Những quan điểm vĩ đại dạy dỗ đứa trẻ sơ sinh
Những quan điểm vĩ đại dạy dỗ đứa trẻ sơ sinh
Trong họ có 1 đứa trẻ mới ra đời. Thế là các chuyên gia cao
cấp được dịp đưa ra những quan điểm về nuôi trẻ.
Hóa ra là có một cách nuôi trẻ dựa trên một quan điểm rằng về
nguyên tắc đứa trẻ sẽ không ngoan. Vì vậy phải đưa ra những cách thức để “rèn
luyện” và “đưa nó vào khuôn phép”. Nghe đã thấy mùi áp đặt. Đó là với đứa trẻ mới
được sinh ra, chưa đầy tháng đấy. Nếu nó lớn hơn thì khả năng hư hỏng của nó sẽ
lớn hơn và do đó nó sẽ cần phải áp dụng “khuôn phép” nhiều hơn. Cụ thể là đứa
trẻ sẽ được cho là sẽ hư, hay khóc, hay đòi bế, hay bám mẹ… Vì vậy giải pháp là
mẹ không được bế con nhiều, nó sẽ ám hơi mẹ. (cái này nghe có vẻ có lợi đây. Vì
mẹ sẽ được nhàn. Sẽ có người gánh đỡ việc bế con). Nhưng về nguyên tắc đứa trẻ
phải tự nằm, không được bế nhiều. Nếu ai bế thì sẽ được nhắc là không được bế
nhiều. Trẻ sẽ hư. Đứa trẻ cũng được giả định rằng sẽ hư. Sẽ đòi ăn liên tục. Ăn
không theo bữa. Và giải pháp đưa ra là nó sẽ được ăn theo giờ, 3 tiếng 1 lần. Chưa
đến giờ nó sẽ không được ăn. Nếu nó khóc sẽ bị cho là hư, là đòi ăn trước giờ.
Giải pháp lúc đó là ai đó bế trẻ chứ mẹ không được bế. Vì sợ rằng nó ngửi thấy
hơi sữa mẹ thì sẽ đòi ăn. Một giải pháp đi kèm đó là vắt sữa mẹ và bé sẽ bú
bình, chứ không bú trực tiếp ti mẹ. Giải thích cho việc này là nếu bé bú ti mẹ
thì sẽ không biết được lượng bú là bao nhiêu. Và bú bình thì nó sẽ ăn được nhiều
hơn là ti mẹ. (chẳng hiểu sao lượng sữa lại là quan trọng chứ không nhìn xem trẻ
đã thấy thỏa mãn hay chưa). Thường ti mẹ bé chỉ ti một tí là ngủ và không ti tiếp
nữa. Và vì ti ít nên nó sẽ chóng đói, và nó sẽ không đạt được mức ăn 3 tiếng 1
lần. Chả hiểu tại sao người lớn lại tự đặt ra quy định 3 tiếng 1 lần và rồi cố
sức ép, tìm mọi cách, kể cả không cho bé ti mẹ trực tiếp để đạt mục tiêu 3 tiếng.
Đứa bé cứ như con chuột bạch ấy. Nó được mang ra để người lớn áp đặt những quy
định của mình. Đứa trẻ hoàn toàn không được đáp ứng nhu cầu của nó, theo sự phát
triển của nó. Thế mà trong khi đó, người lớn lại tìm mọi cách để áp đặt tình
yêu thương đối với đứa trẻ bằng việc mua sắm. Người lớn thể hiện tình yêu
thương bằng cách mua sắm thật nhiều thứ mà họ cho là sịn, là sang, là đầy đủ.
Nào quần áo, bỉm, khăn, nào bình sữa, đồ dùng, nào xe đẩy, nôi… Thực ra những
thứ này nhằm thỏa mãn người lớn là chính. Những đứa trẻ nông thôn, vùng sâu,
vùng xa không có những thứ này nó vẫn lớn, khỏe mạnh. Cái mà bọn trẻ cần là đáp
ứng nhu cầu của nó. Mà nhu cầu của nó thì rất ít, chỉ là ti mẹ, ngủ, ị. Nó được
ti lúc nào nó muốn. Nó được ngủ lúc nào nó muốn. Và nó được ị lúc nào nó muốn. Những
đứa trẻ nông thôn sẽ sướng hơn vì lúc nó muốn ti là có ti mẹ, chứ không phải chờ
đợi đến giờ để ti chai. Lúc nó muốn ngủ là được ngủ, chứ không phải chờ đợi đến
giờ ngủ để đêm không thức chơi. Và nó ị là được thay sạch sẽ, chứ không phải ôm
cái bỉm suốt đêm.
Có những người lại quan niệm khác. Dựa trên giả định là đứa
trẻ nào cũng ngoan. Nếu nó khóc tức là nó có vấn đề. Và nhiệm vụ của người lớn
là giải quyết vấn đề của nó. Nó khóc thì chỉ có 3 việc chính: đói, buồn ngủ, ướt
đít. Tất nhiên, không kể nếu nó ốm, nhưng đó là trường hợp đặc biệt, chứ không phải
tình huống bình thường. Nếu đói nó được ti mẹ. Nếu buồn ngủ nó được ru ngủ. Nếu
ướt đít nó được thay tã. Thế thì nó sẽ thỏa mãn và là đứa trẻ ngoan. Về giờ giấc
ăn, ngủ, khi nào đứa trẻ lớn đủ mức thì nó tự điều chỉnh giờ giấc. Lúc đó người
lớn có ép nó ăn sớm hơn 3 tiếng 1 lần thì nó cũng không chịu. Ngay cả bế, nó
cũng không thích được bế thường xuyên. Bế nhiều nó cũng khó chịu. Cái chính là vì
nó chưa biết nói nên người lớn phải lắng nghe nhu cầu của nó và đáp ứng. Đừng
áp đặt theo cách dạy dỗ của mình.
Đây mới là nuôi thôi đấy nhé. Chưa phải là dạy đâu nhé. Bao
giờ đến mục dạy sẽ còn nhiều quan điểm giáo dục vĩ đại nữa cơ.
ở cái xứ Đại Nam này, có cái gì mà người ta không thích áp đặt
cơ chứ.
Nhận xét
Đăng nhận xét