Tái định cư có điều kiện hay câu chuyện quản lý đô thị


Có những câu chuyện về tái định cư (TĐC) khiến tôi thấy rất xúc động. Tôi xin chia sẻ 2 câu chuyện. Những câu chuyện sẽ rất tốt cho những ai làm tái định cư nói riêng và cả những ai làm quản lý. Chẳng hạn với những người dân mà cuộc sống bị lao đao vì vụ dẹp vỉa hè.
Moi người cứ nói Đà Nẵng là thành phố đáng sống. Nó có thể đáng sống ở nhiều khía cạnh, và có thể còn nhiều điều chưa hài lòng, nhưng có một việc mà họ làm được đó là hỗ trợ để người dân xây dựng cuộc sống tốt hơn. Làm cho dân sống tốt hơn - Đó có phải là đáng sống không cơ chứ!
Hỗ trợ để dân sống tốt hơn, nghe có vẻ đơn giản, và chẳng có ý nghĩa mấy. Nhưng cứ đi vào cụ thể thì sẽ thấy nó chẳng đơn giản tí nào. Và sẽ đặc biệt có ý nghĩa, với những nơi mà dân gặp khó khăn vì những chính sách của thành phố tác động đến nồi cơm của gia đình họ.
Câu chuyện tôi kể là ở một khu ven đô. Vốn là một khu lụp xụp của những người nghèo, người thu nhập thấp, cạnh bãi rác. Điều kiện hạ tầng không có gì. Nay họ được tái định cư sang nơi ở mới có hạ tầng đầy đủ, khang trang, sạch sẽ.
Gia đình chị Nguyễn thị Xuân (chủ hộ) chồng là Võ Thông. Nơi ở cũ: tổ 7, phường Hòa An. Nơi ở mới TĐC: phòng 314, tẩng 3, nhà B4, Khu chung cư Phước Lý, phường Hòa An.
Vợ 38tuổi, lao động tự do làm thuê cho các xưởng inox, chồng 46 tuổi, xe ôm. Thu nhập khoảng 3-4 triệu / tháng. Khi chuyển nhà sang sống ở chung cư, 2 vợ chồng vẫn tiếp tục công việc vẫn làm trước đây. 2 vợ chồng có 3 con. 2 trai 22 và 21 tuổi, thi trượt đại học, hiện tại 1 con đang đi học nghề điện, làm mô tơ. Con gái thứ 3 còn học mẫu giáo, hàng ngày chồng phải đưa đón.
Diện tích đất cũ 50,2 m2, được đền bù TĐC 1 lô đất 100m2. Tuy nhiên gia đình lại không muốn nhận đất mà lại muốn qua sống ở chung cư TĐC. Vì họ bảo rằng dù có đất họ cũng không thể có tiền để xây nhà. Họ đã tiêu hết tiền đền bù để nuôi 3 con ăn học. Nếu nhận đất thì rồi họ vẫn phải bán đất đi để rồi lại đi tìm một nơi nào đó sống. Lại sống ở nơi lụp xụp ô nhiễm như nơi ở cũ. Họ đã phải làm đơn, kiến nghị nhiều lần để được chuyển sang sống ở chung cư. Nay sống ở chung cư, căn hộ 62m2, đầy đủ tiện nghi, nhà cửa khang trang, sạch sẽ. Hiện người TĐC không phải trả tiền thuê nhà. 2 năm phải đổi sổ thuê nhà 1 lần. Họ bảo rằng: “Nhà cũ lợp tôn, chừ sang đây sống tốt hơn. Chưa biết sau này thế nào. Chừ cứ ở đây thôi. Cuộc sống dù 2 vợ chồng làm ăn vất vả, thu nhập thấp nhưng có nơi ở ổn định, tốt hơn trước. Ở đây an ninh tốt hơn. Tòa nhà có bảo vệ. 2 vợ chồng đi làm cả ngày vẫn yên tâm. Con gái đi học về cũng không phải lo gì vì đã có bảo vệ.”
Gia đình bà Hồ Thị Như Thủy 52tuỏi, con trai 30 tuổi, con gái 28 tuổi. Nơi ở cũ: tổ 7e, phường Hòa An. Nơi ở mới: tổ 16, lô 22, B2, phường Hòa An.
Nhà cũ diện tích 49,6m2. Không đủ điều kiện để được cấp đất mà phải chuyển lên nhà chung cư. Tuy nhiên, gia đình có nguyện vọng nhận đất để xây nhà. Vì bà mẹ có thể bán hàng, con trai làm đại úy quân đội ở Viettel, thu nhập 12 triệu/ tháng. Con trai bé đang là sinh viên học IT. Dự định cố học giỏi xin vào làm cho Viettel. Con gái phụ bán hàng với mẹ. Con rể làm thợ nề. Được đền bù hỗ trợ 97 triệu. Gia đình đã xây 1 căn nhà 2 tầng (mặt bằng 85m2). Chi phí xây 440triệu. Trong đó tiền đền bù 97 triệu, gia đình có tiết kiệm 140 triệu, vay 160 triệu, trong đó vay bà con 60 triệu. Dự án có chương trình thế chấp đất vay ngân hàng 100 triệu (thời hạn 2-3 năm, hàng tháng trả lãi 4 triệu). Thời điểm hiện tại, giá trị nhà đất khoảng 800 – 900 triệu, trong đó riêng đất khoảng 420 triệu. Hiện tại nhà nước cho nợ tiền đất (200 triệu) không tính lãi trong 5 năm.
“Quá trình làm TĐC khổ lắm. Phải mất 2 năm trời. Lên quận xin, họ đập bàn. Họ ép được là ép. Dân chỉ làm đơn xin thôi chứ không dám làm đơn kiến nghị. Nhưng cuối cùng họ cũng giải quyết thỏa đáng. Lúc đầu thì họ làm khó khăn, nhưng sau thì đa số dân ở đây đều được thỏa đáng.”
Bây giờ họ đã có một ngôi nhà 3 tầng khang trang, đẹp đẽ, tại khu TĐC với đầy đủ hạ tầng. Mẹ và con gái bán hàng nước giải khát, tạp hóa tại nhà. Các con trai, con rể đi làm có đủ tiền để trả lãi vay. Với 2 người con trai đi làm VietTel thì cuộc sống của họ sẽ tốt hơn rất nhiều. Cửa hàng của bà mẹ và cô con gái sẽ tốt hơn khi dân về sống đông đúc hơn. Họ sẽ có cơ hội để phát triển tốt hơn là nếu lên ở chung cư TĐC.
Cách Đà Nẵng đưa ra giải pháp với từng trường hợp cụ thể như 2 câu chuyện trên chính là cách họ không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo. Giúp cho 2 gia đình không bị quay lại mức nghèo, và khó khăn. Mà hơn thế, Đà Nẵng đã giúp cho người dân có cuộc sống ổn định, và phát triển vươn lên. Giúp cho người dân có tương lai ổn định hơn, không phải là một thứ gì cao siêu mà nó rất cụ thể như thế này, và hoàn toàn trong tầm tay của các nhà quản lý. Nếu làm ngược lại, làm theo đúng quy trình (mà chuyện này lại không phải hiếm) thì cuộc sống của 2 gia đình này nếu không nghèo, thì cũng chỉ đủ ăn là may.
Đôi khi cơ hội đến để thoát nghèo, để phát triển, để làm giàu, nếu không lựa chọn đúng thì sẽ bỏ lỡ cơ hội. Cứ đúng quy trình, sẽ chẳng thể thoát nghèo.
HN 27/3/2017




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm

Rượu lược vàng chữa nhiệt miệng hiệu nghiệm