi trường giao tiếp” mà nhiều người trong chúng ta đã biết. Đó là nghiên cứu về các khu đô thị: Giảng Võ, Trung Hòa Nhân Chính, và Ciputra. Kinh nghiệm từ 3 khu tập thể này là những bài học rất hay ho, nếu không muốn nói là quý giá. Giảng võ và THNC là khu đô thị ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng có chung 1 điểm là “môi trường mở”, khác hoàn toàn với Ciputra. 2 kiểu đô thị này tạo ra môi trường sống hoàn toàn khác nhau. Đồng thời nó cũng tạo ra những khó khăn và cơ hội hoàn toàn khác nhau. GV và THNC có cuộc sống hấp dẫn, có sức sống, nhưng bù lại, nó vấp phải một khó khăn là nhà quản lý, nhà quy hoạch bó tay với sức mạnh thị trường. Sau khi xây xong thì GV, THNC có cuộc sống riêng của nó, vượt hoàn toàn ra khỏi tầm kiểm soát của cả nhà quản lý và nhà quy hoạch. Không ai còn có thể nhận ra được quy hoạch ban đầu nó như thế nào. Và trường hợp này giống với số phận của các trường ĐH Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế,… Trong trường hợp này Ciputra tỏ ra rất hiệu quả trong việc kiểm soát quy hoạch, và quản lý đô thị.
Tôi chưa đến trường ĐH Nông lâm trong tp. HCM, nhưng nghe nhiều người khen nó đẹp. Nhưng họ cũng kèm theo câu: hồi mới giải phóng, nó đẹp lắm. hi hi, chẳng biết số phận của nó có chung với mấy trường ĐH ngoài HN không???


Hi hi, ba hoa chích chòe tí. Chém gió tí cho vui, mong em Loan bỏ quá nhé.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?