Quy hoạch, kiến trúc và văn hóa du kích


Trước hết, xin lỗi các nhà quy hoạch, kiến trúc.
Việt Nam mình bị kêu nhiều về chuyện quy hoạch, chuyện kiến trúc. Xin kể câu chuyện mà tôi thấy nó giống trinh thám An Nam.
Có lần đi thăm người quen ốm nằm ở bệnh viện quân đội (chẳng nói tên nhưng mô tả thì mọi người cứ đoán nhé). Đi vào cổng là đã thấy như đi hoạt động cách mạng rồi. Cả một khu sân và sảnh rộng thênh thang nhưng hàng rào che chắn ngang dọc. Vừa đi vừa nhìn, quan sát mà trong lòng cứ nghi nghi hoặc hoặc vì không biết lối đi ở đâu. Nhưng vẫn cứ phải bước tới vì phía trước thấy có người đi. Và nghĩ bụng nếu mình dừng lại, bối rối, không biết đi thế nào thì anh bảo vệ ở cổng sẽ cười mình vì… nhát không dám đi vào. Đi tiếp thì ôi, may quá, có một khe nhỏ giữa 2 hàng rào, khoảng 2-3 người đi lọt.
Đi qua khe ngoài cổng thì vào đến lối đi như một cái hành lang rộng và dài. Xung quanh, trên dười thì chi chít những bảng, biển đề các loại hướng dẫn. Nhưng rồi ai cũng phải bối rối với đống hướng dẫn đó. Người nọ nhìn người kia, rồi hỏi nhau đi thế nào. Những K, H, những A, C, rồi những 1, 2, 3 loạn cả lên. Nhưng không ai hiểu được cái gì. Đành túm lấy 1 người đi từ trong ra hỏi. Anh ta bảo đúng rồi. May quá. Những người khác hỏi, nhưng anh ta bảo, tôi không biết, tôi chỉ biết chỗ tôi vào này thôi. Những người kia lại phải ngơ ngác, chờ có ai đi ra để hỏi. Họ thật không may.
Tôi đi vào lối người đàn ông chỉ. Bước qua mấy bậc và lọt qua một khe cửa nhỏ thì bên trong là một khu sảnh rộng với rất đông người đang hỗn loạn ở trong đó. Chắc họ đang tìm cách xếp hàng đến lượt khám bệnh. Tôi muốn lên tầng trên, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy chỗ nào có lối lên tầng trên. Muốn hỏi nhưng chắc khó mà hỏi được ai đó trong cái đám đông hỗn loạn kia. Đi vòng quanh 2 vòng mà không tìm ra lối lên. Lại áp dụng chiêu trò cũ. Nhưng người đi từ phía ngoài sáng vào là người đang đi vào chỗ đám đông để chờ khám bệnh. Họ sẽ không biết gì. Những người đi ngược chiều, từ phía tối hơn đi ra, chắc là từ trên gác đi xuống. Phỏng đoán này đã có hiệu quả. Có 2 người đi từ phía tối đi ra đã chỉ đường. Đó là 1 cái hành lang nhỏ, đúng hơn là 1 cái khe tối. Phía bên ngoài là 1 cánh cổng sắt rỉ có khóa, nhưng lúc đó không khóa. Đi vào trong hành lang tối đó, vừa đi vừa hỏi vọng lại cho chính xác: đi vào đây thì lên trên gác được à? Tiếng người kia từ phía ồn ào náo loạn bên ngoài vứt lại: ờ.
Lên khỏi cầu thang là một không gian khác hẳn hiện ra. Cả một sảnh rộng, vắng tanh, nối với hành lang và có những phòng làm viêc nhưng hoàn toàn trống. Nhìn quanh để tìm cầu thang lên tiếp, nhưng chẳng thấy đâu. Ô, hay thật. Làm thế nào đi lên tâng 4 đây? Vòng vèo một hồi thì thấy một giếng trời rộng lớn. Chợt nghĩ, không biết mình đã đi vòng vèo thế nào. Bây giờ không thấy lối lên, mà không biết lối quay lại là mình lạc ở đây thì thật xấu hổ. Đang đứng ngẩn ngơ, nhìn lên trên giếng trời, chợt phía trên tầng 4, chỗ hành lang có 2 người đi ra. Vội gióng lên hỏi: đi lên trên đó thế nào. 2 người đàn ông đều cười thông cảm, khoái chí, khoát tay chỉ lối có cầu thang đi lên. Vòng ra phía tay chỉ thì thấy có cầu thang khuất phía xa. Đi lên được tẩng 3 thì lại không đi tiếp lên được nữa. Xung quanh vắng tanh. Lại đứng chờ. Chợt có cô ô sin dọn dẹp đi đến. Và tất nhiên cô này là thổ công rồi. Cô í dẫn đi dọc hành lang, qua khu toilet thì lại thấy cái cầu thang. Cô này đi vào toilet để lấy nước giặt chổi lau nhà. Cuối cùng cũng lên được đến tầng 4. Hú hồn. Một cảm giác giống như các chiến sỹ bộ đội đi hoạt động du kích.
Đấy chỉ là tìm đường lên tấng 4 thôi. Còn chuyện tìm nhà thì cũng không kém phần vô vọng. Cả một khu bệnh viện rộng mênh mông, nhưng các tòa nhà xây thì như những cái lô cốt, lổn nhổn, băm nát, chia cắt không gian. Chắc các nhà thiết kế cũng có ý đồ. Họ muốn tạo ra một không gian gần gũi với những chiến trường của các chiến sỹ với những lô cốt. Họ muốn tạo ra những không gian gần gũi cho những bệnh nhân làm nghề lính với những không gian chia cắt, băm nhỏ. Hoặc là tư duy lính quen nhìn mọi thứ theo kiển lô cốt, co cụm, và lổn nhổn. Thế mới là đẹp.
Tưởng đâu chỉ có bệnh viện 108 là đặc thù. Nhưng đó chỉ là 1 ví dụ thôi, chứ kể ra thì nhiều không kể hết. Các bệnh viện khác cũng trong tình trạng tương tự. Còn các trường đại học thì cũng na ná. Mọi người đi vào các trường Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm… có cảm tưởng bị lạc không? Ngay cả trong Viện Hàn lâm khoa học công nghệ, mọi người cứ vào thử xem có sợ lạc không? Thật là đau xờ cau.
Thôi chán rồi, không kể nữa.
Một lần nữa xin lỗi các nhà quy hoạch, kiến trúc.
HN 7/10/2014


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Rượu lược vàng chữa nhiệt miệng hiệu nghiệm