Văn hóa “cướp”
Đầu xuân, mùa lễ hội và kèm theo nó là những tục “Cướp”. Năm
nào cũng thế. Đến hẹn lại lên. Và rồi dư luận xã hội, giới truyền thông, giới
quan chức… lại tha hồ vào cuộc tranh luận, bàn luận.
Bên cạnh những kiểu “cướp” kiểu “thời vụ” lại có những kiểu
cướp đời thường. Xảy ra bất chợt. Chẳng hạn những vụ nổi tiếng như hôi của xe
bia bị đổ, xe cam bị đổ, hôi nhãn…
Có nhiều bài viết về chuyện này. Đã có nhiều bài phân tích rất
sâu sắc trên khía cạnh tâm lý, xã hội... Hôm nay có người lại nhắc đến chuyện
này (có lẽ vì bức xúc trong mùa lễ hội) tôi xin đưa ra vài lời bình luận trên
góc độ xã hội học.
Các xã hội đều tồn tại dựa trên những chuẩn mực xã hội nhất
định. Trong đó quy định thế nào là tốt – xấu, cái gì là được phép – không được phép,
cái gì nên – không nên làm…. Mỗi xã hội, mỗi địa phương, vùng, miền đều có những
chuẩn mực riêng của mình. Mỗi con người khi lớn lên đều được giáo dục để nắm được,
và thấm nhuần tất cả những chuẩn mực này. Người nào không làm theo chuẩn mực
thì bị coi là lệch chuẩn. Lệch chuẩn chỉ có nghĩa là không theo đúng chuẩn mực,
chứ không khẳng định đó là sai hay đúng (Những cái mới, những thay đổi, thì lúc
đầu thường là lệch chuẩn).
Trong nhiều lễ hội của ta, theo truyền thống thường có mục “cướp”
thứ gì đó. Cái sự “cướp” này theo chuẩn mực văn hóa truyền thống thì nó được chấp
nhận, chứ không phải lệch chuẩn. Đến thời hiện đại, khi mọi điều kiện sống thay
đổi, những chuẩn mực văn hóa thay đổi, thì người ta không còn hiểu cái sự “cướp’
đó theo cách mà các cụ ngày xưa hiểu. Vì vậy cái sự “cướp” này được đem ra “xét
lại”. Có lẽ các nhà văn hóa dân gian sẽ cho chúng ta – những con người hiện đại
– hiểu rõ được ý nghĩa của những sự “cướp” trong lễ hội xưa. Trên cơ sở đó
chúng ta có cái nhìn có ý nghĩa hơn về sự “cướp”. Chứ thế hệ trẻ ngày nay lại
thực hành “cướp” theo cách hiểu hiện đại thì hơi khó cho lễ hội truyền thống.
Sống trong xã hội, mỗi con người đều có những vai trò nhất định.
Ở mỗi nơi, con người lại có một vai trò khác nhau. Trong gia đình thì ta là chồng/
vợ, là con, là anh/chị/em, là cô/chú… Đến trường thì ta là học sinh/ giáo viên.
Ra ngoài đường thì ta là một người tham gia giao thông. Ra chợ thì ta là người
mua hàng. Ở nơi làm việc thì ta là sếp/ nhân viên… Như vậy, cùng một người
nhưng ở những nơi khác nhau thì ta có vai trò khác nhau. Gắn với mỗi vai trò, xã
hội đều có những chuẩn mực cụ thể để ta tuân theo. Khi ở vai trò vợ/chồng, cha
mẹ/ con … thì ta đều phải tuân theo những chuẩn mực của từng vai trò đó.
Đi kèm với từng vai trò là những chuẩn mực riêng yêu cầu phải
tuân thủ. Nếu không tuân thủ đúng chuẩn mực sẽ bị phán xét, bị trừng phạt. Chuẩn
mực là một công cụ xã hội dùng để kiểm soát hành vi con người. Con người sẽ sợ
bị phán xét, bị trừng phạt. Vì vậy nó có tính răn đe. Ngoài ra, con người có xu
hướng tuân theo chuẩn mực để khẳng định danh dự, tư cách cá nhân.
Khi con người không chịu sự kiểm soát hành vi thì có xu hướng
hành vi tự do. Có người nói con người ta tự do nhất, thể hiện đúng bản chất là
mình nhất là ở trong buồng tắm và trên giường ngủ. Đó là nơi mà không có con mắt
nào dòm ngó, phán xét, ngoài bản thân mình.
Xã hội đô thị hiện đại khác với xã hội nông thôn truyền thống
ở chỗ nó có chỗ cho tự do cá nhân. Nếu ở trong làng xã truyền thống, dù ở trong
nhà hay đi ra đường, ai cũng biết ai. Sự quen biết này có tác dụng giám sát
hành vi. Nhưng ở xã hội đô thị, ra đường hầu như ta không hoặc ít gặp người
quen. Ở giữa những người xa lạ, ta có một chút tự do hơn, không chịu sự phán
xét trực tiếp. Đó là điều kiện để ta có dịp có hành vi lệch chuẩn mà không sợ bị
phán xét. Hơn nữa, ở giữa những người xa lạ, ta cũng có xu hướng phán xét ít hơn
là trong cộng đồng quen biết. Nghĩa là khi ra đường, ở giữa những người xa lạ,
ta ít chịu áp lực hơn, và cũng dễ tính hơn.
Khi ở giữa đám đông, đặc biệt đám đông xa lạ, thì thì con
người sẽ không còn những vai trò cụ thể nữa (không là chồng/ vợ, cha mẹ/ con
cái, thầy/ trò…) mà chỉ còn là những cá nhân xã hội như nhau. Đồng thời, ở giữa
đám đông cũng sẽ lu mờ sự kiểm soát của chuẩn mực xã hội. Lúc đó, hành vi sẽ được
tự do hơn. Tự do như khi ta ở trong buồng tắm. Lúc đó hành vi bản năng sẽ được
bộc lộ tự do hơn. Và nếu ở đây có hội chứng đám đông thì hội chứng đó sẽ giữ
vai trò chi phối hành vi tập thể.
Quay lại chuyện cướp ở đám đông. Đó là nơi mà không còn vai
trò và chuẩn mực cho mỗi cá nhân. Không còn sự kiểm soát của vai trò và chuẩn mực
xã hội. Cộng thêm với hành vi “cướp” đó không bị văn hóa truyền thống lên án.
Nó chỉ còn là hành vị bản năng, và hành vi đám đông, chịu ảnh hưởng của tình cảm
bột phát. Trong trường hợp này, những người đứng ngoài mà không tham gia “cướp”
tập thể là những người mà bản năng họ không cho phép họ tham gia “cướp”.
Có người nói rằng: người ta không làm những việc sai trái là
vì: không thể - không dám – không muốn – không nỡ.
Không thể vì họ bị kiểm soát. Kiểm soát bởi chuẩn mực, bởi
dư luận, bởi cơ quan, bởi công an, cảnh sát…
Không dám vì họ sợ bị trừng phạt. Sự trừng phạt của dư luận xã
hội, của luật pháp…
Không muốn vì họ tôn trọng chuẩn mực, họ không muốn có hành
vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức…
Không nỡ vì họ có lòng nhân ái, nhân từ, vì họ sợ đối diện với
chính bản thân mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét