Bình đẳng là gì? Bình đẳng giới là gì?

Bình đẳng là gì? Bình đẳng giới là gì?
Tình cờ đọc được một chia sẻ rất đáng suy nghĩ về người mẹ. Có lẽ trong xã hội luôn có những cách suy nghĩ khác nhau về người mẹ. Và có lẽ ngày càng đi theo cách thứ hai được nêu ra dưới đây.
Mẹ thường nói với con: Hạnh phúc của đời con là hạnh phúc của đời mẹ. Biểu hiện lớn lao của tình mẫu tử, phải vậy không?
Vậy bất hạnh của đời con cũng là bất hạnh của mẹ?
Thế là đứa con sẽ mất mọi dũng khí để sống hết mình, hoặc ít ra giấu biệt mọi nỗi đau đớn, khổ sở, vì sợ nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ.
Những lúc nản lòng nhất, tuyệt vọng nhất con sẽ thiếu đi bờ vai của mẹ, sự bình thản của mẹ, tình yêu vô điều kiện của mẹ... những thứ cần cho con biết bao. Chỉ vì con sợ đến chết việc sẽ làm mẹ đau buồn.
Cho nên, nhưng người mẹ có lẽ nên nói với con câu khác: Hạnh phúc và bất hạnh của con chỉ là của riêng con mà thôi, không ai sống hộ con được, chia sẻ với con được, kể cả mẹ. Nhưng mà mẹ sẽ không sao, mẹ luôn được nâng đỡ bằng hạnh phúc lớn lao là đã sinh ra con trên đời này, cho nên mọi cái khác không quan trọng. Con cứ sống hết mình, trải nghiệm mọi chiều sâu cuộc sống mang đến cho mình. Bất cứ khi nào con cần và chỉ khi con cần, mẹ sẽ ở bên con, và hai mẹ con ta sẽ cùng tìm cách nào đó, để cảm nhận niềm vui của từng giây phút sống.
***
Người ta hay dùng chữ Hiếu để nói về trách nhiệm của người con đối với cha mẹ. Đó là một giá trị quan trọng của Khổng Giáo. Con cái luôn phải nghe lời, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Điều đó nên hay không, chắc nhiều người sẽ còn tranh cãi. Kính trọng, yêu thương cha mẹ là điều đương nhiên, nhưng xã hội ngày nay dần dần hiểu rằng con cái cũng có cuộc sống riêng của nó. Cha mẹ không thể áp đặt. Không thể can thiệp. Cái chính là cha mẹ - con cái tôn trọng nhau.
Người ta cứ hay dùng mỹ từ "tình mẫu tử" để nói về sự hy sinh của người mẹ, để nói về giá trị đứa con. Đó là những dấu ấn của Khổng Giáo, khi mà người phụ nữ chả có giá trị gì ngoài hy sinh, cống hiến cho chồng con. Dần dần, người phụ nữ cũng có địa vị của mình. Người phụ nữ cũng có cuộc sống của mình. Chống con là một phần quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình. Đều có quyền sống riêng cho mình. Đều có quyền sống như mình muốn. Quan trọng là yêu thương chăm sóc nhau từ cả hai phía. Chứ không phải người mẹ luôn chăm lo, quán xuyến gia đình, còn người khác coi đó là việc của mẹ. Vậy ai thường ngày chăm sóc mẹ?
Nhiều gia đình cứ phải sống Tam đại đồng đường mới là hay. Nhưng nhiều gia đình bây giờ lại lựa chọn sống riêng. Con cái lớn, lấy vợ, lấy chồng là “ra ở riêng”. Nhiều người nghĩ như thế lại hay vì đỡ làm phiền nhau. Đỡ ỷ lại vào nhau. Và người mẹ đỡ vất vả. Có lẽ điều mấu chốt ở đây là tôn trọng sự độc lập của từng người + sự quan tâm, chăm sóc từng thành viên trong gia đình. Nếu sống trong một gia đình mà mọi ý kiến của mình được mọi người tôn trọng, và mình cũng luôn tôn trọng ý kiến của người khác + mình được mọi người quan tâm và mình cũng quan tâm, chăm sóc  đến người khác,  thì dù sống chung hay sống riêng cũng đều ổn thỏa. Ở đây nó thể hiện sự BÌNH ĐẲNG. Tuy nhiên, cái việc QUAN TÂM, TÔN TRỌNG và BÌNH ĐẲNG này không phải tự nhiên mà có. Mọi người phải tự xây dựng nên nó. Và rất mất công.
HN 2/7/2016


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?