Viết nhân ngày 20/11
Vào ngày này, toàn dân rộn ràng chúc mừng thầy cô. Thầy cô
thì hào hứng, hân hoan đón nhận những lời chúc. Học sinh thì bồi hồi nhớ về thầy
cô, và bạn bè cũ. Rất nhiều cuộc tụ họp, gặp mặt…
Nhà tôi, 2 cậu con trai. Cậu lớn thì đi vui vẻ với bạn bè, đến
nhà cô. Cậu bé thì ở nhà. Mẹ hỏi con có đi cô không? Nó lắc đầu. Mẹ nhắc đến lớp
cấp II, cấp III nó đều lắc đầu. Rồi bảo: mẹ biết rồi, con không đi đâu cả. Mọi
người đi chỉ để gặp bạn chứ có phải để gặp thầy cô đâu. Mà con thì không muốn gặp
cô, cũng chẳng thích chơi với bạn nào. Đó là lý do nó không đi. Tất cả bạn của
nó chỉ là bạn quen qua fb, và bạn ở trường ĐH bây giờ. Cũng may là bây giờ có
trường học liên kết. Học ở đây, học sinh phải đóng nhiều tiền, nhưng bù lại
không có nhiều loại học sinh mà thằng cu nhà tôi gọi là “thanh niên nghiêm
túc”. Và không có những môn học như chxh, tư tưởng này nọ… Vì thế, thằng con
tôi có nhiều bạn ở trường. Trước khi vào trường đóng tiền, con tôi đã đỗ vào
trường ĐH Quốc gia. Nhưng học ở đó khoảng 1 tháng thì nó đã than vãn: vào ĐH mà
cũng có thanh niên nghiêm túc mẹ ạ. Và thế là nó quyết tâm nộp đơn xin vào trường
đóng tiền. Nó bảo nếu con đỗ vào trường này thì mẹ cho con đi học nhé. Mẹ bảo:
nhưng con đã đỗ vào trường này rồi. Đây là trường ĐHQG, là trường tốt đấy con ạ.
Nó bảo: vâng, nhưng cũng chẳng khác gì trường CII, CIII đâu mẹ ạ. Thế là, nó
quyết tâm thi. Khi thi ĐH thì nó chẳng chịu học hành gì cả. Mẹ lo lắng thì nó bảo:
con sẽ đỗ mà mẹ. - Con cố học đi, nhỡ trượt thì chết. Nó bảo – Đỗ thì có khác
gì đâu, vẫn chán như thế. Thể rồi, khi đỗ thì nó chán thật. Thế là nó học thật
sư, học nghiêm túc, để thi vào trường nộp tiền. Chính vì chán nên nó có động
cơ, bằng mọi cách đỗ vào trường đóng tiền.
Viết về con tôi, chắc nhiều người sẽ thắc mắc, có chuyện gì
với thằng con nhà chị thế? Có nhiều người sẽ hỏi: sao con chị lại chán? Nhưng
chắc cũng có nhiều phụ huynh, và nhiều học sinh chia sẻ với con tôi cảm giác
chán. Cái chán của con tôi thì chẳng phải nói, chắc mọi người đã có thể hiểu.
Chắc cũng chẳng thể nào viết ra hết những điều chán vì nó gắn với tất cả những
vấn đề, những điểm yếu của nền giáo dục Việt Nam. Nói ra những điểm yếu trong
ngày này có thể sẽ bị ném đá. Thôi thì cứ điểm ra vài ví dụ minh họa. Từ bệnh
thành tích (đi thi, bài kiểm tra đều đạt điểm tốt 100%), từ bệnh giáo điều (thầy
cô luôn rao giảng những điều ở trên mây, trong sách vở, chả biết đời thường thế
nào), đến bệnh đạo đức giả (nói toàn những điều hay, làm thì không ra gì, nếu
có bị học sinh phát hiện thì che giấu, hoặc thanh minh, che đậy kiểu đánh tráo
khái niệm), đến giả dối (vì học sinh thân yêu nhưng bằng mọi cách dạy thêm kiếm
xiền), và độc đoán, sáo rỗng… Tất cả những điều này đã khiến cho nhiều người thấy
chán, đặc biệt những người sống không dựa vào thành tích.
Nói dài dòng, xa xôi là để đi đến vài cảm nhận nhân ngày nhà
giáo Việt Nam.
Ngày này nó gắn với truyền thống tôn sư trọng đạo của người
Việt Nam. Tôn sư là vì trong đẳng cấp của xã hội cái nghề được trọng vọng là
nghề… làm quan. Sỹ, nông, công, thương. Chẳng có ai thích làm nông, công,
thương cả. Ai cũng cố cho con ăn học để còn đỗ đạt. Đỗ đạt mục đích là ra làm
quan. Mà để đạt được mục đích đó thì phải có thầy. Điều đó giải thích vì sao thầy
có giá. Thế mới thấy người Việt thực dụng cỡ nào.
Cái xã hội Việt Nam ngày xưa là xã hội phong kiến, nên nó độc
đoán. Xã hội có thứ bậc trên dưới. Trên bảo - dưới nghe. Cái truyền thống ấy,
cái thứ bậc ấy nó khiến cho người ta chỉ có cách tôn sư chứ không có lựa chọn
nào khác.
Nếu ta đặt lại câu hỏi với tất cả những vấn đề của giáo dục
Việt Nam, với tất cả những điều chán chường mà học sinh và phụ huynh cảm nhận
liệu họ nên ứng xử thế nào nhân ngày 20/11? Và con tôi đã là 1 ví dụ cho cách
chúng nó lựa chọn cho mình 1 cách ứng xử.
Tôi đã từng là học sinh, tôi đã từng gặp những người thầy
tôi yêu mến, ngưỡng mộ. Nhưng tôi cũng gặp những người thầy mà tôi thấy chán.
Việc yêu người này, không thích người kia là chuyện quá bình thường trong cuộc
sống hàng ngày. Nhưng việc yêu, ghét người thầy thì đã ai bàn đến chưa?
Tôi đã từng đi dậy, đã từng đứng trên bục, và có những học
trò. Với tôi, đó là 1 công việc, và là việc mình cũng yêu thích. Khi đi dậy học
là công việc thì nó cũng là 1 nghề như những nghề khác. Thế nhưng, cái truyền
thống Việt Nam lại gán cho nó một ý nghĩa cao siêu, mà đôi khi mình cũng chẳng
hiểu rõ hết. Như những nghề khác, đó cũng là việc làm để kiếm sống, cũng là
công việc mình yêu thích, thế nhưng nó lại được gán cho những ý nghĩa ghê gớm.
Vì cũng là một nghề như những nghề khác, nghề giáo cũng có người thế này, người
thế khác, người tốt, người xấu. Rồi trong quan hệ cũng có lúc quan hệ tốt, có
lúc quan hệ xấu, kể cả quan hệ với học sinh. Thế nhưng khi nghĩ đến người ta chỉ
nhìn thấy mặt tốt, hoặc cố tình quên đi, che đậy đi cái mặt không tốt. Như thế
chúng ta có giả tạo không nhỉ?
Khi ra nước ngoài, chúng ta thấy họ không có cách nhìn tôn
sư trọng đạo như của ta. Họ không có ngày 20/11 như ta. Thoạt đầu tôi thấy lạ,
không quen. Nhưng rồi dần dần mình thấy họ có cái hay. Nghề giáo cũng là 1 nghề
như những nghề khác. Việc anh được tôn trọng, được đánh giá cao hay không là
tùy thuộc vào chất lượng công việc, tùy thuộc vào cách anh cư xử với đồng nghiệp
và đối tác (ở đây là học sinh). Người ta đánh giá dựa vào chất lượng công việc,
dựa vào trách nhiệm của anh đối với công việc, và dựa vào nhân cách của anh nữa.
Việc đánh giá càng khách quan, càng khắt khe bao nhiêu thì càng buộc anh phải cố
gắng làm tốt bấy nhiêu. Nếu anh không đạt được thì anh không có được sự tôn trọng.
Điều đó chẳng hay hơn là cách tôn trọng chung chung, giả tạo hay sao? Điều đó
chẳng hơn là chúng ta cứ “tạm ứng” sự tôn trọng của chúng ta hay sao? Liệu
chúng ta có nhất thiết “đóng đinh” trong đầu rằng thầy cô thì luôn phải kính trọng?
(Nói ra câu này chắc phải chuẩn bị sọt đựng đá).
Tôi đi trốn đây.
20/11/2014
Nhận xét
Đăng nhận xét