Social event và khi nào có Dân chủ
Social event và khi nào có Dân chủ
Có lẽ dân chủ thì không ai lạ gì. Thế nhưng nói cho cặn kẽ,
đầy đủ thì chắc nhiều người chịu. Tôi cũng chẳng biết dân chủ là gì, nhưng những
gì tôi nhìn thấy từ thực tế thì tôi tự cảm thấy có sự thay đổi lớn về dân chủ
đang diễn ra ở Việt Nam.
Nếu mọi người theo dõi thì thấy là Quốc hội vừa phê chuẩn mấy
cái nghị quyết, chỉnh sửa mấy cái luật. Chẳng hạn như điều chỉnh về doanh nghiệp
xã hội trong luật doanh nghiệp. Như phê chuẩn công ước về chống tra tấn. Phê
chuẩn công ước về người khuyết tật. Nếu những ai quan tâm đến hoạt động vận động
chính sách của các tổ chức xhds thì sẽ hiểu rằng đó là một thành công của vận động
chính sách. Đây là kết quả của quá trình vận động mấy năm trời của các tổ chức
xhds, kết hợp với các bên liên quan, trong đó các cơ quan nghiên cứu, các cơ
quan lập pháp…
Việc này đã đánh dấu một sự thay đổi lớn. Đó là một sự thay
đổi “luật chơi”. Từ chỗ độc quyền áp đặt luật chơi, thì nay đã có sự chia sẻ
quyền lực. Cách thức áp đặt luật chơi đã thay đổi. Từ nay quyền áp đặt luật chơi không chỉ
do 1 nhóm, 1 bên, mà do nhiều bên tham gia, trong đó có xhds.
Năm 2011, khi diễn ra những cuộc biểu tình trong mùa hè đỏ lửa,
tôi đã cho rằng, trong khoảng 10 năm nữa Việt Nam sẽ có dân chủ. Lúc đó tôi chẳng
biết dân chủ là gì. Tôi cũng không biết 10 năm nữa sẽ có dân chủ tức là sẽ có
cái gì. Dự đoán của tôi chỉ là dựa trên kinh nghiệm của cái “quy luật 10 năm”.
Hay là như nhiều người nói “án 10 năm”. Cái quy luật đó cụ thể là ở Việt Nam khi
nào bắt đầu có sự kiện xã hội thì quá trình để nó trở thành hiện thực được thừa
nhận phổ biến phải mất 10 năm.
Trong xã hội học có thuật ngữ “sự kiện xã hội” (social event).
Sự kiện đơn lẻ, cá nhân, khác với sự kiện xã hội. Và sự kiện xã hội có ý nghĩa
to lớn của nó. Ví dụ có người thắc mắc vì sao sự kiện 1 thanh niên nào đó ở
Trung Đông tự thiêu lại châm ngòi cho một cuộc cách mạng, trong khi đó ở Việt
Nam có 1 thanh niên tự thiêu và mọi người cũng dự đoán điều tương tự sẽ xảy ra,
nhưng trên thực tế lại không có gì xảy đến? Điều khác nhau ở đây là thanh niên ở
Trung Đông là sự kiện xã hội còn thanh niên ở Việt Nam thì chỉ là sự kiện đơn lẻ.
Tức là thanh niên Trung Đông tự thiêu là dấu hiệu cho một tâm trạng đã trở
thành phổ biến trong xã hội đó rồi. Nếu thanh niên này không có hành động đó
thì cũng sẽ có những người khác sẽ có những hành động tương tự. Còn ở Việt Nam thì
không như vậy. Ở Việt Nam đó chỉ là hành động đơn lẻ.
Trước năm 2011, ở Việt Nam đã có những cuộc biểu tình tương
tự (hình như năm 2007, 2009). Nhưng phải đến năm 2011 các cuộc biểu tình mới
thành social event. Biểu tình năm 2011 có thể kéo dài nhiều cuộc, khác với những
cuộc ở các năm trước. Điều đó cho thấy nó được nhiều người quan tâm. Đó là hoạt
động có ý thức của nhiều người chứ không phải là bột phát, và không phải chỉ là
đơn lẻ vài người. Và khi đã có social event thì chính social event sẽ có sự phát
triển của nó. Nó sẽ tạo ra sự thay đổi.
