Dẹp vỉa hè để làm gì – hay là công tác quản lý đô thị bây giờ phải đổi mới đi.



Dẹp vỉa hè để làm gì, Câu hỏi nghe tưởng đơn giản nhưng thực ra nó không đơn giản.
Với đa số người dân, những người không sinh sống dựa vào vỉa hè, chỉ là những người thường xuyên hoặc thỉnh thoảng đi bộ trên vỉa hè, thì việc dẹp như vậy là đương nhiên. Đó là một chủ trương đúng đắn, cần thực hiện ngay và luôn. Việc chiếm dụng vỉa hè hiện nay đang cản trờ giao thông, chiếm chỗ và cản trở người đi bộ, mất trật tự đô thị …
Nhưng với những người dân sinh sống dựa vào vỉa hè, từ những người có mặt phố, buôn bán, làm ăn, văn phòng, cửa hiệu … vv… cho đến những người buôn bán dạo, những người đánh giày, xe ôm …vv… thì hừm, đó cũng là chủ trương đúng đắn rồi (không có lựa chọn nào khác, hi hì), nhưng có lẽ không phải cần thực hiện ngay và luôn. Có lẽ cần thời gian, cần lộ trình, cần giúp đỡ, cần giải pháp hỗ trợ… vv…
Với các lãnh đạo cấp cao trên thành phố thì đương nhiên đó là chủ trương đúng. Đã ra quân nhiều lần rồi nhưng rồi cứ như là đánh trống bỏ dùi vậy. Vì vậy cần thực hiện ngay và luôn.
Với các lãnh đạo cấp thấp hơn, đặc biệt là cấp phường thì… hừm, cũng cần có thời gian, cũng cần có giải pháp hỗ trợ. Và… vv… vì hừm, hừm, anh em cũng dựa vào vỉa hè lâu quá rồi, hừm…
Như vậy thì, về chủ trương là đúng. Chỉ có cách làm thì phải điều chỉnh một chút.
Trước hết, cần xem xét lại ngay tự quan điểm. Đây là dân. Đây là văn minh đô thị. Không thể dùng những từ thô bạo như: Dẹp, hốt, đập, ra quân … Nghe nó không văn minh. Chúng ta cứ nói là sống theo pháp luật, là tôn trọng pháp luật. Vậy hãy chỉ cần nói là thực hiện những quy định của thành phố về văn minh, trật tự đô thị. Ngay đến lãnh đạo thành phố mà cũng dùng những từ thô bạo thì cũng hơi … thô bạo. Chẳng qua là vi phạm hành chính thôi, có gì đâu mà nặng lời. Rồi lại dơ tay, chỉ mặt… Đấy là góp ý chân thành, để điều chỉnh, chứ không hề có ý chê bai gì hết. Một thời gian quá dài chúng ta quen với cách chỉ đạo, ra lệnh, ít có những đối thoại, trao đổi với dân. Nếu chính quyền đặt việc trao đổi với dân là quan trọng, coi ý kiến, nguyện vọng của dân là quan trọng, thì chắc sẽ không nỡ dùng những từ ngữ thô bạo như vậy.
Thứ hai là cách thực hiện. Như trên đã nói, dân sử dụng vỉa hè làm kế sinh nhai. (và có thể không chỉ là dân cũng sử dụng vỉa hè làm kế sinh nhai nữa, phỏng ạ). Mà ở Việt Nam mình lâu nay, may thay, đã có chính sách về đền bù, giải tỏa rồi. May quá cơ. Quan điểm về đền bù thì nhiều người đã rõ, lãnh đạo lại càng rõ, rằng hễ dụng đến của dân, dù là ít, nhiều (gồm đất đai, tài sản, nguồn thu nhập, phương tiện kiếm sống), dù có giấy tờ sở hữu hay không (kể cả chiếm đất công) khi giải tỏa đều có đền bù, ở dù các mức độ khác nhau. Hơn nữa, cần phải nhấn mạnh rằng, quá trình đền bù, giải tỏa đều phải là quá trình thương lượng, thỏa thuận. Cho đến khi nào dân chấp nhận. Tức là phải đảm bảo tham vấn đầy đủ với người dân (bao gồm phải thiết lập một cơ chế khiếu nại). Hơn nữa, phải đảm bảo khôi phục sinh kế, ít nhất là bằng hoặc hơn trước đây.
