Những người có khiếu buôn

Hôm nay tớ có một ngày thật là nhiều sự kiện và cảm xúc
Đó là buổi chiều có sự kiện chiếu phim của CLB Điện ảnh – Kiến trúc. Đây là hoạt động định kỳ vào đầu tháng. Hôm nay là buổi cuối cùng trong năm 2015 (thực ra là buổi đầu tiên của 2016 mới phải, nhưng chả hỉu sao các bạn í lại gọi như vậy)
Đến 50 Đào Duy Từ thì hóa ra tầng 1 là triển lãm tranh của KTS. Hoàng Đạo Kính. Cuộc chiếu phim ở trên tầng 3. Đi thang máy lên, bước ra khỏi cửa là nhìn thấy cánh cửa bằng gỗ to tướng. Tớ chưa bao giờ nhìn thấy cánh cửa gỗ to tướng như thế. Bước vào trong phòng là 1 không gian rộng rãi. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trong phố cổ mà có một khu đất rộng để xây cái nhà to và phòng to thế này. Tớ ghé tai hỏi bạn bên cạnh. Bạn í giải thích: đây vốn là rạp hát cũ, nó bị cháy, thành phố lấy lại và bây giờ nó thuộc BQL phố cổ. À một cái rõ dài. Cái này nghe quen quen à nha. Tớ đã nghe ở một vài nơi có sự kiện cháy. Cháy là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn về tương lai của BĐS. (chùa Tảo Sách cháy xong là đương nhiên được xây lại như ý nguyện mà không phải xin phép)
Bộ phim chiếu về nhà nhỏ hẹp ở Tokyo. Sau khi chiếu phim là phần phát biểu của các đại biểu. Các đại biểu, giống như những sự kiện ở rất nhiều nơi, người danh tiếng ngồi tất ở hàng đầu. Nguyên thứ trưởng Bộ xây dựng phát biểu. Tớ cũng chẳng hiểu bác í nói gì. Chỉ nhớ là bác í khoe bác í đã sống ở Tokyo và con gái bác í cũng sống ở đó. Hết ý kiến. bạn bên cạnh ghé tai mình: bác này nói chẳng có ý gì, thật không xứng đáng làm lãnh đạo Bộ. Tiếp theo là nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu, từng là đại sứ Việt Nam ở UNESCO. Nhà ngoại giao nói rất truyền cảm, và được mọi người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, tớ lại ghé tai bạn bên cạnh bảo: bác này nói sai hết. Bác í bảo là không nên theo cách để cho nhà nhỏ hẹp phát triển như ở Nhật (thật ra lịch sử phát triển đô thị thế giới đều cho thấy nhà nhỏ hẹp là một thực tế phổ biến, không thể tránh khỏi. Đó là quy luật của việc giá cả đất đai đắt đỏ). Bác í bảo không nên theo cách của Nhật vì Nhật khác Việt Nam (thế có nước nào giống Việt Nam?). bác í lại bảo vì Nhật đô thị hóa chứ Việt Nam thì vẫn còn chưa đô thị hóa (bác í quên rằng TTg đã ký văn bản 20-30 năm nữa Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa đến 70-80%. Có nghĩa rằng mức độ đô thị hóa của Việt Nam sẽ giống Nhật trong một tương lai không xa). Bác í lại còn nói rằng chúng ta đang ở trong khu phố cổ, và chúng ra phải xin UNESCO cái di sản, “phải nâng tầm phố cổ”. Thế là vỗ tay rào rào (bác í quên rằng phần lớn phố cổ là nhà nhỏ hẹp, vậy có nên giữ cái nhỏ hẹp đó không? Và bác í có hỏi xem dân có muốn “nâng tầm phố cổ” không? Hay lại như dân làng Đường Lâm, đem trả danh hiệu). Tớ lại tiếp tục kiên trì ngồi nghe 1 vị đại biểu nữa phát biểu. bạn bên cạnh ghé tai: có muốn ngồi nghe nữa không? Nói chán lắm. Tớ bảo: tớ muốn nghe họ nói chán cỡ nào. Đại biểu tiếp theo là đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bạn bên cạnh lại giải thích: có nhớ nhân vật đạo diễn trong Lê Vân Tự Chuyện không? Ông này là người đã nâng đỡ, tạo điều kiện cho Lê Vân, nhưng rồi LV vẫn không thể không nói sự thật phũ phàng về ông í. Quả nhiên là đạo diễn tài ba đứng lên nói một tràng về những phim mà chàng đã làm nào là Đừng Đốt, nào là Mùa Ổi. Rằng chàng đã lựa chọn được những nàng rất dân dã, để làm những giá trị bộ phim. Bla bla. Tớ cũng thấy hơi khó hiểu. Đang nói chuyện nhà nhỏ hẹp, lại chạy sang chuyện phim và nữ diễn viên. Đúng là khó tư duy. Ông đạo diễn kết thúc bằng câu: chúng ta nên đề nghị đại sứ UNESCO nâng tầm cho khu phố cổ. à, hóa ra là các bác í đang ủ mưu. Đến đây thì các bạn rủ đi ăn quà, nên đành bỏ lại cuộc bàn luận dở dang ở đằng sau cánh cửa to.
