Xung đột liên quan đến đất đai – Nhu cầu thay đổi nhận thức và thói quen thực thi pháp luật

Câu chuyện về sở hữu đất đai và những vấn đề, những xung đột xung quanh chuyện đất đai đã khiến nhiều người quan tâm hơn. Đó là dấu hiệu để ta có thể nhìn lại những bất cập. Đó cũng là dấu hiệu cần thay đổi. Thay đổi để giảm xung đột.
Xung đột là dấu hiệu cho thấy cần có đối thoại. Những kinh nghiệm từ những vụ việc trước đây đều cho thấy thiếu sự đối thoại giữa lãnh đạo và dân. Trong các yếu tố của quản trị, hiện nay thường hay nhắc đến các nội dung: công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, và cơ chế khiếu nại, tố cáo. Có lẽ đến nay cần bổ sung thêm nội dung “đối thoại” vào kỹ năng quản trị nhà nước. Các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo cần tăng cường thêm năng lực đối thoại. Không chỉ đối thoại với dân và còn với các bên có lợi ích khác nữa (doanh nghiệp, các nhóm lợi ích…). Bảo vệ lợi ích cho dân là việc rất khó, đặc biệt khi có xung đột lợi ích.
Xung đột là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu cần thay đổi.  Có nhiều ý kiến nhận thấy cần sự thay đổi về luật pháp và cả hiến pháp. Nghe những chương trình của đất nước là công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa… nghe thì rất kêu đấy, nhưng thực tế thì là một quá trình rất phức tạp, và sôi động. Tất cả những quá trình đó, cái nào cũng cần đất đai, cũng đều chiếm đất đai. Người dân sống làm ăn trên những mảnh đất đó sẽ phải chuyển đổi kế sinh nhai, và đối mặt với những cơn bão về đất đai, về thị trường về thay đổi lối sống… Những cơn bão này làm thay đổi, làm quay cuồng đời sống của toàn bộ nhân dân trên cả nước. Vì đâu đâu cùng trong quá trình này, tỉnh nào cũng trong quá trình này. Cũng đô thị hóa, cũng công nghiệp hóa, cũng hiện đại hóa. Thật sự là cuộc cách mạng long trời lở đất. Trên đất nước ta có nơi đâu mà không chịu tác động của chuyển đổi đất đai. Có gia đình nào mà không chịu tác động của chuyển đổi đất đai. Một sự tác động vô cùng lớn lao. Vì vậy chính sách đất đai không phù hợp thì tác động khôn lường. Cần xem xét lại quan điểm đất đai sở hữu toàn dân. Cần đề xuất đa dạng sở hữu: Nhà nước, tập thể, tư nhân. Đó là điều mong muốn, tuy nhiên đó sẽ là con đường rất dài, và cần rất nhiều thời gian.
Xung đột cũng cho thấy nhu cầu thực thi những chính sách hiện có. Trong khi cần hoàn thiện thêm những bất cập về mặt chính sách, thể chế đất đai, thì trước mắt, cần giải quyết những bức xúc về đất đai vẫn xảy ra hàng ngày. Thực tế, trong những năm vừa qua Việt Nam đã tiến được những bước khá dài về mặt chính sách. Đã có những chính sách của nhà nước về dân chủ, và những quy định về sự tham gia của người dân. Từ Pháp lệnh dân chủ (34/2007/PL-UBTVQH11) “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đến những quy định về sự tham gia của dân như Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng (80/2005/QĐ-TTg). Vấn đề là đưa những chính sách này vào cuộc sống thế nào. Chúng ta vẫn quen nói đến cụm từ “đưa chính sách vào cuộc sống” tuy nhiên trên thực tế vẫn cả một khoảng trống. Nếu những chính sách đã có được áp dụng trên thực tế thì đã giảm được rất nhiều những vụ việc, những bất cập. Nguyên nhân chính sách chưa đi vào cuộc sống là từ cả 2 phía. Phía quản lý chưa thực thi đầy đủ, hoặc chưa muốn thực thi triệt để. Và phía người dân thiếu hiểu biết, thiếu tin tưởng, và còn e ngại. Vì vậy con đường thực thi pháp luật còn là một quá trình rất dài. Sẽ cần rất nhiều những dự án thực tế để cho lãnh đạo và người dân làm quen và áp dụng những chính sách vào cuộc sống. Đây chính là quá trình thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của cả lãnh đạo và người dân trong việc thực thi pháp luật.
Những khía cạnh có nhiều vấn đề, nhiều bức xúc nhất liên quan đến đất đai ở Việt Nam có lẽ phải kể đến là quy hoạch, đánh giá tác động môi trường - xã hội, và các dự án phát triển. Trong đó lĩnh vực quy hoạch là kém nhất trong việc tuân thủ việc lấy ý kiến, tham vấn người dân. Việc lấy ý kiến người dân trong quy hoạch đều làm rất hình thức. Ngay đến những người đi làm tham vấn cũng không có hiểu biết và không có kỹ năng đầy đủ. Các dự án phát triển, đặc biệt là chương trình Nông thôn Mới, hoặc những dự án “nhà nước và nhân dân cùng làm” đã có những tiến bộ đáng kể nhất trong việc tham vấn người dân và huy động sự tham gia của cộng đồng. Rất mừng là những dự án phát triển, “nhà nước và nhân dân cùng làm” đã là một dịp tốt để cả lãnh đạo, cán bộ và người dân cùng thực hành, và nâng cao kỹ năng quản trị (công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, khiếu nại, tố cáo). Các dự án kinh tế - xã hội, cụ thể là các đánh giá tác động môi trường thì việc tham vẫn cộng đồng, tham vấn người dân phẩn nhiều vẫn là hình thức, né tránh. Việc này đã gây bức xúc và là mầm mống cho xung đột sau này. Có một số tỉnh (như Đà Nẵng chẳng hạn) đã làm khá tốt việc tham vấn, đối thoại với người dân. Trong khi đó nhiều nơi dân vẫn không được cung cấp thông tin đầy đủ. Nếu có các dự án nhằm trực tiếp vào những mục tiêu cụ thể như tham vấn trong quy hoạch, tham vấn trong đánh giá tác động môi trường- xã hội thì sẽ đem lại hiệu quả rất tốt trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng của lãnh đạo, cán bộ, và người dân trong việc thực thi các quy định, và pháp luật.

HN 23/4/2017

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Đấu tranh bất bạo động rồi đi đến đâu?