ĐH 12 và quyền bầu cử của người dân

Đúng là nhiều người đang nhận thấy là tình trạng Việt Nam hiện đang rất hỗn loạn. Mặc dù đại đa số dân chúng đều cảm thấy lo lắng với trình trạng hiện này, và nhiều người rất mong thoát ra khỏi tình trạng bế tắc này, tuy nhiên, đa số người dân lại chẳng nhìn thấy có một cách thức nào để làm giảm sự hỗn loạn một cách khả thi và có hiệu quả. Số đông vẫn không có hành động gì thích hợp. Nhìn chung là mọi người vẫn đang tuân theo thói quen vốn có “ngồi im, toàn thắng ắt về ta”. Kinh nghiệm về những cuộc đàn áp là điều chính khiến đa số cảm thấy “ngồi im” an toàn hơn. Có một số người được gọi là “phản động”  type “hiếu động” thì vẫn hô hào loại bỏ ĐCS. Tuy nhiên, dù có một số những hoạt động nhỏ lẻ, nhưng vẫn chưa đem lại một thay đổi gì về mặt cơ chế. Và có thể có một vài người nghĩ nếu cứ “tăng động” kiểu này, “nói xấu” kiểu này thì cũng chưa đưa đến một cải cách khả dĩ nào. 
Thực tế thì có khá nhiều những hoạt động đi theo hướng tăng cường quyền chính trị xã hội của người dân như vận động chính sách (như các liên minh Oxfam, các chương trình của UNDP…), các hoạt động nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng thực thi nhân quyền, thực thi tiếng nói của người dân đối với những quyết định nhà nước … Sắp tới đây sẽ có một hội thảo về những đóng góp của xã hội dân sự cho sự phát triển đất nước. Có lẽ những hoạt động đó là bước chuẩn bị về hiểu biết, về kỹ năng để người dân có thể thực thi quyền chính trị của mình.
ĐH12 đang phô diễn không chỉ sự hỗn loạn, mà còn cho người dân thấy được sự mỉa mai. Đó là cuộc chơi giữa những nhóm trong Đảng, và toàn dân là người đứng ngoài. Họ đứng ngoài để chờ đợi cuộc chơi đó đưa cho họ người lãnh đạo họ.  Một mặt nào đó ĐH12 chính là một dịp cho người dân thấy được bộ mặt thật của chính mình. Bộ mặt thật của người đứng ngoài cuộc chơi, chờ đợi một sự ban phát. Cùng với những hoạt động nói đến ở trên, người dân có dịp hiểu hơn về giá trị của quyền chính trị của mình.
Hiện nay đang có một số người nói đến một cuộc vận động cho quyền bầu cử của người dân. Trong khi người dân hoàn toàn đứng ngoài cuộc bầu cử tại ĐH 12, thì nhiều người đang hướng đến quyền bầu cử thực sự, (không phải là Đảng cử dân bầu), trong năm 2016 tới đây, sau ĐH12. Thực sự là có nhiều điều phía trước rất đáng trông đợi. Từng bước, từng bước, người dân sẽ làm quen, và rồi làm chủ trong một sân chơi dân chủ hơn.

HN 13/1/2016

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?