Chạy xuống tầng 1 tớ tranh thủ lượn xem tranh. Nhưng các bạn đã vội lôi đi. Chỉ kịp lướt qua mấy tranh. Thấy phía dưới các tranh đều gắn tên người. Tớ lơ ngơ hỏi: ơ, đây là tranh của HĐK sao lại có tên người nào ở đây. Người phụ trách ở đó giải thích đó là tên người đã mua tranh. Nhìn lướt một lượt, tớ ồ lên: Ồ, thế là đã bán gần hết rồi à. Lướt qua thì thấy có 2-3 tên người mua. Có người mua đến 5-7 bức. Chạy theo các bạn ra phố ăn quà, tớ đã vội ném cho các bạn câu: ha ha, ông HĐK đúng là ông buôn giỏi. Các bạn phản ứng ngay: không, thầy thì biết buôn gì. Chẳng biết buôn đâu. Tớ bảo: mới triển lãm mà đã bán được bao nhiêu tranh thế là buôn quá giỏi rồi còn gì. Các bạn nhìn nhau, không biết trả lời sao.
Đang ngồi ăn chè đã thấy thầy HĐK đi ra cùng với mấy người. Lúc chiếu phim vừa xong, đèn bật sáng, cánh cửa mở ra và thầy HĐK xuất hiện hỏi một câu gọn lỏn: xong chưa? Các bạn xung quanh bảo thầy không xem phim, thầy ở dưới bán tranh. Tớ không nói gì, không nghĩ gì, nhưng tự dưng trong đầu có dấu hỏi, chẳng biết hỏi cái gì. Đến lúc xuống dưới phòng tranh thì dấu hỏi nó bật ra thành câu “buôn giỏi”.
Vừa ăn chè vừa buôn. 1 bạn bảo người mua tranh của thầy chính là học trò của thầy. Cậu học trò là con bà GĐ Sở TNMT và là bồ của Phó TTg NXP. Chè trong mồm tớ bỗng rơi trở lại bát. Một lúc sau các bạn bảo: sao ăn chậm thế.
Lúc quay trở lại phòng tranh, mọi người đã về hết, nhưng tớ một mình đi lại ngắm 1 vòng các bức tranh. Quay ra thì gặp lại thầy, thầy nhã nhặn hỏi: thấy tranh thế nào. Tớ bảo: không ngờ một ông già … chưa nói hết câu thầy đã chen vào: chưa già. Còn lâu mới già. Tranh vẫn trẻ thế cơ mà. Tớ nói tiếp: ông già mà còn vẽ được thế thì thật là giỏi. Khách quan mà nói tranh của bác í đẹp hơn tranh Bờ Hồ, trẻ hơn tranh của các bác già. Tức là trông không đến nỗi là típ tranh của những năm 70 -80. Ít ra nó cũng cỡ sau Đổi Mới. Thế là quá giỏi rồi. Tớ phục bác í luôn. Bác í không phải là buôn giỏi mà là bác í sòng phẳng, có đi có lại. Người ta đưa cho các í cái gì thì bác í có mấy bức tranh để đưa lại chứ người ta chả phải về tay không.
