Ngon bổ rẻ và đạo đức nghề


Ngon bổ rẻ, khó như lên trời
Thấy các bạn làm bánh nói đến chuyện cái khó giữa làm bánh thị trường, ngon bổ rẻ, với làm bánh sống với nghề, với tâm, mình lại nhớ lại câu chuyện làm bánh ngày xưa của mình.
Hồi xưa, cái thời đói khổ, toàn dân phải lăn lộn kiếm cơm. Cán bộ nhà nước người người, nhà nhà làm thêm. Hồi đó mới lấy chồng, nhà chồng cũng xoay đủ kiểu. Nào dệt len, nào vắt xổ. Mình bàn với chồng làm bánh dẻo, nghề gia truyền của nhà mẹ mình. Chỉ tính làm cò con, vớ vẩn. Ai ngờ, ông chồng chả biết gì, khuân về hàng đống nguyên liệu. Đi làm về, nhìn thấy bột, đường chất đầy nhà, mình đã bỏ chạy thục mạng. Chồng chạy theo túm lại.
Đã leo lên lưng hổ thì đành phải lao theo thôi. May mà cũng có khách. Rồi nhà chồng sốt ruột, muốn “làm ăn lớn”. Có người trên chợ Đồng Xuân đặt làm hàng chợ, khối lượng vô biên. Mình lấy bánh mẫu về, và tìm hiểu cách làm, rồi bảo chồng: không biết làm loại này đâu. Nhà chồng bảo cố tìm cách đi, khối lượng lớn lắm. Mình lại cố mày mò, và phát hiện ra cách làm kiểu hàng chợ. Cân lạng vẫn như thế, nhưng giá chỉ chưa bằng nửa Đến đây thì mình nói thật với chồng: dù có làm được, dù có khối lượng lớn, mình cũng không làm hàng chợ đâu. Mình chỉ làm hàng thật thôi. Nhà chồng lại bảo cứ thử làm 1 mẻ xem sao. Được đâu 1-2 lần, sau rồi trên chợ họ bảo: bánh này vẫn chất lượng quá, không thể bán được. Nếu bán, thì bánh của mình lãi quá ít, còn những bánh trước đây của họ sẽ khó bán. Họ trả lại bánh cho mình. (mãi sau này mình mới biết rằng để giảm phí, họ đã bớt đường, vì thiếu đường, không đảm bảo được bánh họ phải dùng chất bảo quản). Mình đã quyết định và nhà chồng phải chấp nhận: số bánh trả lại sẽ đem đi vứt, chứ mình không bán cho khách. Và chấm dứt không làm ăn với hàng chợ nữa.
Đó là một kinh nghiệm nho nhỏ của mình.

HN27/3/2017

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Một cách làm luật mới

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm