Câu huyện tượng đài và quyền có tiếng nói của người dân
Chuyện tượng đài
chỉ là “giọt nước tràn ly”. Trong thời gian vừa qua, truyền thông, báo chí đã
đưa nhiều tin, bài về những công trình lớn, kinh phí khủng nhưng không đưa vào
sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả như bào tàng, tượng đài, chùa chiền… Liệu cứ
đà này thì những công trình to lớn sẽ to đến đâu? Liệu việc “phổ cập” những
công trình này sẽ đi đến đâu?
Nhiều người cứ
nói chuyện tượng đài NÊN – KHÔNG NÊN. Xưa nay ở mình vẫn quen thói xin –cho,
hay nói đúng hơn là áp đặt. Vậy quyền của người dân ở đâu? Chuyện văn hóa, tâm
linh, tấm lòng, tình cảm thì phải hỏi dân chứ.
Chuyện sử dụng tiền của dân thì phải hỏi dân chứ. Vậy ai đó nói nên –
không nên, hoặc quyết định làm tượng thì dựa vào đâu? Lấy tư cách gì để quyết định?
Tượng đài là một
nhu cầu về văn hóa. Bên Tây có, bên ta có. Nếu tượng đài là nhu cầu về văn hóa
thì nên làm theo hướng “xã hội hóa”, với sự tham gia tự nguyện của dân về đóng
góp kinh phí cũng như tham gia vào thiết kế mỹ thuật. Nó tương tự như việc xây
dựng chùa chiền, cơ sở văn hóa địa phương… Việc này một mặt tạo điều kiện cho
người dân tham gia tỏ lòng thành, mặt khác tạo điều kiện thể hiện đúng theo
nguyện vọng của văn hóa địa phương. Có ý kiến cho rằng nhà nước vẫn phải đầu
tư. Nhưng chúng ta biết rằng, từ lâu kinh tế Việt Nam đã là nền kinh tế nhiều
thành phần. Các lĩnh vực của kinh tế Việt Nam đều đã có sự tham gia của thành
phần tư nhân. Vậy công trình văn hóa, có gì là ngoại lệ? Công trình văn hóa do
tư nhân đầu tư, xây dựng đã trở thành phổ biến và bình thường. Nếu nhà nước có
tham gia thì sẽ bình đẳng như những thành viên khác. Một vấn đề khiến nhiều người
e ngại là xã hội hòa nhưng không tình nguyện. Mọi người e ngại là mang danh xã
hội hóa nhưng vẫn chịu sự áp đặt, quy định, hoặc áp “chỉ tiêu” đóng góp. Ngày
xưa Bác Hồ đã có câu chuyện “bắt lính tình nguyện”. Thực tế, chuyện này không
phải là không thể xảy ra. Tuy nhiên, để tránh chuyện “bắt tình nguyện” thì vai
trò của truyền thông, của công khai, minh bạch là rất quan trọng. Và người dân
phải được tham vấn, được có tiếng nói quyết định.
Với những công
trình lớn, theo quy định của nhà nước, đều cần có đánh giá tác động môi trường.
Trong đó có việc tham vấn người dân. Tùy theo quy mô công trình mà mức độ tham
vấn rộng đến đâu, cấp địa phương, cấp vùng hay cấp cả nước. Trên thực tế, việc
tham vấn cộng đồng trong các đánh giá tác động môi trường đã không được thực hiện
đầy đủ. Nếu có sự tham vấn đầy đủ thì chắc sẽ không xảy ra tình trạng ý kiến dư
luận phản đối ầm ầm như trường hợp Sơn La.
Với những công
trình công cộng, đặc biệt lấy nguồn kinh phí nhà nước, cần thực hiện công khai,
minh bạch về tài chính, quy trình xét duyệt, và quá trình thực hiện… Những nguy
cơ hiện nay xã hội quan tâm ở đây là chuyện thất thoát. Quả thật chuyện thất
thoát là vấn nạn ở Việt Nam. Và nó không loại trừ lĩnh vực tâm linh và tượng
đài. Công khai, minh bạch sẽ là giải pháp để giảm bớt nguy cơ này.
Chuyện công
trình văn hóa, và tượng đài còn một vấn đề là “tức nhau tiếng gáy”. Tỉnh mình,
địa phương mình phải có công trình to hơn, hoành tráng hơn. Mình phải nhất. Nếu
việc này được tham vấn, và do người dân tự thảo luận và đưa ra quyết định thì sẽ
giảm được sự tùy hứng. Người dân bỏ tièn đóng góp thì họ biết họ muốn gì.
Việt Nam ta có
truyền thống làm tượng để thờ (tượng Phật, tượng Thánh) chứ mục đích chính không
phải là tượng nghệ thuật. Điều đó gắn liền với văn hóa tôn thờ, và sùng bái cá
nhân. Tôn thờ, tôn giáo thì không có gì xấu, nhưng sùng bái cá nhân là điều đã
bị thế giới phê phán, vì nó để lại những hệ lụy không hay cho sự phát triển xã
hội. Vì vậy khi làm tượng đài cũng nên lưu ý đến điều này.
Tóm lại, tượng
đài, cũng như những công trình công cộng khác, đều cần có đánh giá tác động môi
trường, và tham vấn cộng đồng. Cần có sự tham gia của người dân. Đồng thời, để
tránh thất thoát, cần công khai, minh bạch.
HN 11/8/2015
Nhận xét
Đăng nhận xét