Thủy điện 4. Gây lũ thế nào?

Có thể người ta phân biệt bằng quy mô sản xuất điện (bao nhiêu mê). Nhưng tôi thấy dễ hiểu nhất là phân biệt bằng khả năng điều tiết lũ. Vì quy mô càng lớn càng phải điều tiết được lũ. Nếu không, lúc nó xả thì… chết cả nút. Vậy thủy điện vừa và nhỏ không có chức năng điều tiết lũ? Đúng thế. Các nhà máy thủy điện vửa và nhỏ chỉ tích nước trong ngày. Tức là chỉ tích nước ở mức thấp và xả luôn để quay tuốc bin phát điện. Bên cạnh đó, các nhà máy này đều có dòng chảy bình thường. Cứ google bất kỳ nhà máy nào loại này là các bạn hiểu ngay. Nó đều có một bên là các cửa van giữ nước (và xả nước khi lũ), một bên là đường nước chảy thường. Hàng ngày, khi không phát điện thì họ cho nước chảy theo lối bình thường (những nhà máy này chỉ phát điện có lúc chứ không phát điện 24/24). Khi có lũ thì họ mở hết van để xả toàn bộ. Vì sao phải xả toàn bộ? Vì không xả thì nước dâng lên, ngấm hết ra xung quanh, đất xung quanh mềm ra, cộng áp lực nước thì… vỡ đập. Thực ra vỡ đập thì chỉ nhà máy thiệt hại chứ lũ chả ảnh hưởng. Vì đập có tạo ra thêm giọt nước nào đâu. Đến đây thì chắc mọi người hiểu lý do vì sao không xả rồi lại xả rồi. Vì lợi nhuận. Đó là lời người trong cuộc nói đấy.
Chuyện mấy cái chậu hứng nước của bác @ca vu thanh thì thế này. Đúng là đập chẳng tạo ra thêm giọt nước nào. Nhưng cái chìa khóa ở đây là thời điểm. Một người dân bình thường nào cũng hiểu rằng cũng từng đó nước, nếu rải kéo dài thời gian ra thì chẳng bao giờ có lũ. Chết một nỗi là nó lại trút liên tục trong thời gian ngắn. Đến đây thì chúng ta đã hiểu tác dụng của mấy cái chậu rồi. Đã mưa to thì chớ, mấy cái chậu lại cứ trêu ngươi. Tích nước cho đầy chậu rồi rủ nhau cùng hô: Một, Hai, Ba… đổ nào. Thế thì có mà chạy lên dời cũng không thoát khỏi lũ. Đó là lũ chồng lũ đấy ạ.
Vậy tại sao khi sắp có lũ về họ không xả trước đi, còn tích vào mấy cái chậu làm gì? Chúng ta phải hiểu rằng thủy điện là phả giữ nước. Không giữ nước, đến mùa khô thì … ăn cám à. Mỗi ngày họ sản xuất ra một vài tỷ bạc đấy. Nhỡ xả đi, sau đó lại không mưa đủ, không tích đủ cho cả mùa khô thì… Cảm giác mỗi ngày mất 1 tỷ, mọi người có biết nó thế nào không?  Thế cho nên chỉ đến khi nguy cơ bị vỡ đập thì mới phải xả thôi. Mà lúc đó thì đương nhiên là đồng loạt Một, Hai, Ba… cùng đổ. Vì đập trên mà xả thì đập dưới phải xả theo, nếu không thì vỡ đập.  Nếu chúng ta so sánh trên những đoạn sông có ít nhà máy thủy điện so với đoạn sông có nhiều nhà máy thủy điện liên hoàn thì sẽ thấy tác động liên hoàn khi họ hô Một, Hai, Ba… Thật vô phúc cho những trận mưa lớn vào thời điểm cuối mùa mưa, đầu mùa khô, khi mà đang cần tích nước mùa khô. Tai họa hơn, nếu trận mưa lớn trái mùa, vào lúc đang là mùa khô. Mọi người cứ nhớ lại những trận lũ trước đây sẽ thấy nó thường xảy ra vào mùa nào. Nếu vào đầu mùa, hoặc đang trong mùa mưa thì vai trò điều tiết lũ của thủy điện là không thể chối cãi.
Vậy sao không xả một ít thôi, rồi đóng lại để cứu miền hạ du? Tất nhiên đây là câu hỏi hơi buồn cười của người ít kinh nghiệm thôi. Chúng ta cứ thử bịt 1 ống nước đang phun ra rất mạnh xem. Cái van đập cũng thế. Nó chỉ có thể đóng lại ở dòng chảy bình thường, khi không còn áp lực nước quá mạnh thôi. Tức là đợi “về mo” thì mới đóng lại để tích nước. Đến đây thì chúng ta hiểu sự hy sinh lợi ích nếu nhà máy nào xả đúng quy trình. Họ thật có tâm. Tôi nghĩ, dân hạ lưu nên cám ơn họ và đồng hành cùng họ.
Tóm lại: chức năng của nhà máy thủy điện vừa và nhỏ là không có chức năng điều tiết lũ lớn. Nó chỉ có khả năng điều tiết mức lũ bình thường. Vấn đề ở chỗ khi lũ lớn, họ không có khả năng điều tiết, nhưng họ chỉ cần làm chậm, không xả sớm để nước có dòng chảy bình thường và tiêu hết trước khi lũ về, thì tai họa sẽ ập đến. Ai cũng biết, chỉ một vài người không muốn biết.

Hà Giang 9/11/2017

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?