Tình yêu nước của học sinh xưa và nay

Đọc lại mẩu chuyện dưới đây viết về tình yêu nước của các thế hệ trước mà thấy xúc động.

Thế hệ thanh niên học sinh ngày trước tiếp xúc với văn chương yêu nước (ở đây là tập thơ “chiêu hồn nước”) từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Học sinh lớp nhất (11-12 tuổi) đã biết tỏ lòng yêu nước rồi. Thử hỏi ngày nay, bắt đầu từ tuổi nào người Việt Nam mới biết tỏ lòng yêu nước, bằng cách đọc những tác phẩm & tài liệu một cách phản biện?

Thế hệ trước đã thể hiện lòng yêu nước bằng cách nhận ra rằng: YÊU NƯỚC KHÔNG CÓ TỘI. Thể hiện bằng cách gửi đơn lên ông Toàn quyền xin tha cho tác giả Chiêu hồn nước. Chính những ngưởi học sinh như thế sau này sẽ  thành những thanh niên đuổi được giặc Pháp, giành độc lập. Thử hỏi ngày nay, học sinh phổ thông có bao nhiêu em nói được câu “yêu nước không có tội”. Có bao nhiêu người biết tự viết đơn xin tha cho người có tiếng nói khác với chính quyền?

Thử hỏi ngày nay có bao nhiêu giáo viên dạy học sinh những lẽ phải ở đời, cho dù có nguy cơ bị đuổi khỏi trường. Thử hỏi có bao nhiêu giáo viên nói được câu: - Hỡi các con thân yêu, các con hãy ngoan ngoãn chăm chỉ học tập, nước các con không lâu sẽ độc lập. Có ai thắc mắc vì sao cô giáo người Pháp lại nói “nước các con không lâu sẽ độc lập” không? Một nước mà học sinh của họ biết tự thể hiện lòng yêu nước, biết tự làm gì đó cho nền độc lập, thì đúng là con đường đi sắp đến nơi rồi.

Nhớ ngày xưa đi học, môn lịch sử Đảng có nói rằng khi người dân và giới trẻ ý thức được về vai trò và trách nhiệm của mình. Bây giờ mới thấy ý nghĩa thật.

HN 12/8/2016




TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC 
LTG: Ngày mai, 12/8/2016, tức 10/7 âm lịch, là giỗ cụ Phạm Thị Tề (1912-2001). Tôi đang ở phương Nam, xin gửi tới các bác là con của cụ chút tư liệu về thời đi học của cụ Phạm Thị Tề qua hồi ký của cụ Phí Văn Bái (1914-2014). 

1- Biết tôi đang tìm tài liệu liên quan đến tập thơ “Chiêu hồn nước”, chị Phạm Thị Tề nhắn tôi đến gặp. Chị là vợ anh Vũ Đình Hùynh – Bí thư của Hồ Chủ tịch. Năm nay chị đã 86 tuổi. Tuy tuổi cao và tóc đã bạc, nhưng chị vẫn giữ được những nét đẹp của một người trí thức, lịch thiệp, mến bè bạn, đậm phong cách lịch sự của người Hà Nội. 
Chị nói với tôi: - Cũng có thể nói, tôi giác ngộ cách mạng từ 1926, bắt đầu từ đọc bài “Chiêu hồn nước”. Lúc đó tôi là học sinh lớp Nhất trường Nữ học Brieux, đọc báo thấy đăng tin Phạm Tất Đắc bị bắt vì làm bài thơ xúi giục, kích động dân chúng. Tập thơ bị cấm, bị tịch thu, nhưng một số người vẫn kín đáo giữ lại, vì tập thơ tha thiết với đất nước, mà đã là người Việt Nam ai là không yêu nước? 
Tôi đã tìm được tập “Chiêu hồn nước”. Đọc xong, tôi đưa các bạn, rồi gần như cả lớp đọc. Chúng tôi đều chung một nhận định yêu nước không có tội. Vì vậy, cả hai lớp Nhất A và B chúng tôi đã làm đơn gửi lên ông Tòan quyền Varenne xin tha cho Phạm Tất Đắc.
“Kính gửi ông Toàn quyền Varenne.
Đơn xin tha bổng cho ông Phạm Tất Đắc tác giả quyển “Chiêu hồn nước”.
Chúng tôi, những học sinh lớp Superier trường Brieux làm đơn này kiến nghị với ông một việc như sau:
Được tin thi sĩ Phạm Tất Đắc, tác giả quyển “Chiêu hồn nước” bị bắt giam. Chúng tôi vô cùng phẫn nộ trước hành vi phạm pháp của nhà cầm quyền. 
Trước tình hình này, chúng tôi đề nghị với quý ông thấy được không những chúng tôi mà toàn dân đều thấy ở quý ông đã áp dụng một cách phi pháp việc bắt người vô tội. Ở bất cứ nước nào người ta đều có quyền yêu nước. 
Yêu nước đâu phải là phạm tội. Vậy chúng tôi thiết tha yêu cầu quý ông với đầy quyền lực trả ngay lại tự do cho ông Phạm Tất Đắc.
Trong lúc chờ đợi, chúng tôi mong rằng quý ông sẽ chấp nhận yêu cầu chính đáng của chúng tôi - những người học sinh bé nhỏ của trường Brieux, nếu không chúng tôi sẽ bãi khóa. 
Được như vậy, xin gửi tới ông lòng trân trọng, biết ơn của chúng tôi. 
Học sinh lớp Supereux A và B trường Brieux
Đại diện của hai lớp
Ký tên : Phạm Thị Tề »

