Đồng Tâm và lòng tin

Nhìn theo 2 sự kiện. 1) sự kiện ông Chung ký biên bản. 2) sự kiện dư luận bình luận về việc ông Chung ký biên bản. Cả 2 sự kiện đều thể hiện sự mất lòng tin trầm trọng. Nếu không đọc bài trên phêy của @lê Kiên thì không biết được chi tiết về phần 2 của cuộc đối thoại. Chính phần 2 này cho thấy sự dũng cảm của cả 2 phía (dân và lãnh đạo). Họ đã kiên quyết bảo vệ nguyện vọng của mình (trước đây dân thường phải nhún nhường). Và họ đã dũng cảm tìm ra lối thoát ôn hòa. Phải rất dũng cảm mới không lôi kéo nhau vào cuộc xung đột đối đầu (đặc biệt là lãnh đạo. Vì dân thì ngại xung đột rồi. Xung đột là dân nhận phần thiệt về mình rồi).
Chính mức độ kịch tính của phần 2 này cho thấy lòng tin không còn. Càng xung đột cao, càng khác biệt về lợi ích, càng suy giảm về niền tim. Mức độ kịch tính cao, và buộc ông Chung phải ký, không có lựa chọn nào khác để thảo ngòi nổ. Đã bao giờ trong lịch sử, một chủ tịch tp HN phải ký một cam kết như vậy với dân của 1 thôn chưa? Đã khi nào trong lịch sử người dân của 1 thôn phải buộc chủ tịch tp của mình phải ký 1 bản cam kết như thế chưa? Điều đó chỉ khẳng định rằng niềm tin đã không còn.
Cái gì khiến ông Chung chấp nhận ký mà không phải là từ chối? theo phân tích của @Lê Kiên, 1) không thể có lựa chọn nào khác. Nếu lựa chọn khác thì chỉ là đối đầu. Nếu đối đầu thì lửa sẽ thiêu đốt thôn Hoành. 2) Nếu lựa chọn đối đầu sẽ biến sự nghiệp của ông Chung thành tro bụi. Trong 2 lý do đưa ra thì ½ là vì thôn Hoành, và ½ là vì sự nghiệp của ông Chung. Tôi thì tôi cứ kỳ vọng 1 suy nghĩ là lấy lại một chút niềm tin cho dân. Rằng chủ tịch tp dám chịu trách nhiệm, và dám thực hiện lời hứa. Vì chỉ có lòng tin thì mới làm Yên Dân được thôi. Còn lửa cháy dân cũng chả sợ, còn sự nghiệp của ông nào dân cũng không quan tâm.
Những bình luận xung quanh việc ông Chung ký. Có rất nhiều nghi ngờ. Thiếu niềm tin và nghi ngờ. Cách giải thích của @lê Kiên là không nên nghi ngờ như vậy. Vì nếu không thực hiện đúng cam kết, 1) ông Chung sẽ “mắc tội lừa dân”. 2) sự nghiệp của ông Chung thành mây khói. Cả 2 lý do này, tiếc thay, lại chỉ nghĩ cho ông Chung (mắc tội và mất sự nghiệp). Có chăng thì chỉ ¼ là nghĩ có dân (bị lừa). Tôi thì tôi lại cứ hy vọng rằng ông Chung đã ký và ông Chung thừa bản lĩnh để giữ cam kết. Điều quan trọng không phải là ông mắc tội, cũng không phải là ông lo cho sự nghiệp. Điều trên hết là lấy lại một chút niềm tin của dân và xã hội. Những người nghi ngờ cứ việc nghi ngờ đi. Điều đó là bình thường mà. Và những gì ông Chung làm sẽ trả lời cho những nghi ngờ của họ.
Không thể dùng cách gọi những người tỏ ra nghi ngờ là “rác rưởi” hoặc dùng lời thóa mạ để gây được niềm tin, xóa được nghi ngờ, mà ngược lại.
@Lê Kiên
ĐỒNG TÂM - CHUYỆN TÔI PHẢI VIẾT TIẾP
Đọc mạng xã hội, và cả báo chí, lại thấy có những rác rưởi muốn ném vào ông Nguyễn Đức Chung, người mà tôi muốn tặng hoa sau cuộc đối thoại, nên tôi có trách nhiệm phải chống lại những rác rưởi này.
Lập luận đầu tiên chống lại ông Chung là: quyền xét xử, quyền phán ai đó có tội hay không có tội, truy tố hay miễn truy tố là quyền tư pháp. Người đứng đầu cơ quan hành chính như ông Chung tuyên miễn tố cho người Đồng Tâm là hành pháp lấn sân tư pháp, vi phạm nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.
