Người Tàu thâm và thế nào là độc lập dân tộc?



Có 1 bài trên mạng nói rằng đó là bài của bác Vũ Cao Đàm. Tôi chẳng biết có phải của bác í viết ra hay không. Dù là ai viết, thì tôi cũng muốn bàn một chút về những bài viết kiếu này. Những bài cứ thích kể tội Tàu. Những bài cứ gây bài xích dân tộc. Càng kể càng thấy bức xúc, càng rối bòng bong và chẳng có hướng gì giải quyết cả.
Trong bài viết, bác này bác í bảo rằng bác í là hậu duệ của cụ tổ họ Vũ – người Tàu Phúc Kiến. Cụ tổ bác sang Việt Nam từ thế kỷ thứ 9. Như vậy đến nay là khoảng 1.200 năm. Thời gian dài hơn 1000 năm Bắc thuộc nhỉ. Sau hơn nghìn năm, dòng họ Vũ đã từ một vài người nay đã ra bao nhiêu người. Vậy số con cháu, chút chít, chụt chịt của họ Vũ coi mình là người gì? Việt Nam hay Tàu??? Số người Tàu như vậy đã đông và đã đủ biến người Việt thành thiểu số trên đất nước mình chưa? Đến đây câu hỏi bắt đầu khó rồi. Và nếu cứ hỏi theo hướng đó, sẽ còn khó hơn nhiều.
Bác í kể ra rất nhiều việc làm xấu của người “đồng chí tốt”. Những câu chuyện đó chúng ta đều đã được nghe. Và nếu kể ra thì còn nhiều, nhiều câu chuyện tương tự theo hướng đó. Vậy bác con cháu họ Vũ, con cháu người Tàu cảm thấy thế nào? Với người Việt, nghe câu chuyện từ con cháu người Tàu nói thì sẽ thấy hả hê vì đã kể tội, đã nói lên những bức xúc do “đồng chí tốt” gây ra. Nhưng nếu những lời kể tội này mà người Tàu nghe được thì bác tính sao? Chắc là sẽ bị ghép vào tội vô ơn, bạc nghĩa, … bêu xấu tổ tiên… vv…tội mất gốc, tội Hán gian, tội theo Việt phản bội tổ tiên...
Nhưng nếu không kể tội người Tàu thì người Việt Nam sẽ thấy bực tức, không hài lòng. Nếu không kể tội thậm chí có thể bị ghép vào tội… Việt gian, bênh Tàu.
Vậy cứ kể tội như vậy thì sẽ đi đến đâu???
Vấn đề ở đây là dù có kể tội mãi thì cũng thế thôi, chẳng đem lại kết quả gì. Muốn thay đổi, chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách hành xử.
Với Tàu mình làm sao phải giữ được độc lập. Độc lập từ trong cách suy nghĩ, làm ăn.
Những việc Tàu thu mua rễ hôi, móng trâu, chè vàng… là do người Việt mình bán cho nó. Nếu mình quyết không vì món lợi trước mắt mà làm những việc nguy hại đến sản xuất, đời sống, và công việc làm ăn thì đã không có chuyện bị lừa như vậy. Nếu người Việt không muốn làm thì chẳng ai bắt mình làm được cả. Chẳng qua là do mình tham lợi trước mắt mà thôi. Thế mới nói, nếu mình giữ được độc lập trong cách suy nghĩ, trong cách làm ăn, kiên quyết không để ai sai khiến, kiên quyết không vì lợi lộc sai khiến, thì mình đã chẳng bị lừa, bị thiệt như vậy.
Những dự án, những công trình cũng vậy. Như là Bô xít, các công trình thủy lợi, các công trình giao thông… nếu chúng ta đừng tham lợi nhỏ. Nếu chúng ta kiên quyết lựa chọn nhà thầu đảm bảo chất lượng. Nếu chúng ta kiên quyết giám sát công trình chặt chẽ… thì làm sao các công ty Tàu có thể chơi xấu chúng ta được. Nếu Tàu không làm ăn ẩu được thì chúng chỉ có thể phá sản mà về nước thôi. Lúc đó Việt Nam mình sẽ bảo đảm được lợi ích, môi trường … của mình. Chẳng qua là mình tham lợi trước mắt. Không giữ độc lập quan điểm, độc lập lợi ích của mình. Lợi ích của mình mà mình không lo giữ thì ai lo đây. Lúc đó có đổ tại thằng Tàu thâm thì cũng chỉ là cách đổ tội, chối tội thôi. Trước hết phải tự trách mình đã vì tham lợi ích trước mắt mà bỏ qua cái độc lập của mình trong kinh doanh, trong xây dựng.
Còn chuyện văn hóa, chuyện du lịch cũng vậy.
Gần đây khắp nơi chùa chiền phá đi xây mới, to hơn, hoành tráng hơn và giống Tàu hơn. Đó là do ai? Do ta tự xây chứ. Nếu ta không muốn thì chẳng ai bắt ta phải phá cũ xây mới. Vậy ta tham cái lợi trước mắt mà không giữ cái độc lập văn hóa dân tộc của mình. Để bây giờ nhìn đâu cũng thấy đình, chùa rồi đến nhà thờ đều kiến trúc Tàu. Vậy tại ai?
Chuyện người Tàu đi du lịch cũng vậy. người ta thu hút khách du lịch là chuyện bình thường. Càng hút khách, càng phát triển, càng tốt. Còn chuyện họ sang họ bày trò kém văn minh thì mình phải có những quy định, luật lệ để họ không được vi phạm. Anh vào nước tôi, vào nhà tôi, anh phải theo quy định. Nếu chính mình không giữ được độc lập trong quản lý thì mình còn kêu ai. Nếu mình không dám xử phạt những người vi phạm. Nếu người mình thấy sai không biết nhắc nhở. Nếu cơ sở du lịch thấy sai không nhắc nhở khách của mình thì còn nói gì? Tính độc lập nó ở đó chứ đâu. Kinh doanh có lợi nhuận, nhưng phải biết cách giữ độc lập. Đó là cái về lâu về dài.
Tóm lại, trong tất cả những chuyện liên quan đến Tàu, cứ theo luật mà xét. Giữ được đúng luật, đừng vì cái lợi trước mắt, đó mới là cái bền lâu. Đó mới là hướng phát triển. còn cứ bài xích, kêu ca, tẩy chay… chẳng đưa đến giải pháp gì. Chẳng đi đến đâu.
Cái bài được cho là của bác Vũ Cao Đàm ở đây: https://www.facebook.com/levanquy/posts/10202939989097675


HN 24/3/2017

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Một cách làm luật mới

Đặc khu kinh tế cần có đánh giá môi trường chiến lược toàn diện

Thủy điện 7 – Những bất cập và lợi ích nhóm