Nói đến toàn bộ những điều về chính sách đền bù, giải tỏa để làm gì? Tại sao lại nêu ra câu chuyện đó ở đây? Đây là vỉa hè chứ có phải là một dự án lấy đất nào đâu (mà lại không phải của ADB hay là WB, JICA…). Vậy tôi sẽ đặt lại câu hỏi: dẹp vỉa hè để làm gì? Chỉ để cho nó đẹp, cho nó văn minh thôi sao? Và tôi lại hỏi tiếp: định nghĩa thế nào là đẹp? Các quán ăn đường phố,  các quán café đường phố có đẹp không?  Các hình thức nghệ thuật đường phố có đẹp không?... vv… 
Xin thưa rằng những người dân sinh sống gắn với vỉa hè sẽ nghĩ vẻ đẹp vỉa hè nó khác đấy ạ. Và những người quản lý ở cấp quận, và đặc biệt cấp phường cũng nghĩ về vẻ đẹp, và trật tự đô thị nó khác đấy ạ. Vậy thì sao chứ?
Đến đây thì câu trả lời cho câu hỏi “dẹp vỉa hè để làm gì?” có lẽ đã trở nên phức tạp rồi.  Dẹp vỉa để cho thành phố văn minh, và đẹp? Dẹp để quản lý đô thị trật tự? Tất cả đều đúng. Nhưng trên hết, dẹp vỉa hè phải tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống. Chỉ cần các sếp trả lời câu: muốn tạo điều kiện cho dân ổn định cuộc sống và tuân thủ các quy định, hay là biến mình thành đội quân đập, phá, dẹp cho sạch rồi muốn ra sao thì ra?
Nếu trước khi tiến hành dẹp vỉa hè có những cuộc khảo sát xem có bao nhiêu hộ gia đình sống dựa vào vỉa hè. Trong đó có bao nhiêu hộ phải chuyển đổi, thay đổi sinh kế. Trong đó có bao nhiêu hộ cần hỗ trợ, cụ thể hỗ trợ những gì…. rồi chính quyền cùng thảo luận với từng hộ để tìm cách giải quyết. Dân có thể đề xuất các cách thức cụ thể… Đó mới chính là quản lý. Chứ không phải quản lý chỉ là ra lệnh và bắt mọi người thực hiện, tuân theo mà không có ý kiến gì. Quản lý bây giờ nó khác ngày xưa nhiều rồi.
Bạn Pham Tuong Van đã có sáng kiến cho việc lấy lại trật tự vỉa hè rất hay như thế này:  Nếu thăm dò ý kiến, dân thì dân đều sẵn sàng chấp nhận duy trì vỉa hè như hiện tại thêm một thời gian nữa, miễn là những người bán hàng rong ấy kịp chuyển hướng kinh doanh đảm bảo nguồn thu, các gia đình, hộ kinh doanh có bậc tam cấp kịp sửa chữa, vừa đúng luật, ít hư hao tài sản, vừa đảm bảo mỹ quan thành phố. Ngoài ra, những bậc tam cấp của các công trình lớn như nhà hát, trung tâm thương mại, việc phá dỡ ảnh hướng đến tổng thể chung của cả công trình, có thể xem xét tính phí cho thuê vỉa hè. Số tiền này cũng không nhỏ để góp vào ngân sách.
HN 26/3/2017


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tuổi thơ thời chiến bơ vơ

Nạo thai hay không nạo thai?

Người Tàu thâm và thế nào là độc lập dân tộc?