Đấu tranh bất bạo động và sự phát triển của dân chủ



Có một bài nói chuyện rất hay về đấu tranh bất bạo động. Có một ý diễn giả nói đến nhưng chưa đi sâu, đó là ở đâu có bất bạo động thì ở đó dân chủ phát triển hơn là ở nơi đấu tranh bạo động. Điều này tôi đã thấy rõ ở Việt Nam. Và tôi muốn nói rõ thêm về điều này.

Việt Nam đã từng đấu tranh bạo động quá nhiều. Mấy chục năm chúng ta bạo động. Bắt đầu từ cuộc Cách mạng tháng 8, giành chính quyền, mà còn được gọi một cách hay ho là “cướp” chính quyền. Một điều thấy rõ là bạo động có thể lật đổ chính quyền cũ, thay bằng chính quyền mới. Tuy nhiên, không mang lại sự thay đổi căn bản. Thay đổi thì có, như những thay đổi sau Cách mạng tháng 8, nhưng căn bản thì chưa chắc. Bằng chứng là sau mấy chục năm đi theo hướng Cách mạng đã chỉ ra, đất nước ta lại phải cần một cuộc thay đổi mà được gọi là Đổi Mới, năm 1986. Và đến nay, sau 30 năm Đổi Mới, nhu cầu đổi mới vẫn tiếp tục tồn tại. Điều tôi muốn nói ở đây là, nếu đấu tranh bạo động, thì những người tham gia chỉ có những MONG MUỐN thay đổi, chứ SỰ THAY ĐỔI THỰC SỰ chưa hề xảy ra, chưa hề có. Đấu tranh bạo động đem lại cho những người tham gia điều kiện để họ thay đổi. Chính họ thay đổi, vận động cả xã hội thay đổi và cả giới lãnh đạo cũng thay đổi. Đây mới chính là mục đích mà các cuộc bạo động mong muốn.

Mọi người có thể không tin rằng đấu tranh bất bạo động khiến xã hội thay đổi và giới lãnh đạo thay đổi. Nhưng cứ nhìn vào thực tế Việt Nam thì ta sẽ thấy. Chẳng hạn như việc biểu tình chống Tàu. Ban đầu những người biểu tình đều bị bắt, nhưng rồi, cả xã hội nhận thức ra, và giới lãnh đạo cũng đã cứng cỏi lên trước những đòi hỏi của bọn Tàu. Chính quyền đã biết dựa vào dân trong những hoàn cảnh đối ngoại khó khăn.

Chẳng hạn như vụ chặt cây xanh. Ban đầu những người biểu tình cũng bị ngăn cản, và những hoạt động bảo vệ cây cũng bị ngăn chặn. Nhưng rồi, giới lãnh đạo cũng phải dừng lại việc chặt cây. Việc dừng là một chuyện, mà điều đáng nói là người dân thì học được cách đối thoại với chính quyền, và chính quyền thì học được cách lắng nghe người dân. Khoảng cách giữa chính quyền và dân đã gần hơn chút. Đó là những thay đổi theo hướng dân chủ.

Hoặc như vụ cá chết do Formosa. Ban đầu thì bưng bít, đánh lạc hướng dư luận là thủy chiều đỏ… Nhưng rồi, nhân dân kiên trì, bây giờ Formosa đã phải xin lỗi, và bồi thường. Chuyện bồi thường không nói đến ở đây. Cái đáng nói là có sự thay đổi. Giới lãnh đạo đã không còn tùy tiện bưng bít được nữa. Họ đã phải thay đổi, dù không muốn. Formosa đã phải xin lỗi. Đó là một thay đổi to lớn. Thay đổi đối với giới lãnh đạo và với người dân Việt Nam. Dân Việt Nam lần đầu tiên được xin lỗi. Giới lãnh đạo cũng được chứng kiến việc xin lỗi trên thực tế Việt Nam chứ không phải là ở nơi nào khác. Chính những thay đổi này là những thay đổi dân chủ.

Những kinh nghiệm trên cho thấy trong quá trình đấu tranh bất bạo động cả người dân, cả những người đấu tranh bất bạo động, cả giới lãnh đạo đã có những trải nghiệm thực tế của sự thay đổi dân chủ. Điều này, nếu đấu tranh bạo động sẽ không có được. Nếu không có những trải nghiệm thay đổi dân chủ này, nếu có thay đổi chế độ thì cả chế độ mới và người dân Việt Nam cũng không hề có kinh nghiệm, trải nghiệm về dân chủ. Đấu tranh bạo động xông vào đánh nhau, khi thắng rồi thì xây dựng chế độ mới bằng mong muốn, bằng niềm tin, chứ không có trải nghiệm thực tế. Rồi họ lại hành xử mất dân chủ như chế độ cũ mà thôi. Kinh nghiệm mấy chục năm qua cho chúng ta thấy điều đó.

Trước đây các nhà cách mạng hay nói đấu tranh là trường học cách mạng, thì nay có thể nói đấu tranh bất bạo động là trường học làm dân chủ.

HN 2/7/2016


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?