Cải cách giáo dục và làm ăn chuyên nghiệp


Mấy hôm nay Bộ Dục đã trình diễn một trận đánh ngoạn mục. Kết quả là tất cả những người tham gia: cha mẹ, thí sinh, và các ban tuyển sinh đều… tan tành.
Hôm qua PTT Vũ Đức Đam nói rằng đây là cải tiến, mặc dù đã suy tính kỹ để tránh những bất cập nhưng thực tế vẫn nhiều bất cập quá. Các bác Bộ Dục đều nói là không lường hết được phức tạp của thực tế. Một bác bênh Bộ Dục nói rằng “Cải cách giáo dục không phải là trông rau”. Vâng, không phải là trồng rau, nhưng thí sinh và phụ huynh cũng không phải là chuột bạch.
Nếu bình tĩnh, xem xét kỹ thì đây là một điểm yếu, một điểm yếu chí cốt của không chỉ ngành Dục mà còn chung cho tất cả các ngành ở xứ ta. Ý tưởng nhiều khi là tốt. Nhưng từ ý tưởng đến thực tế là một con đường dài. Không chỉ dài mà còn đau khổ nữa. Cứ nghĩ ra ý gì hay là một phát đưa ra thực hiện thì … ốm mất. Nói thế, không có nghĩa là cứ có ý là đem ra thực hiện được ngay đâu. Còn đem ra xét duyệt còn chán. Trải qua bao nhiêu cấp duyệt ấy chứ. Vì có duyệt thì mới có kinh phí chứ. Mà kinh phí mới là mấu chốt, phỏng. Không có kinh phí thì còn làm được giề, còn có ý nghĩa giề (tôi nói thế chắc nhiều người hiểu). Vậy thì, trải qua bấy nhiêu công đoạn xem xét, xét duyệt mà khi đưa vào áp dụng nó lại ra nông nỗi này. Đau thế! Tương tự với tình trạng này là câu chuyện vỡ đường ống nước sông Đà và chuyện mất nước ở đang làm dân Hà Nội sục sôi không kém chuyện tuyển sinh. Vấn đề là trình của ta còn kém quá. Từ ý tưởng, chủ trương đến đi vào thực tế, con đường đầy bất trắc, đầy cạm bẫy, đầy rủi ro. Các nhà quản lý, các nhà làm chính sách còn non, chưa chuyên nghiệp. Những cái tai nạn vỡ mặt này không thể đổ tại thằng thực hiện được. Đó phải là trách nhiệm, là năng lực của các vị quản lý, ra chính sách. Các bác đã không đưa được ra những giải pháp để ngăn chặn, để tránh những tai nạn, rủi ro. Tóm lại là các bác không chuyên nghiệp.
Tất nhiên, các nhà quản lý không phải là thiên tài, không phải là Khổng Minh dự đoán trước mọi thứ. Cách làm là phải có nghiên cứu trước. Chắc là trong quy trình cũng đã có nghiên cứu, có đề án để tư vấn cho các bác quản lý rồi. Nhưng trong trường hợp này các nhà nghiên cứu làm quân sư quạt mo, đã cho toàn dân chứng kiến trận đánh lớn tan tành. Đúng là ăn quả đắng. Ha ha, cuối cùng cũng tìm ra lỗi của thằng … đánh máy. Các nhà quản lý cần xem lại năng lực của đội quân sư quạt mo của mình. Và cũng cần xem lại năng lực của chính mình. Thằng quân sư nó bảo gì mình cũng nghe chắc. Trong đầu mình cũng có não cơ mà.
Chỉ cần cho tập trận giả, trước khi đánh trận lớn là biết ngay thôi. Cần có những cuộc nghiên cứu khảo sát trước khi ra quyết định. Cần đi hỏi các trường, rồi hỏi thí sinh, hỏi phụ huynh. Mời tất cả họ tham gia trận giả thì biết ngay họ có hào hứng với trò chơi sàn chứng khoán của mình không. Và sau khi trận đánh lớn bị vỡ trận thì cần mời những ông tướng, và những ông quân sư đến để hỏi xem các ông đã làm gì đến nông nỗi này. Cứ trách nhiệm tập thể, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm cả thì hỏng.
Có bác trích lời của Roosevelt “Đôi khi, điều tốt nhất ta có thể làm là quyết định đúng, điều gần như tốt nhất là quyết định sai, và điều tệ nhất là chẳng làm gì cả”. Và bác HIệu Minh phản hồi rằng, “nếu làm sai nhiều hơn đúng thì điều tốt nhất là đừng làm gì cả. Biết sai mà vẫn cố làm thì đó là sự phá hoại nhất là trong sự nghiệp trồng người”. Tất nhiên là bác Hiệu Minh giận mà nói thế thôi, chứ “ngồi im toàn thắng ắt về ta” chỉ là câu nói đùa của Café + thôi.
Vậy là Trận đánh này là bộ mặt thật, là năng lực thật của chúng ta. Mọi người có bức xúc thì cũng là để thấy sai mà sửa. Chứ không lẽ lại phải khen, và tô hồng. Thế là ta có được bài học. Rút kinh nghiệm lần sau chịu khó tập trận giả kỹ vào trước khi đánh thật.
 Bác Luận hãy thể hiện năng lực, và bản lĩnh của bác đi!
Xin lỗi là việc quan trọng để thể hiện bản lĩnh và lòng tự trọng. Nhưng điều quan trọng hơn là sửa chữa. Nếu không có giải pháp sửa chữa thì xin lỗi cũng chẳng để làm gì.
Người dân cần những giải pháp kịp thời để giải quyết ngay những vấn đề xã hội đang đặt ra. Tương lai của hàng vạn thí sinh, cuộc đời của hàng vạn thanh niên, và cuộc sống của hàng vạn gia đình đấy, bác Luận ạ.


HN 20/8/2015

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Rượu lược vàng chữa nhiệt miệng hiệu nghiệm