Những điều suy nghĩ rút ra từ câu chuyện tình của Lê Vũ Anh

Trước hết phải cám ơn, rất cám ơn người nào đã khơi lại chuyện này, đưa nó ra công luận. Lần đầu tiên những điều chẳng bao giờ là công khai được đưa lên công luận. Nhờ đó mà lại được nghe thêm câu chuyện từ chính những người trong cuộc. Và cũng phải cám ơn những người trong cuộc đã lên tiếng, mở cánh cửa bí mật.
Và bây giờ chúng ta được dịp suy nghĩ, phân tích. Phân tích văn bản thôi nhé. Và đã có thể thấy ra nhiều điều.
“Chị li dị với người chồng đầu tiên một cách bí mật, bí mật có con, bí mật đăng ký kết hôn với Maslov rồi mới báo tin cho ba tôi biết.” Một loạt sự kiện được “bí mật” đã được người trong cuộc thừa nhận. Vậy là có hàng loạt hành động bí mật. Vì sao phải bí mật? Theo lý giải của phía ông Maslov thì là rõ rồi. Sợ một sự đe dọa. Phía bà Vũ Ahh thì không có bằng chứng gì để có thể giải thích. Nhưng ta có thể đặt câu hỏi: cứ giả sử đó là hành động lập di của ông Maslov. Nhưng bà Vũ Anh cũng đồng tình với việc này. Mà bà Vũ Anh thì được ca ngợi là người sáng suốt, nhạy cảm chứ không phải là lập dị hoặc không bình thường. Đấy là chưa kể việc coi ông Maslov là lập dị nhưng chính tác giả cũng đã đưa ra một bằng chứng là ông ấy không lập di, mà chỉ là quá thiên tài và mọi người không hiểu hết sự thiên tài của ông ấy mà thôi - Khi ông dùng khả năng thuật toán của mình để dự đoán ra sự sụp đổ của nhà nước Liên Xô. Như vậy chẳng có bằng chứng nào khẳng định hàng loạt những hành vi “bí mật” này là không có lý do của chúng.
“Tôi vẫn nhớ năm 1977, tôi gặp ba khi ở trở về từ Moskva sau khi chị VŨ ANh thong báo kết hôn, ông chỉ nói: “Có lẽ phải 5-10 năm nữa, người ta mới chấp nhận cuộc hôn nhân của chị con”. Đó cũng là năm mà quan hệ Việt Nam –Trung Quốc trở nên căng thẳng. Mỗi khi gặp ba, tôi luôn cảm nhận được những gánh nặng khủng khiếp đang đè nặng lên vai ông. Và cuộc hôn nhân của chị Vũ Anh với Maslov, vào đúng thời điểm đó, cũng gây cho ba tôi nhiều khó khăn và áp lực. Một số người có suy nghĩ không tốt đã nói rằng: Ông Lê Duẩn vì muốn kết thân với Liên Xô đã bán con gái mình… “  Hóa ra nỗi lo lắng của ông Maslov là có thật đấy chứ. Đây có phải là bằng chứng cho những nỗi lo của ông Maslov rằng có thể bị đe dọa? Đến ông Lê Duẩn, người ở tột đỉnh của quyền lực mà còn phải thốt ra câu này. Một người bình thường cũng cảm nhận được mối đe dọa, nữa là người như ông Maslov – người đã dự đoán trước được cả sự sụp đổ của Liên Xô, trong khi không ai tin, và cho ông là lập dị.
“Ba tôi chưa từng hình dung sẽ ó một người con rể nước ngoài, và sẽ có những đứa cháu có dòng máu chỉ có một nửa Việt Nam… Nhưng ông cũng không vì thế mà dung quyền lực của mình để ngáng trở tình yêu của chị tôi. Điều duy nhất ông làm là chấp nhận sự lựa chọn của con gái mình.” Lại thêm một bằng chứng nữa cho việc hồi đó các lưu học sinh Việt Nam bị cấm quan hệ với người nước ngoài. Ai mà yêu người nước ngoài thì lập tức bị đuổi về nước. Quyền lực đã từng được dùng để ngáng trở tình yêu của nhiều thế hệ sinh viên VN. Nghe điều này những sinh viên thời nay sẽ không thể hiểu được ngay xưa quyền của người ta được quyết định như thế nào. Và sau sự kiện Lê Vũ Anh mà biết bao nhiêu sinh viên thời đó đã được giải phóng. Biết bao nhiêu người đã biết ơn và tôn vinh hành động của Vũ Anh, vì đã làm thay đổi cả một chính sách. Nhờ đó thay đổi cả số phận của biết bao người.
Phải đặt cuộc hôn nhân này trong hoàn cảnh lịch sử của nó để thấy được sự vĩ đại cũng như sự chênh vênh của nó. Trước Vũ Anh, sinh viên Việt Nam không ai có thể lấy người nước ngoài. Và Vũ Anh đã có hành vi cách mạng, đi ngược lại tất cả những quy định đang đặt ra. Chính vì thế hành vi này là quá vĩ đại và cũng đặt cô trước những nguy hiểm của người làm cách mạng. Vũ Anh với địa vị đặc biệt của mình, cuộc hôn nhân của cô đã trở nên quá đặc biệt trong mối quan hệ chính trị. Ai nói nó không phải là chính trị thì hoặc là ngụy tạo hoặc quá ngây thơ. Cái câu nói rằng Lê Duẩn đã “bán con gái mình” đủ cho thấy nó chính trị thế nào, và nó đầy nguy cơ thế nào. Vì vậy mà nó rui ro và chênh vênh.
