Về những cái mới trong vận động chính sách


Xin nói đôi điều về những cách làm mới của Liên Minh Kiểm soát Ô nhiễm nước. Trong 1 năm qua Liên Minh đã làm được rất nhiều việc. Từ việc định hướng hoạt động đến việc định hướng trong vận động chính sách. Và cả phương pháp làm việc, cũng như việc tụ hội được nhiều lực lượng tham gia.
Về định hướng hoạt động.
Ban đầu dự định là làm về ô nhiễm khu công nghiệp. Nhưng qua nhiều bàn luận, tư vấn, góp ý, mọi người thấy là chủ đề ô nhiễm khu công nghiệp quá nhậy cảm, nhiều xung đột lợi ích, và mọi người đã tìm ra được hướng khác là kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN). Việc đi tìm hướng là một quá trình khó khăn và cũng rất gay go quyết liệt. Những Liên Minh khác thành công hay thất bại cũng một phần là ở khâu này. Định hướng kiểm soát ô nhiễm nước, về thực chất nó cũng liên quan đến ô nhiễm khu công nghiệp, tuy nhiên KSONN lại rộng hơn nhiều. Nó không chỉ có ô nhiễm khu công nghiệp mà còn cả nông nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt… Và như vậy nó “mềm” hơn, vì nó không chĩa mũi dùi vào ô nhiễm công nghiệp. Hơn nữa, ô nhiễm nước thì đánh trúng nỗi bức xúc, trăn trở của toàn dân, vì thế nó là điều được hưởng ứng, được bảo vệ ngay từ đầu.
Một định hướng nữa là định hướng làm luật. Ngay từ đầu ý định này chưa hình thành rõ ràng. Ban đầu chỉ là ý định góp sức vào việc quản lý, làm sao giảm được hiện trạng ô nhiễm nước. Sau khi khảo sát, họp hành, thảo luận, đi đến hướng quan tâm là góp ý hoàn thiện những chính sách quản lý. Sau một thời gian cũng đã góp ý được một vài quy định cụ thể. Hiểu rõ hơn thực tế của một vài loại hoạt động gây ô nhiễm. Liên kết được sự tham gia của đông đảo các bên liên quan. Và rồi, mọi người đi đến quyết tâm vận động xây dựng luật mới.
Về định hướng vận động chính sách.
Theo cách làm truyền thống thì chính phủ, quốc hội muốn làm luật gì thì giao cho bộ ngành nào đó soạn thảo, rồi chuyển các bộ ngành liên quan góp ý, rồi chuyển quốc hội phê duyệt. Nay thì cách làm khác hoàn toàn. Mới hoàn toàn. Và phức tạp hơn rất nhiều.
Thứ nhất, Định hướng vận động chính sách theo cách này là xuất phát từ CSO. Đơn vị điều phối nhất thiết không phải là thuộc hoặc liên quan gì đến nhà nước, hay chính phủ. Qua kinh nhiệm của một số liên minh thành công/ thất bại, việc lựa chọn CSO nào làm điều phối là điều quan trọng. CSO đó phải có đủ các yếu tố: i) là chuyên gia trong lĩnh vực đó. ii) có đủ uy tín để quy tụ được mọi lực lượng tham gia trong liên minh. iii) Có nhiệt huyết. Có khả năng truyền lửa nhiệt tình. Điều này đảm bảo thắng lợi. Vì đường đi dài, nhiều khó khăn, nhiều thất bại nản lòng. Người truyền lửa sẽ quyết định thắng lợi. iv) Biết đặt lợi ích chung cao hơn lợi ích nhóm, và lợi ích cá nhân. Điều này có thể nói ngắn gọn là khi định làm thì chưa nói đến kinh phí, chưa nói đến danh tiếng. Không phải là có tiền mới làm, có danh tiếng mới làm.
Thứ hai, dựa vào những nghiên cứu nghiêm túc. Các chuyên gia giỏi, tham gia vào giai đoạn này. Những nghiên cứu có mục tiêu rõ ràng, cụ thể là góp ý, xây dựng chính sách.
Thứ ba, vận động chính sách đi từ dưới lên – bottom up. Các góp ý đều có khảo sát, có lấy ý kiến từ dưới, từ thực tế.
Thứ tư, huy động các bên liên quan. Tất cả các bên liên quan từ các bộ, ngành quản lý, các địa phương, các đại biểu quốc hội, và hội đến các bên gây ô nhiễm và chịu ô nhiễm, và câu chuyện lợi ích nhóm được bàn đến rất kỹ ở đây. Và tất nhiên, một bên liên quan không thể thiếu là các chuyên gia nước ngoài. Những kinh nghiệm từ nước ngoài, những phương pháp làm của họ, những bộ luật của họ là những thứ rất có ý nghĩa. Thứ năm, lobby và vận động. Bên cạnh những chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan kể trên, thì còn một chuyên gia cực kỳ quan trọng là “chuyên gia tư vấn vận động chính sách”. Đây là chuyên gia thuộc diện cao cấp, dầy dạn kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc các cơ chế hoạt động, vận hành, và nhiều nhiều thứ khác nữa. Những thứ đang làm cho cả bộ máy, cả xã hội hoạt động.
Phương pháp làm cũng là cách hoàn toàn mới.
Trong những cái mới ở đây, thì phương pháp có lẽ là một trong những cái mới nhất. Trong từng bước từ định hướng hoạt động, đến định hướng vận động chính sách, đến việc lựa chọn ưu tiên, và việc liên kết các bên liên quan… Tất cả đều có những phương pháp mới. Mới hoàn toàn. Mà có lẽ phải có hẳn một bài riêng nói về điều này thì mới nói rõ được.
HN 23/11/2014


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?