2- Sau khi gửi đơn - gửi bảo đảm - qua bưu điện, đột nhiên một hôm trời mưa to, chúng tôi đang chăm chú làm bài toán. Béridebat xuất hiện, ông ta là Giám đốc Học chính Hà Nội.
Với nét mặt hầm hầm giận dữ, ông ta đi thẳng vào lớp, không chào, không hỏi, không bắt tay cô giáo chúng tôi. Miệng sùi bọt mép, ông luôn luôn đập tay xuống bàn trong khi nói với cô.
Chúng tôi không sao nghe được rõ ông ta nói những gì nhưng cũng đoán được ông ấy đang mạt sát cô giáo. Sợ chúng tôi nghe thấy, ông ta cố tình nói nhỏ. Cuối cùng chúng tôi chỉ nghe thấy : « Vous verrez, n’est ce pas mademoiselle » (Rồi cô sẽ biết, cô hiểu chưa ? ).
Sau đó ông ta quay xuống, trợn mắt tròn xoe như muốn thôi miên chúng tôi và nói một tràng dài bằng tiếng Pháp : « Trò nào không muốn học ở đây, cửa trường luôn luôn mở, các chị có thể nhất loạt ra khỏi đây ngay ».
Như thường lệ, chúng tôi phải đứng dậy khi có khách ra vào lớp. Nhưng lúc này không một ai trong chúng tôi đứng dậy. Khi ông ta ra khỏi, cô giáo chúng tôi tên là Marguerite Soeffler quay vào lớp với nét mặt buồn rầu, nhìn chúng tôi đầy vẻ thông cảm. Cô lặng đi một lúc rồi nói : 
- Hỡi các con thân yêu, các con hãy ngoan ngoãn chăm chỉ học tập, nước các con không lâu sẽ độc lập.
Cô giáo ngồi xuống vẻ mặt đầy suy tư nhìn chúng tôi. Sau đó một lúc tiếng trống trường đánh giờ tan học. Chúng tôi ra xếp hàng, cả thầy cả trò đều buồn ủ rũ.
Sáng hôm sau, trong giờ học, có người lạ mặt đưa giấy vào, chúng tôi biết ngay là có tin dữ (chẳng lành). Xem giấy xong, cô thở dài, chào chúng tôi ra đi. 
Thế là từ đó thầy (cô) trò chúng tôi không gặp lại nhau nữa. 
Ít ngày sau, tôi nhận được lá thư của cô giáo Marguerite Soeffler:
« Cô bé Tề thân yêu !...
Từ ngày cô rời khỏi trường Brieux, không lúc nào không nghĩ đến các em, hình ảnh em không bao giờ lu mờ trước mắt cô. Cô đã khóc nhiều, mỗi khi cô nghĩ tới tất cả. 
Các con thân yêu, hãy ngoan và học tập tốt. Đừng quên những lời khuyên của cô. 
Cô ôm hôn thắm thiết các con bé nhỏ yêu thương của cô.
Marguerite Soeffler ».
Cô giáo chúng tôi đã bị đuổi về nước. Thư cô viết cho chúng tôi trên một chiếc tàu biển gửi từ Hatzinzer.
Chúng tôi nhớ lại, có những lần học sử, trong bài học có câu: Nos ancêtres c’étaient des Gaulois (Tổ tiên chúng ta là người Gaulois). Tôi thắc mắc hỏi cô : 
- Thưa cô, em xin cô giải thích cho em điều này: Chúng em là người Việt Nam. Tổ tiên chúng em không phải là Gaulois. Tại sao người ta lại dạy em như thế?
Cô chỉ trả lời tôi một cách hiền hậu :
- Khi nào các em khôn lớn, các em sẽ hiểu. 
Sau này, lúc tôi tham gia cách mạng tôi mới hiểu câu đó. Và Chiêu hồn nước đã trở thành một điểm tựa tinh thần mỗi lần tôi gặp cảnh gian nan trên đường tranh đấu. 

3- Sau khi đỗ Cao đẳng Tiểu học, tôi học tiếp lên trung học. Nhiều vị tú tài, cử nhân chỉ thích nói, viết tiếng Pháp gửi cho tôi những bức thư yêu đương. Nhưng do ảnh hưởng của Chiêu hồn nước nên gặp anh Vũ Đình Huỳnh đã hoạt động cách mạng (mà tôi hiểu con đường cách mạng Phạm Tất Đắc đã đi là con đường tù tội, là con đường chông gai, nguy hiểm, nhưng ở tuổi thanh niên lại thấy thích thú, đẹp đẽ vì có lý tưởng) tôi đã chọn anh Huỳnh làm bạn đời của tôi để thực sự chia ngọt, sẻ bùi, và kể cả đắng cay.

(Trích trong hồi ký – Từ bài thơ Chiêu hồn nước – tác giả Phí Văn Bái, NXB Thanh Niên, 2000)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?