Lý do về cái chết của Vũ Anh vẫn không có lời giải đáp. Lý do vì sao thì mỗi người giải thích một kiểu. Nếu theo giải thích của Lê Kiên Thành thì … với tôi đó là một cái chết oan. Một người phụ nữ, vẫn còn sức khỏe, còn trẻ, sinh thường vậy mà chết vì băng huyết!!!!! Những ai là bác sỹ, bác sỹ phụ sản sẽ nghĩ gì khi một phụ sản bị băng huyết đến chết, trong điều kiện ở một bệnh viện hiện đại (chắc hẳn phải là hiện đại chứ. Họ có phải là dân thường đâu mà không thể tiếp cận 1 bệnh viện tốt). Ngày nay, có bao nhiêu phụ sản bình thường, không có bệnh hiểm nghèo, bị chết do băng huyết ở những bệnh viện tuyến trung ương ở Việt Nam? Đó là lý do tôi nói đó là một cái chết oan.
Còn nếu theo thuyết âm mưu của Maslov thì… ôi thôi, đúng là một cái chết oan nghiệt. Một nàng Juliet.
Việc giữ nuôi Anton thì … nếu suy nghĩ theo cách thông thường ở Việt Nam, thì việc nhà ngoại giữ nuôi đứa trẻ có phải là bình thường không? Trong điều kiện 2 gia đình ở 2 địa phương xa nhau, thì nhà gái có đương nhiên được quyền nuôi đứa trẻ không? Đó là tôi hỏi theo khía cạnh văn hóa, và truyền thống Việt Nam nhé. Chắc chắn nhà nội sẽ không dễ dàng trao đứa trẻ cho nhà ngoại, đúng không? Vậy việc bà Bảy Vân dành quyền nuôi ở đây là bà đã ở thế người có quyền rồi. Nếu bà là thường dân thì bà chỉ có thể có giải pháp là đến trông cháu giúp một thời gian. Và thỉnh thoảng bà đến chơi với cháu cho đến khi nó lớn. Chứ khó có thể bà bê được cháu đi như thế. Còn về phía văn hóa Nga, tôi cũng không rõ lắm, nhưng chắc họ không quá nặng về bên nội, bên ngoại. Cái họ đặt quan trọng chính là mối quan hệ tình cảm trực tiếp giữa cha mẹ và con cái. Mối quan hệ này không gì có thể xen ngang vào được (kể cả ông Lê Duẩn hay bà Bảy Vân, phải không). Vậy mà, bà Bảy Vân đã xen vào được đấy. Thế có phải là bà đã cứa vào một nỗi đau (mất vợ yêu dấu) không? Và theo văn hóa của họ, chắc khó có thể nguôi ngoai, tha thứ. Tất nhiên ông Maslov phải đồng ý thì bà Bảy Vân mới bê cháu đi được, nhưng chắc là ông ấy bị hoàn cảnh bắt ép thôi. Còn chuyện bảo rằng đàn ông không trông được con thì … đó là đàn ông Việt Nam thôi. Chứ đàn ông Tây mà không chăm con thì pháp luật nó chơi cho luôn chứ đừng có lơ mơ được đâu. Bà Bày Vân có thể lo lắng là ông Maslov không trông được con, thì cái đó có thể chấp nhận, vì bà có thể không hiểu văn hóa và pháp luật của nước khác, chứ người như Lê Kiên Thành mà không nắm rõ thì… hơi lạ.
Vừa vớ được câu này, thay cho lời kết: Elena Van Engelen Maslova I think the truth is somewhere in the middle
PS. Có người bảo: Hãy để quá khứ ngủ yên. Nếu câu chuyện không ai quan tâm thì có bày lên thì rồi nó cũng trôi đi như những bài báo lá cải thôi. Nó được người đời quan tâm một cách thái quá tức là có lý do. Nó đã gợi được những câu chuyện mà họ muốn kể? Chạm vào những nỗi niềm mà người ta muốn nói ra? Những câu chuyện chính trị ngày đó đã tác động đến cuộc sống của quá nhiều người. Quá nhiều số phận đã bị thay đổi. Đến bây giờ, những người liên quan vẫn còn gánh những tác động mà số phận mang đến từ ngày đó. Hỏi làm sao mà họ ngủ yên được. Người dưng thì  đúng là không liên quan đấy. Nhưng liệu ta có thể dửng dưng với số phận của những người xung quanh? Cái mà bây giờ hay nói là vô cảm.
Hi hi, những câu chuyện lịch sử và lịch sử chính trị thì mua vui không chỉ được vài trống canh đâu, mà rất nhiều trống canh đấy.

HN 25/8/2016

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Một cách làm luật mới

Nạo thai hay không nạo thai?