Lập luận thứ hai chống lại ông Chung là: bản cam kết của ông Chung viết "không truy tố toàn dân Đồng Tâm", từ đó suy ra rằng toàn dân không bị truy tố nhưng có thể truy tố một vài người dân.
Có nhiều bạn chưa hiểu hết câu chuyện này, chưa nắm rõ diễn biến và các tình tiết của nó, nhưng vẫn phán như thánh phán. Thôi thì hôm nay sáng đầu tuần, các bạn banh tai ra anh Sứt kể cho nghe.
1/ Cuộc đối thoại thôn Hoành hôm đó không kết thúc vào cuối giờ ngọ ở trụ sở xã Đồng Tâm, khi ông Chung kết luận và nhận được những tràng vỗ tay dậy sóng.
Phần 2 của cuộc đối thoại này, căng thẳng và kịch tính hơn, diễn ra vào giờ mùi ở nhà văn hóa thôn Hoành, nơi đang "tạm giữ" 19 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát. Tại đây, người dân đã kiên quyết đấu tranh đòi ông Chung phải ký vào bản cam kết, trong đó buộc phải có nội dung không truy tố.
Tất nhiên là ông Chung có quyền từ chối vào bản cam kết có nội dung như vậy. Và thực tế là ông ấy đã do dự. Đây là lý do vì sao cuộc đối thoại phần 2 mất khoảng 2 tiếng bên trong nhà văn hóa, báo chí không được dự. Nhưng nếu ông Chung từ chối, thì dân thôn Hoành lại mời ông ra khỏi cổng làng, và 19 đồng chí của ông vẫn phải ở lại.
Điều gì sẽ xảy ra khi ông Chung quay lưng? Cuộc đối thoại thất bại. Khả năng cuối cùng là chính quyền phải dùng đến sức mạnh chuyên chính để “giải cứu con tin”. Không thể làm như vậy được đâu, các bạn ạ. Lửa sẽ thiêu đốt thôn Hoành và biến sự nghiệp của ông Chung thành tro bụi.
Hôm đó, đứng trong khu vực nhà văn hóa với ông Chung, còn có thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, thiếu tướng Phạm Duy Khương, phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương và các đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng. Tôi biết chắc chắn rằng ông Chung đã trao đổi và nhận được những động viên: phải ký.
Không những ký, ông NGuyễn Đức Chung và ông Dương Trung Quốc còn điểm chỉ vào bản cam kết ấy, là để xác lập một sự xác tín cao nhất với nhân dân Đồng Tâm – quê hương Anh hùng.
2/ Ông Chung lấy tư cách nào để đưa ra lời hứa đó? Các bạn phải hiểu rằng đây là một điểm nóng, rất phức tạp, có sự theo dõi và chỉ đạo ở cấp cao hơn TP Hà Nội. Khi ông Chung đến thôn Hoành, ngoài vị trí Chủ tịch UBND TP, ông còn là người được "tổ chức phân công". Chính ông Chung đã giới thiệu tại cuộc đối thoại rằng "tôi được đồng chí Hoàng Trung Hải phân công, giao nhiệm vụ". Tại thôn Hoành, ông Chung là "tướng ngoài trận mạc", có quyền đưa ra quyết định.
Các bạn thừa biết, mô hình quyền lực của chúng ta là mô hình Nhà nước - Đảng. Việt Nam cũng không có tam quyền phân lập. Hơn nữa, cho dù quyền xét xử thuộc về toà án - tư pháp, nhưng một phần quyền điều tra, truy tố thuộc về hành pháp. Các bạn hiểu rồi chứ, ông Chung hoàn toàn có thể đưa ra bản cam kết như vậy.
ĐÂY LÀ BẢN CAM KẾT CHÍNH TRỊ - PHÁP LÝ có giá trị.
3/ Các bạn lại nói, cam kết không truy tố toàn dân, nghĩa là có thể truy tố một vài người dân (về hành vi bắt giữ người trái phép). Khó thế mà các bạn cũng nghĩ được ư? Bất cứ người dân Đồng Tâm nào bị truy tố về hành vi này, thì ông Nguyễn Đức Chung cũng mắc tội lừa dân, và sự nghiệp chính trị của ông ta sẽ tan thành mây khói. Là một chính trị gia chuyên nghiệp, ông ấy đâu có dại như các bạn.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Rượu lược vàng chữa nhiệt miệng hiệu nghiệm