Thám hiểm Nam Cực, chuyện ODA và biến ước mơ thành hiện thực.


Cách đây 4 năm, năm 2010, trong lúc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang chìm sâu, mình ngồi nói chuyện với người Nhật về chuyện giao lưu văn hóa. Nói nhiều thứ, trong đó có nói đến chuyện người Việt ít biết về văn hóa Nhật. Trong khi người Việt đang được / bị Tây hóa, Tàu hóa, và bây giờ là Hàn hóa thì văn hóa Nhật lại ít được biết đến. Mình thấy văn hóa Nhật có những điểm hay mà người Việt có thể tiếp thu, học hỏi. Bên cạnh những sản phẩm Nhật như Toyota, Sony, Ajinomoto…, bên cạnh những lớp học tiếng Nhật, những quán ăn Nhật, những hội chợ hoa anh đào…, thì còn một cách nữa là phim ảnh. Mà mình nhấn mạnh vào phim truyền hình. Vì đó là cách quảng bá rộng rãi nhất. Mà không chỉ phim truyện còn cả phim tài liệu nữa. Ở bên Nhật mình được xem những  phim trên truyền hình và đã ước mơ rằng người Việt Nam có thể được xem những phim đó.  Mình cũng nói rằng sự khác biệt giữa phim Nhật với phim trên HBO, Start Movies ở chỗ nếu xem phim Mỹ thì đó là thứ không có thật trong xã hội Mỹ, còn trong phim Nhật, nó gần giống với xã hội Nhật. Vì vậy thông qua phim, người Việt Nam sẽ thấy được cuộc sống người Nhật. Mà cuộc sống Nhật hiện đang như một bí mật đối với người Việt. Chẳng có ai hiểu mấy về cuộc sống Nhật cả. Vị có trách nhiệm phía Nhật vội chia sẻ ngay những khó khăn. Đó là bản quyền và kinh phí. Thực ra, khi nói đến chuyện này mình chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ thôi chứ chẳng có ảo tưởng rằng có thể thành hiện thực. Ở Việt Nam ước mơ luôn chỉ là ước mơ. Nhưng vị có trách nhiệm lại cứ bàn cụ thể vào chuyện này. Ông ta bảo bản quyền ở Nhật sẽ tốn rất nhiều thời gian, không thể nhanh được. Mình hỏi, thông thường thì mất bao lâu? Thường là 1-2 năm. Wao, với Việt Nam có cái gì thực hiện nhanh hơn 1-2 năm đâu. Mình cũng chỉ nói: nếu không làm thì sẽ chẳng đạt được, cho dù là 1-2 năm. Ông ta đã rất tâm đắc. Ông ta lại nói rằng kinh phí thì hoàn toàn không có tí khả năng nào. Mình nghĩ, chuyện xã hội mình còn tậm tọc được chứ chuyện kinh phí mà nói với mình thì bằng nói với cái đầu gối. Rồi mình nói bừa: Nhật bản là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam cơ mà, sao họ lại không có tiền được. Ông kia nói: tất cả kinh phí đều phải được quốc hội duyệt, mà xin tiền cho chuyện phim ảnh thì chưa thấy bao giờ. Mình chả biết nói gì thêm, nên cứ dai dẳng: Nhưng dù sao thì Nhật cũng có rất nhiều tiền, nhiều tiền nhất rồi. Nếu Nhật mà không có tiền thì còn ai có tiền nữa. Ông kia ừ. Mình lại lẩm nhẩm: tôi chả biết gì, tôi chỉ biết hàng năm ODA của Nhật cho Việt Nam nhiều lắm. Ông kia bảo ừ, nhiều. Mình nói bừa: vậy thì cấu 1 ít từ cái cục ODA ấy ra thì cũng chiếu được ối phim. Không ngờ câu nói bừa đó lại làm ông kia chú ý. Ông í bảo vâng, chúng tôi sẽ xem xét.

Sau cuộc nói chuyện đó mình cũng quên đi, vì nghĩ chỉ là chuyện tầm phào, nói cho vui mồm. Tầm khoảng 1 năm thấy trên TV chiếu 1 bộ phim Nhật dài tập vào buổi trưa. Hình như về thời vua chúa, nữ hoàng, shogum gì đó. Rồi, trên kênh VTV2 lại chiếu những phim kiểu như giới thiệu du lịch. Một dạng phim tài liệu giới thiệu về những mảnh đất, những ngành nghề của Nhật. Thật là những cách tuyệt vời để cho người nước khác hiểu về nước mình.

Hôm nay lại là bộ phim truyền hình dài tập về Tham hiểm Châu Nam Cực. Nghe nói bằng nguồn ODA. Một bộ phim hứa hẹn có nhiều ý nghĩa.


Ôi, người Nhật. Sao họ biến ước mơ thành sự thật nhanh như thế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?