Dùng Facebook để nói xấu Đảng Nhà nước cần phải bị nghiêm trị
Ông Bộ trưởng
này không nắm được luật rồi. Có luật nào quy định xử phạt hành vi "nói
xấu" ko? Ông lấy tư cách gì mà đòi "nghiêm trị"? (quen thói bịt
mồm người ta). Mà tại sao lại phải sợ bị nói xấu? Chỉ có Thị Nở mới sợ, chứ Hoa
Hậu thì chả sợ bị nói xấu. Mà có khi Thị Nở cũng chả sợ, vì đằng nào thì cả
làng Vũ Đại cũng biết hết rồi.
Ông Bộ trưởng
lại còn dại ở chỗ ông ấy cứ tưởng việc của Bộ là đi quản mấy cái thông tin nói
xấu. Cứ phải ban hành Nghị định nọ kia để quản. Ô hô, Chỉ cần đơn giản là yêu
cầu thông tin chính xác, ko sai lệch. (he he, cái này khó à nha, e rằng cả lề
phải cũng khó theo đó nha). Nếu đưa tin không đúng thì xử phạt. Còn Fb nó nói
gì ông cứ mặc kệ nó đi cho nó thoải con gà mái.
HN 24/8/2016
Theo Bộ trưởng Bộ
TT&TT, mọi người đều có quyền tham gia Facebook, nhưng nếu dùng Facebook để
bôi xấu, vi phạm quyền tự do của người khác, nói xấu Đảng, Nhà nước thì cần
phải bị nghiêm trị.
Quan điểm này
được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ với báo chí bên lề hành lang Quốc hội,
sau phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật An toàn thông tin.
Theo Bộ trưởng
Nguyễn Bắc Son, khi xây dựng Luật An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền
thông đã bám sát chỉ đạo và Nghị quyết của Quốc hội, nhưng trong quá trình xây
dựng thì thấy phát sinh thông tin hiện nay khá rộng: thông tin trên bản giấy,
thông tin trên mạng… Chính vì phạm vi quá rộng nên khi thẩm tra Uỷ ban thường
vụ Quốc hội và các ĐBQH thấy rằng, nên thu hẹp lại an toàn thông tin trên mạng.
Mong muốn của
các ĐBQH khi luật ra đời phải giải quyết được tất cả các vấn đề trên mạng đang
phức tạp: tin nhắn rác, thông tin mất an toàn, an ninh… Đây là mong muốn hoàn
toàn chính đáng. Luật An toàn thông tin (ATTT) ra đời kỳ vọng sẽ giải quyết
được một số vấn đề nội dung trong đảm bảo an toàn thông tin chứ khó có thể giải
quyết hết được những gì đang mong muốn. Nhưng dù sao chúng ta vẫn phải làm và
đây là thách thức lớn với cơ quan soạn thảo để làm sao khi luật ban hành đảm
bảo được tính khả thi là an toàn trên môi trường mạng.
Đưa thông tin
tổn hại người khác cần bị lên án
Thảo luận tại
hội trường về dự thảo Luật ATTT, các ĐBQH rất quan tâm tới hệ lụy tiêu cực của
mạng xã hội đối với thanh thiếu niên, nhất là sau vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra
tại Đồng Nai. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao?
Bộ trưởng
Nguyễn Bắc Son: Về vụ việc nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự tử
do không chịu nổi áp lực dư luận khi bị chính bạn trai tung clip sex, thông tin
đó là thông tin riêng của 2 người chỉ chia sẻ với chính 2 người đó hoặc một
nhóm người. Đó gần như là bí mật của 2 người, nhưng lại bị tung lên mạng và trở
thành clip “chung” nhiều người biết.
Hành vi của
người bạn trai kia là hành vi vi phạm đạo đức và trách nhiệm xã hội phải lên
án. Trong đó cũng đặt ra vấn đề an toàn thông tin trên mạng mà cơ quan quản lý
Nhà nước phải xử lý.
Vậy dự
luật sẽ tiếp thu ý kiến của ĐBQH như thế nào và có chế tài kiểm soát ra
sao để không xảy ra sự việc đáng tiếc tương tự?
Bộ trưởng
Nguyễn Bắc Son: Bản thân tất cả chúng ta phải có ý thức đưa thông
tin tốt, tránh đưa thông tin xấu lên mạng. Khi phát hiện những thông tin xấu
gây ảnh hưởng lớn tới xã hội thì nhanh chóng thông báo tới cơ quan chức năng để
giúp cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời hơn, nhanh nhạy hơn. Vì
lượng truy cập, sự lan truyền những thông tin xấu ngày càng tăng thì sẽ là áp
lực, sức ép rất lớn.