Trước khi chiếu phim, mọi người đã giới thiệu một chàng trai là trưởng BQL phố cổ. hừm, trẻ nhỉ. Vừa mới ngồi ăn chè đã thấy thầy đi ra cũng mấy người. Các bạn lại giới thiệu: người đi bên cạnh thầy là Long - trưởng BQL phố cổ, học trò thầy. Tớ không nhịn được câu hỏi: cô xinh đẹp bên cạnh là ai? Là vợ Long. Ồi, như người mẫu. Tớ hỏi tiếp vợ Long cũng là KTS à? Không, làm kinh doanh. À há. Các bạn lại giải thích vì là thầy của Long nên mới được tạo điều kiện hết sức. được mở phòng tranh, được chiếu phim. Nhưng Long không có thầy thì cũng không làm được TS. Có biết gì đâu mà làm. Thấy tớ mở to mắt ngơ ngác. Các bạn lại giải thích: thầy siêu lắm. Trong tất cả đám đại biểu hôm nay và cả đám các giới học giả trong ngành, chỉ có thầy là giỏi. Thầy sắc sao. Sắc như dao găm í. Tớ lại giương mắt lên. (nghe dao găm ai chả sợ. Chỉ nghe mắt dao cau, giờ mới nghe sắc dao găm.)
Mấy đứa con gái lại lượn phố. Đi ăn bún ngan, rồi sà vào hàng quần áo, rồi lại lượn hàng bánh trôi. Vòng vèo một hồi. Chúng nó lại bảo nhau, phải quay lại chỗ thầy. Xem chừng thầy có vị trí rất quan trọng. Tớ lại đi theo để xem quan trọng thế nào. Lại vào quán nhậu. Cầm li đi sang mâm thầy để chào thầy. chúng nó giới thiệu tớ. Thầy bảo: biết rồi. Nó đến nhà rồi. Mấy đứa ồ lên: đến nhà rồi??? Thầy lại bồi thêm: hình như rửa bát rồi. Trong khi tớ chả hiểu thầy nói gì, thì chúng nó lại ồ lên: ái chà, lại rửa bát rồi. Một lúc thầy bảo: đồng ý Tết này cho mấy đứa này đến nhà. Mấy đưa mừng rỡ ra mặt. (tớ đã dần hiểu ra. Được đến nhà thầy, được thầy tiếp ở nhà là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi. Wao, sang trảnh ghê ta). Thầy tiếp: Tết đến rửa bát. Mức độ rạng rỡ lại tăng thêm 1 mức. Các bạn giải thích: chúng tớ thân với thầy lắm. Tớ cũng cảm nhận được sự thân thiết qua câu chuyện. Nhưng xuyên suốt qua câu chuyện, bên cạnh sự thân thiết vẫn phảng phất chất “sang trảnh”. Lúc quay về bàn, chúng nó bảo: ở hóa ra là thầy cũng biết chị đấy. Tớ bảo: thầy nói phét đấy. Thầy chẳng biết tớ là ai đâu.
Ngồi nhậu, câu chuyện rôm rả. KTS Hoàng Phương thì chăm chú, say sưa nói về rau sạch, thực phẩm sạch. Bạn í hỏi từng người đã mua rau sạch chưa. Nghe bạn í nói tớ bảo: bạn mà nói thì ông Đặng Kim Sơn chắc cũng phải chịu thua. (ông ĐKS này cũng có nhiều chuyện hay lắm). Bạn í nói luôn: ông ĐKS thì chỉ nói thôi chứ chẳng làm được gì. (tớ nghĩ, được gì thì tớ không biết, nhưng khả năng đi buôn chắc cũng ngang ngửa một số người ở đây). Nghe bạn nói về rau sạch một hồi, tớ có cảm giác đang ngồi nghe bán hàng đa cấp. Và lúc ăn xong, ra về, mỗi thực khách được tặng một túi bắp cải, sản phẩm sạch. (tài buôn có kém ai đâu).
Đang ngồi nhậu thì thầy lại đi sang bàn bên này để giao lưu. Thầy giới thiệu người ngồi vị trí giữa bàn là chủ quán, và là học trò của thầy. ha ha, ngạc nhiên chưa. Quả đúng là hội tụ anh tài. Quả là thầy biết tìm trò, và trò biết tìm thầy. Thế này thì thiên hạ làm sao mà địch nổi.
Ra về, mấy đứa con gái rất hả hê, được một ngày đi buôn vui vẻ, lại có bắp cải mang về.
Một ngày với bao nhiêu là cảm xúc.
(các bạn gái nếu có gì không đồng ý, không tán thành với những suy nghĩ, bình luận linh tinh của tớ thì cũng bỏ quá nhé. Chỉ là những suy nghĩ vớ vẩn thôi, chỉ buôn thôi mà. Tớ rất thích buôn, và rất mến mộ những người buôn giỏi)
HN 4/1/2016

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?