Đất nước sắp có sự thay đổi?


Bác Kiểng nói về sự thay đổi to lớn qua chuyến đi của NPT. Điều đó là đúng. Nó không thể hiện ở nghi thức trọng thị, mà nó thể hiện ở sự hài lòng toát ra từ cả 2 bên Việt Nam – Mỹ.
Bác Kiểng nói về sự nhượng bộ. Đó là điều mà nhiều người đoán. Nhượng bộ từ phía Mỹ, không chỉ là không quá nhấn mạnh vào nhân quyền, tôn giáo, mà còn là tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Nhượng bộ từ phía Việt Nam là gì thì chưa ai biết, chỉ là những phán đoán. Có thể là mấy nội dung về tự do (hội họp, bầu cử, ngôn luận…). Cũng có người nghĩ đến những vị trí quan trọng trên biển và cảng… tóm lại là phán đoán, có thể đúng/ sai.
Bác Kiểng nói về sự lo ngại về vị trí của Tàu đã giảm đi vì Tàu có nguy cơ suy sụp. Nhưng cũng có những người suy đoán rằng nguy cơ mất nước, nguy cơ nô lệ Tàu trở thành nguy cơ ngày càng mạnh mẽ. Điều đó khiến Việt Nam xích lại phía Mỹ.
Theo tôi, nhận định này của bác Kiểng hoàn toàn đúng. (Điều này đã được nói rất rõ trên các chương trình TV): “Theo nhận xét của tôi trong ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản có một sự đồng thuận lớn về mặt lập trường, về mặt chính sách đối ngoại. Họ đều đồng ý Trung Quốc là một nước bá quyền, một thế lực bá quyền xâm lược, và giao thiệp với Trung Quốc là có hại. Ngược lại họ cũng đều nghĩ rằng liên hệ, hợp tác với Hoa Kỳ là có lợi cho đất nước. Nhưng họ đều đồng ý với nhau là không nên quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ mà nên quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để giữ nguyên chế độ. Về điểm này không có gì khác biệt cả.”
Nhưng tôi nghĩ bác Kiểng chưa hiểu rõ Việt Nam lắm trong nhận định này: “Nếu có việc Việt Nam đi sáp lại với Hoa Kỳ và các nước dân chủ và phải chấp nhận luật chơi dân chủ thì chúng ta có thể đánh cuộc Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể bị xóa bỏ ngay trong cuộc bầu cử đầu tiên.” Để giải thích, bàn luận cho điều này thì rất dài dòng và cần có bài riêng. Nói ngắn gọn là: 1) gần 70% dân số Việt Nam là nông dân, sống ở nông thôn. Nhận thức của họ còn quá ít ỏi, và họ có nỗi sợ lâu ngày để họ dám quyết định không bầu cho ĐCS. 2) Toàn bộ năng lực tinh túy, có kỹ năng quản trị xã hội, quản lý nhà nước hiện nay đều nằm trong ĐCS. Chưa có 1 lực lượng chính trị nào khác có được đội ngũ đông đảo để đảm đương nhiệm vụ quản lý nhà nước. Có chăng thì chỉ là một vài lực lượng mới nổi, nhỏ bé nào đó, đứng ra chia sẻ một chút ít quyền lực với ĐCS. Nếu được như thế thì cũng đã là ghê gớm lắm rồi. Bởi vì theo thời gian, lực lượng đó sẽ lớn dần. (nếu có thay đổi đột ngột, và quá sớm, khi lực lượng mới chưa đủ năng lực quản lý nhà nước, lúc đó sẽ dẫn đến thảm họa: xã hội hỗn loạn, kinh tế suy thoái, chính trị bất ổn… Kết quả là bao công sức cho sự thay đổi sẽ mất toi vì sụp đổ lòng tin.) 3) Và điều này mới là quan trọng: thay đổi nhận thức của toàn xã hội. Để có được điều đó, cần có thời gian. Hiện nay tất cả các nỗ lực của các xu hướng xã hội đang dồn vào việc chuẩn bị cho những sự thay đổi trong quản trị xã hội, và thay đổi nhận thức xã hội. 2 điều này cộng lại sẽ đem đến những thay đổi căn bản. Đó mới là thứ đem lại sự phát triển, phồn vinh, và sự độc lập cho Việt Nam, chứ không phải là dựa vào Mỹ hay Tàu. Và các nỗ lực hiện nay ở Việt Nam theo tôi quan sát là vì một sự phát triển và thay đổi, không quan trọng là ĐCS lãnh đạo hay không. Có nghĩa là, không chỉ Mỹ, và Việt Nam thay đổi để chấp nhận các điều kiện của nhau, mà các xu hướng trong nước cũng coi sự phát triển của đất nước quan trọng hơn là thể chế chính trị. Và theo tôi, không tạo ra sự đối đầu (phản biện chứ không đổi đầu) với ĐCS là một điều đáng mừng. Nó tránh được những xung đột lớn, không đáng có.
Nhận định này tôi nghĩ cũng không hợp lý: “Có vẻ lúc này lực lượng dân chủ đi sau sự chín muồi của xã hội. Xã hội Việt Nam mặc dầu đã chín muồi cho một cuộc chuyển hóa về dân chủ, nhưng lực lượng đối lập còn kém, số người nhập cuộc còn ít, không những thế còn có sự phân tán.” Như trên đã nói, tôi cho rằng Việt Nam đang thay đổi, nhưng không không thể nói là xã hội đã chín muồi cho một cuộc chuyển hóa về DC. Ở đây có lẽ sẽ bị đụng chạm đến các quan niệm. Thế nào là chín muồi, thế nào là lực lượng đối lập. Có thể nhiều người vẫn có cái nhìn theo kiểu các cuộc cách mạng màu, cách mạng nhung, hay mùa xuân… Có nhiều ý kiến về sự thành/ bại của những cuộc cách mạng đó. Tôi cho rằng, Việt Nam là một thứ khác hẳn. Việt Nam sẽ KHÔNG CÓ CUỘC CÁCH MẠNG. Mà Việt Nam SẼ CÓ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI. Ý của tôi là sự thay đổi của Việt Nam sẽ không phải là 1 sự kiện, đó là một QUÁ TRÌNH. Quá trình đó đã bắt đầu, và đang tiến triển rất tốt đẹp. Với rất nhiều thuận lợi về các điều kiện trong và ngoài nước, và trên thế giới. Đúng ra thì phải nói là sẽ không có cơ hội đối với người không chuẩn bị đón cơ hội, và cơ hội sẽ đến với người biết tạo ra cơ hội. Câu này đang đúng với Việt Nam hiện nay. Và một tương lai tốt đẹp chắc chắn sẽ đến cho QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI của Việt Nam. 
Điều này, theo quan sát của tôi, hoàn toàn trùng với quan điểm của các xu hướng trong nước: “những phương thức đấu tranh cần có để giành thắng lợi cho phe dân chủ và những nét chính để quản lý giai đoạn chuyển tiếp, vì điều tất cả mọi người Việt Nam hôm nay đều phải đồng ý là phải chuyển hóa đất nước từ độc tài sang dân chủ một cách hòa bình, trong tình tự dân tộc và trong tinh thần hòa giải dân tộc.Cuộc chuyển hóa này phải gắn bó mọi người Việt Nam với nhau chứ không thể gây ra những đổ vỡ mới”

HN 18/7/2015

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?