Trở lại với vụ
việc ở Đồng Nai, ngay sau khi vụ sự việc xảy ra, Bộ đã có chỉ đạo, khuyến cáo
tất cả các nhà mạng khi có phát hiện ra những nội dung tương tự thì phải nhanh
chóng có biện pháp ngăn chặn bằng kỹ thuật, để không dẫn tới những hậu quả đáng
tiếc như vừa qua. Nhưng những thông tin xuất phát từ mạng xã hội có máy chủ đặt
tại nước ngoài hiện đang là thách thức với các cơ quan quản lý.
Nghĩa là những
thông tin lan truyền trên mạng xã hội có máy chủ đặt tại nước ngoài khó có thể kiểm
soát, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng
Nguyễn Bắc Son: Những thông tin xuyên biên giới không chỉ là thách
thức với riêng Việt Nam mà cả thế giới. Ngay cả Mỹ cũng thường xuyên phát
đi những thông tin cảnh báo tấn công vào mạng lưới thông tin của mình, ngay cả
trang web các nhà lãnh đạo của Mỹ cũng bị tấn công.
Một số trang
thông tin có xuất phát từ nước ngoài đang là mối đau đầu của các cơ quan an
ninh. Hiện chúng ta có 8 nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ này, các công ty
này cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn, bằng cả biện pháp kỹ
thuật và tuyên truyền. Nếu chỉ sử dụng biện pháp kỹ thuật thì cũng không thể
nào ngăn chặn tuyệt đối, vì hiện nay đã xuất hiện nhiều hacker với thủ đoạn
tinh vi có thể vượt rào tường lửa. Vì thế, một biện pháp quan trọng nhất hiện
nay là tuyên truyền để mọi người có ý thức bảo vệ chính mình, cộng đồng xã hội…
Khó quản
Facebook mạo danh
Thưa Bộ trưởng,
trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật ATTT, có ĐBQH đề nghị dự
luật cần có điều khoản cấm mạo danh trên Facebook. Bộ trưởng nghĩ sao
về đề xuất này?
Bộ trưởng
Nguyễn Bắc Son: Facebook là mạng xã hội lớn, có máy chủ đặt tại
nước ngoài, mọi người đều có quyền mở tài khoản, truy cập mà khó có ai quản lý
được. Việc đưa ra chế tài cấm mạo danh trên Facebook không hề dễ dàng.
Nói là vậy,
nhưng mọi hành vi dù là quyền cá nhân cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Theo
Hiến pháp 2013, mọi công dân có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do
tiếp cận và cung cấp thông tin… Nhưng nếu tự do đó dẫn tới phương hại tới lợi
ích người khác, ảnh hưởng tới tự do người khác thì phải bị xử lý.
Anh có quyền tự
do lập Facebook, nhưng nếu dùng Facebook cá nhân đăng thông tin bôi xấu người
khác thì quyền tự do của anh lại vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do của
người khác thì bị lên án, đấu tranh. Chưa kể nếu nói xấu Đảng, Nhà nước thì cần
phải bị nghiêm trị.
Nhưng rõ ràng
hiện nay trên mạng xã hội Facebook tồn tại rất nhiều trang mạo danh các lãnh
đạo Đảng, Nhà nước mà không bị kiểm soát, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng
Nguyễn Bắc Son: Đó là cái khó và thách thức trong quản lý trang
thông tin cá nhân bởi Facebook có máy chủ đặt tại nước ngoài. Như tôi đã nói,
chúng ta khuyến khích tự do thông tin, nhưng tự do phải trong khuôn khổ pháp
luật. Vì thế theo quy định tại Nghị định 72 thì khi đăng ký cung cấp dịch vụ
thông tin trên mạng buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải đặt ít nhất một máy chủ
ở Việt Nam để có thể quản lý được và dễ dàng giải quyết những vấn đề phát sinh.
Nếu cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà máy chủ không đặt ở Việt Nam thì hiện
giờ khó kiểm soát hết.
Khi chúng ta
ban hành Nghị định 72 nhận được rất nhiều ý kiến cho rằng những quy định trong
Nghị định này quá chặt chẽ, song vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của
người dân, an ninh quốc gia chúng ta vẫn phải làm và quyết tâm làm.
Nguyễn Hoài
Nhận xét
Đăng nhận xét