Chị gái của bố
Vừa đi gói bánh chưng cho CCT về thì được tin bác mất. Bác
đã bị đột quỵ, hôn mê từ mấy hôm rồi. Đây là lần thứ mấy bác bị rồi. Lần đầu
bác bị từ hơn chục năm trước. Lần đó bị nặng lắm, bệnh viện đã bảo về lo hậu sự.
Thế mà bác còn trụ thêm được hơn chục năm.
Ngày xưa, thời con gái, bác đã là người nuôi 2 em ăn học (là
bố và cô của mình). Đó là thời kháng chiến chống Pháp. Bố và cô mỗi người đi học
một nơi. Ông nội thì đi làm ở một nơi. Bà nội thì phải đi đi về về để tiếp tế
cho 3 người. Bác ở làng lo làm ăn để có tiền cho bố và các em. Bác đã hy sinh cả
thời con gái. Nếu bác đi lấy chồng, về nhà chồng thì “ai lo cho em, cho bố”.
Đến thời năm 54-55 bác lại phải trải qua giai đoạn Cải Cách.
Ở nhà chỉ có ông, bà, và bác. 3 người chịu đấu tố. Chẳng biết đã phải chịu những
gì. Toàn bộ thông tin về giai đoạn này chẳng bao giờ được ai trong nhà nói ra.
Chỉ có bà nội nói rằng “hiến tất, bỏ của chạy lấy người ra HN”. Còn mẹ thì nói
rằng nhà 4 người con làm “Đội” mà bố mẹ ở nhà bị đấu. May lúc đó bác cả đã có
nhà HN và bác cả đã cưu mang cả nhà. Chỉ biết rằng sau đó không bao giờ người
nhà tôi về lại quê nữa. Bà bảo rằng “căm cốt trong lòng, không về lại đó làm gì”.
Sau này suốt mấy chục năm họ hàng, và người chú ở quê đi lại, cố gắng hàn gắn, bố
mới về lại quê. Nhưng là phải đi giấu, vì bác đã dặn: “cậu không được về quê
đâu đấy nhé”. Sau này khi bà nội mất, đã có 1 đêm trắng với những câu chuyện buồn.
Những người ở quê ra, ngủ lại để chờ mai đi đưa bà. Đêm đó như là một cuốn phim
lịch sử với những điều chưa bao giờ được biết đến. Đêm đó như một đêm trắng, với
những lời chia sẻ, giãi bày, hối cải. Những người quê cảm thấy ân hận, họ nhân
dịp này ra để nói lời xin lỗi cho họ, xin lỗi cho những người không dám trực tiếp
đến xin lỗi. Những người quê tranh thủ dịp này để ra gặp. Bình thường họ sợ có
ra chơi chắc không được tiếp. Và tôi hiểu vì sao bác không tha thứ. Vì sao bác
không muốn cho bố về quê. (Không biết CCRĐ đã sai những gì, nhưng một điều chắc
chắn là nó đã tàn phá mối quan hệ xã hội, quan hệ làng xã. Nó đã tàn phá nền
văn hóa với những giá trị, những chuẩn mực.)
Đến ngoài 30 tuổi bác mới lập gia đình. Ngày đó như thế là ế
rồi. Hoàn cảnh như thế thì còn ai muốn lấy. Nhưng Ông Giời còn thương. Bác có
gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt, ngoan ngoãn, có hiếu.
Thương bác, một người phúc hậu, tần tảo. Lo toan mọi thứ cho
gia đình. Lo cho người khác trước khi nghĩ đến mình.
HN 3/2/2015
Nhận xét
Đăng nhận xét