Tham nhũng - những kẻ ăn cắp lương tri

(Bài viết của @Anh Pham hay quá, phải cất vào đây để nhâm nhi. Tai tờ do tớ tự đặt chỉ để câu viu)
Mình lớn lên trong thời gian được cho là lúc đen tối nhất của đêm trước đổi mới. Những kỷ niệm đói khổ của thời đó vẫn ám ảnh mình: ruốc cá mặn chát và hôi bán phân phối, chút thịt bèo nhèo tem phiếu, cảm giác thèm vị ngọt, rồi những bữa ăn tối có chút canh nấu với đầu cá mè mà bố mẹ mình nhường cho mình ăn, rồi cái áo len duy nhất của mình đan bằng len vụn đủ mầu. Tuy thế mình không sợ đói và nghèo mà sợ nhất cảm giác lúc đó cái đói nghèo làm mình ở sát gần cái hèn, lúc nhânphẩm, tự trọng, đạo đức của mình chẳng còn ý nghĩa gì và rất dễ bị thả phanh cho trôi xuống.
Lớn lên với những trải nghiệm tuy phổ biến và điển hình ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ đấy mình luôn như con thú liếm những vết thương không bao giờ lành. Nỗi sợ lớn nhất của mình không phải là bị nghèo đói mà sợ bị khinh rẻ lúc mình rơi vào một hoàn cảnh tương tự như lúc lớn lên khi mình mất kiểm soát những thứ làm nên con người đàng hoàng, tử tế, chân thực.
Và với suy nghĩ đấy mình ghét nhất những kẻ tham nhũng của công vì mình cho rằng chính bọn kẻ cướp này là thủ phạm ăn cắp tương lai, nhân phẩm, tự trọng của những đứa bé như mình thời xưa. Mình không dám nói hẳn ra là mình tin rằng quan chức tham nhũng xứng đáng chịu trừng phạt thảm khốc và sự phỉ nhổ của người đời nhưng trong lòng mình có một sự hào hứng nhất định khi thấy cái xấu bị đấu tranh không khoan nhượng, không thương thảo, không được cho cơ hội sửa sai, rút kinh nghiệm, học bài học. Nếu đây là cái kết dứt khoát cho những kẻ cặn bã thì chắc đã không có những vụ tham nhũng các khoản tiền hàng ngàn tỷ đồng, những tội ác chống lại tương lai của trẻ em và người yếm thế.
Nhìn những bức ảnh về đám tang ông Đỗ Cường Minh và 25000 likes người ta dành cho ông ấy thì mình đoán là rất nhiều người nghĩ như mình. Những người nghĩ như mình chắc chắn cũng tin là còn tồn tại rất nhiều đồng chí xứng đáng hưởng quy chế khen thưởng và kỷ luật của tòa án nhân dân.
HN 22/8/2016


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?