Tôi không biết có sự liên quan gì giữa những cuộc biểu tình
với sự vận động của các tổ chức xhds. Nhưng hình như là trong 5 năm qua, hoạt động
vận động chính sách của xhds đã chuyển sang một bước tiến khác hẳn.
Theo quan sát của tôi, hoạt động vận động chính sách (VĐCS)
hiện nay cũng có rất nhiều cấp độ. Từ những hoạt động nhỏ, kiểu như những dự án
nhỏ, nhằm vận động góp ý cho những quyết định, hoặc chỉ là truyền thông thay đổi
nhận thức, cho đến vận động cho những nghị định, và ở mức cao nhất là vận động
cho ra đời những luật mới.
Riêng về mảng hoạt động VĐCS, thì đây lại là một social
event to lớn khác. Đã có một sự thay đổi to lớn. Vô cùng to lớn trên nhiều lĩnh
vực. Thay đổi trong nhận thức về cách thức chia sẻ quyền lực với xhds. Thay đổi
trong cách làm luật, trong cách VĐCS. Một sự thay đổi lớn lao đang diễn ra ở mọi
cấp độ. Từ cấp dưới, thừa hành, cho đến cấp tỉnh, cấp bộ, và cấp Quốc hội và cấp
Trung Ương. Nếu như trước đây khoảng 4-5 năm đi đến đâu cũng thấy sự chán nản, “bất
mãn”. Đi đến đâu cũng thấy cảm giác “không thể sống thế này được nữa”. Nhưng
lúc đó, không ai biết phải làm khác đi thế nào. Thì nay, đã có những bộ phận (không
phải tất cả) đi tiên phong trong sự thay đổi. Họ muốn thay đổi, và họ thấy cần
phải hành động. Một điều hay là mọi người đã phối hợp với nhau trong hành động
để tạo ra sự thay đổi. Một điều hay nữa là sự tham gia của những nhà chuyên
gia, các nhà khoa học đang tăng lên. Và các kiến nghị chính sách dựa trên nghiên
cứu khoa học cũng đang tăng lên. Trước đây tôi vẫn nghe nói là bên Trung Quốc
tiếng nói của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia … rất có trọng
lượng đối với giới quản lý và lãnh đạo. Lúc đó tôi đã tự hỏi tại sao. Bây giờ
khi điều đó xảy ra ở Việt Nam thì tôi đã hiểu. Vai trò của xhds, vai trò của
VĐCS tăng lên thì có lẽ nó đi cùng với vai trò của giới khoa học. Tôi dự đoán,
chỉ trong thời gian ngắn nữa cái cách làm của nhóm tiên phong này sẽ lan tỏa ra
toàn xã hội. Nó sẽ lan rất nhanh. Tôi dự là khi nào có dân chủ thì những THINK
TANK Việt Nam sẽ bước lên diễn đàn. Hay nói cách khác, khi nào Think Tank tham
gia với tư cách độc lập vào VĐCS, và quản lý xã hội thì đó là lúc có dân chủ.
Trong thời gian qua, có nhiều người “bất mãn” “không thể sống
thế này được nữa”, có nhiều người muốn phá phách. Thực tế có nhiều người đã “phá
phách”. Nhưng gần đây, có nhiều người, sau một thời gian có những hoạt động được
coi là “quá khích” đã cảm thấy không thể tiếp tục được nữa. Nhiều người đã muốn
có hành động nào đó có ích hơn. Đây cũng lại là một social event nữa. Số lượng
NGO ở Việt Nam trong thời gian qua trước khủng hoảng kinh tế đã tăng lên nhanh
chóng. Khi gặp khủng hoảng nó đã bị giảm đi đáng kể. Nhưng, nay lại đang có một
lớp NGO mới, có thể gọi là một làn sóng mới. Cùng với sự thay đổi về luật với
DNXH làn sóng này chắc sẽ tăng lên. Tôi dự đoán thế. Cùng với sự thay đổi trong
suy nghĩ của nhiều người “muốn có hành động cụ thể có ích hơn”, làn sóng này không
chỉ tăng lên mà còn thay đổi về chất.
Từ năm 2011, đã 4 năm trôi qua, đã có những thay đổi lớn như
vậy.
Chắc “cái án 10” sẽ thành hiện thực, nhỉ?
HN 28/11/2014
Nhận xét
Đăng nhận xét