Chuyện đánh vợ và chuyện bình đẳng

Đánh vợ là chuyện không phải là hiếm ở Việt Nam. Người ta thấy nó xảy ra hàng ngày ở xung quanh, hoặc nghe người này người kia kể. Nó trở thành điều “dễ chấp nhận”. Với người trong cuộc thì chấp nhận, an phận, với người ngoài thì cho là chuyện bình thường.
Giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi là điều khó, đặc biệt với người lớn. Nhưng giáo dục cho trẻ con thì sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ nói lý thuyết, nói bằng lời nói thì cũng chưa đủ. Cần phải có những hành động cụ thể nữa. Nhiều khi trẻ con biết chắc chắn là không được đánh vợ. Nhưng khi ở vào hoàn cảnh cụ thể, khi bị áp đảo thì lại không biết phải ứng xử thế nào. Và cứ bị chịu trận, cứ bị ấm ức mà không biết phải làm sao thoát ra khỏi hoàn cảnh đó. Vì thế trang bị kỹ năng là rất cần thiết. Tôi xin chia sẻ chút kinh nghiệm của tôi.
Tôi lớn lên trong gia đình mà từ ông bà nội ngoại cho đến bố mẹ, cô gì, chú bác… đều phản đổi việc đánh vợ. Quan niệm này đã ăn sâu vào trong đầu tất cả bọn trẻ con nhà tôi. Không đứa trẻ nào trong nhà tôi mà lại chấp nhận chuyện đánh vợ. Không chỉ có thế, bọn trẻ còn được chứng kiến những cách thức chống lại việc đánh vợ. Đó là những hành trang, là kỹ năng cho bọn trẻ sau này. Chẳng hạn, nghe nói ở đâu có đánh vợ là ông bà đã lên tiếng ngay. Không chỉ là phản đối mà còn đặt ra những tìnhh huống nếu nó như thế này thì vợ sẽ phải như thế nào… Rồi có nhiều sự kiện cụ thể mà trẻ con có thể học được cách ứng xử. Khi gặp chuyện đánh nhau ở xung quanh hàng xóm, trẻ con đánh nhau, bố mẹ đánh con, chồng đánh vợ… ông bà tôi luôn luôn sang can thiệp. Ông bà luôn ngăn cản, luôn mắng hành vi đánh người. Kết quả là bọn trẻ con nhà tôi luôn đinh ninh trong đầu rằng chuyện đánh vợ là không chấp nhận được. Rằng nếu phải tay mình thì bọn đánh vợ, đánh con sẽ ra tóp.
Khi tôi đi lấy chồng, tình cờ làm sao lại vào một gia đình có hành vi đánh vợ, đánh con. Hi hi, đó là điều quá ngạc nhiên, có nằm mơ tôi cũng không thể nghĩ được đó là sự thật. Chuyện xảy ra thế này. Sau khi cưới một thời gian, vợ chồng tôi cãi nhau, và ông chồng đã “vô tình” tát tôi 1 cái. Quá ngạc nhiên đến mức không thể tưởng tượng được. Quá tức giận đến mức không tưởng tượng được. Lập tức tôi túm cổ áo anh chồng giật lại. Anh chồng lúc đó cũng ngạc nhiên không kém. Chắc anh sẽ hình dung là tôi sẽ khóc lóc, sẽ sướt mướt, hoặc sẽ mách bố mẹ… Nhưng tôi đã 1 tay túm cổ áo giật lại, 1 tay chỉ vào mặt chồng mà tuyên bố: anh nhìn lại mặt tôi nhé. Từ giờ trở đi, ở nhà này, chỉ có tôi đánh anh chứ không có chuyện anh đánh tôi đâu nhé! Sau đó tôi buông tay giữ cổ áo, phủi tay, nguẩy đít bỏ đi. Không thèm khóc lóc. Tôi còn ném lại 1 câu: nếu anh làm tôi thất vọng, tôi sẽ bỏ anh.
Lần khác, đứa cháu con ông anh chồng, chạy vào nhà khóc lóc mách: bố đánh mẹ. Tôi nhìn bố mẹ chồng, rồi nhìn chồng, tất cả đều ngồi im lặng. Cứ như là không nghe thấy gì. Quá ngạc nhiên. Quá ngỡ ngàng với cách cư xử của nhà chồng. Quá phẫn nộ với hành vi đánh vợ. Tôi một mình đùng đùng đi xuống nhà ông anh chồng. Tôi xô cửa, xông vào nhà, không nói không rằng. Thực ra lúc đó tôi ngỡ ngàng quá và không biết phải làm gì, phải nói gì. Tôi cứ chắp tay sau đít, đi lại trong nhà như chốn không người. Tôi đi vào, nhìn chõ vào mặt cô vợ đang khóc thút thít ở trong phòng ngủ. Rồi lại chắp tay sau đít đi ra nhìn chõ vào mặt anh chồng đang ngồi bó gối, im lặng ở ngoài bàn nước. Tôi tự pha cho mình ấm nước, tự rót cho mình chén nước, tự uống mà không mời 2 vị chủ nhà. Uống xong, lại chắp tay sau đít, lại đi 1 vòng, lại nhìn chõ vào mặt từng vị một. Rồi nguẩy đít đi về. Sau đó không bao giờ nghe con bé kể bố đánh mẹ nữa.
Còn chuyện đánh trẻ con cũng tương tự. Ông bố chồng thường xuyên đánh con, đánh cháu. Đánh đập giã man chứ không phải chỉ là đánh răn đe để dạy bảo. Tôi cũng thể hiện thái độ rõ ràng. Cứ chắp tay sau đít đứng “chứng kiến”, nhìn chõ vào mặt bố chồng khi ông đánh cháu nội, con các ông anh. Đến lượt con tôi thì tôi xông vào “cướp” mang con đi. Về sau hàng xóm bảo: từ ngày cô về ông ít đánh trẻ con. Cô không biết chứ, hồi chưa cưới cô về ông hay đánh bà. Từ ngày có cô về, tôi không thấy ông đánh bà nữa.
Đấy là chuyện đánh vợ, còn chuyện việc nhà thì tôi lại không có kinh nghiệm gì. Tôi lớn lên trong gia đình mà mặc dù phụ nữ chăm lo quán xuyến mọi việc trong nhà nhưng đàn ông cũng tự giác chia sẻ việc nhà. Mọi người cứ ý tứ, nhìn nhau mà làm, không cần nhắc nhở. Nếu phải nhắc nhở sẽ bị đánh giá là không có ý tứ, là kém ý thức. Tôi coi chuyện chia sẽ việc nhà là đương nhiên, là bình thường. Nhưng khi về nhà chồng, việc nhà là của phụ nữ, và đàn ông không chia sẻ gì. Tôi thấy quá bất công, nhưng tôi lại không biết phải làm thế nào để thuyết phục được đàn ông chia sẻ. Trong khi đó, 2 cô chị dâu thì lại tỏ ra rất có “năng khiếu” trong việc thuyết phục chồng trợ giúp việc nhà. Nhìn họ “thành công” trong việc thu hút chồng con vào việc nhà mà tôi thấy thèm. Và tôi cứ phải học hỏi từ họ. Nó đòi hỏi sự kiên trì ghê gớm.
Chị em phụ nữ cứ phải học hỏi và trang bị cho mình nhiều kỹ năng đối phó với đủ loại bất bình đẳng của đàn ông. 
HN 5/3/2015



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?